Tiếng Việt lớp 5 bài 15B: Những công trình mới
Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Về ngôi nhà đang xây". eLib đã biên soạn nội dung bài này bám sát chương trình Tiếng Việt VNEN 5. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 161 SGK VNEN Tiếng Việt 5
Thi vẽ bức tranh về ngôi nhà mơ ước
Mỗi bạn vẽ một bức tranh về ngôi nhà mơ ước của mình.
Bình chọn bạn vẽ được ngôi nhà đẹp nhất và có ý nghĩa nhất.
Tranh tham khảo:
1.2. Văn bản "Về ngôi nhà đang xây"
Về ngôi nhà đang xây
Chiều đi học về
Chúng em qua ngôi nhà xây dở
Giàn giáo tựa cái lồng che chở
Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây
Bác thợ nề ra về còn huơ huơ cái tay:
Tạm biệt!
Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc
Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng
Nhôi nhà giống như bài thơ sắp làm xong
Là bức tranh còn nguyên màu vôi, gạch.
Bầy chim đi ăn về
Rót vào ô cửa chưa sơn vài nốt nhạc.
Nắng đứng ngủ quên
Trên những bức tường
Làn gió nào về mang hương
Ủ đầy những rãnh tường chưa trát vữa.
Bao ngôi nhà đã hoàn thành
Đều qua những ngày xây dở.
Ngôi nhà như trẻ nhỏ
Lớn lên với trời xanh...
ĐỒNG XUÂN LAN
1.3. Nội dung chính của văn bản
- Hiểu được hình ảnh đẹp và sống động của ngôi nhà đang xây.
- Thể hiện sự đổi mới hằng ngày trên đất nước ta.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
Giàn giao: giàn làm bằng gỗ, tre hoặc sắt để công nhân xây dựng làm việc trên cao.
Trụ bê tông: cột đúc bằng xi măng trộn cát, đá (hoặc sỏi) và nước, có cốt sắt bên trong.
Cái bay: dụng cụ của thợ nề, gồm một miếng thép mỏng hình lá lắp vào cán, dùng để xây, trát, láng.
1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải
Câu 1. Những chi tiết nào vẽ lên hình ảnh một ngôi nhà đang xây?
Hướng dẫn giải:
Những chi tiết vẽ lên hình ảnh một ngôi nhà đang xây là:
- Giàn giáo tựa cái lồng
- Trụ bê tông nhú lên như mầm cây
- Bác thợ nề cầm bay làm việc
- Ngôi nhà có mùi vôi vữa nồng hăng
- Ngôi nhà còn nguyên màu vôi, gạch
- Những rãnh tường chưa trát vữa
Câu 2. Tìm những hình ảnh so sánh nói lên vẻ đẹp của ngôi nhà?
Hướng dẫn giải:
Những hình ảnh so sánh nói lên vẻ đẹp của ngôi nhà là:
- Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây
- Giàn giáo tựa cái lồng che chở
- Ngôi nhà giống như bài thơ sắp làm xong
- Ngôi nhà như bức tranh còn nguyên màu vôi gạch
- Ngôi nhà như trẻ nhỏ lớn lên với trời xanh
Câu 3. Tìm những hình ảnh nhân hóa làm cho ngôi nhà được miêu tả sống động, gần gũi hơn?
Hướng dẫn giải:
Những hình ảnh nhân hóa làm cho ngôi nhà được miêu tả sinh động, gần gũi đó là:
- Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc
- Ngôi nhà thở ra mùi vôi vữa
- Nắng đứng ngủ quên trên những bức tường
- Làn gió mang hương ủ đầy những rãnh tường chưa trát
- Ngôi nhà lớn lên với trời xanh
Câu 4.
Hình ảnh những ngôi nhà đang xây nói lên điều gì về cuộc sống trên đất nước ta?
a. Đất nước ta có nhiều ngôi nhà đẹp
b. Đất nước ta đang phát triển và thay đổi hằng ngày hằng giờ
c. Đất nước ta ngổn ngang như một công trường xây dựng
Hướng dẫn giải:
Hình ảnh những ngôi nhà đang xây cho ta thấy được cuộc sống trên đất nước ta đang hằng ngày hằng giờ thay đổi, đất nước giống như một công trình xây dựng, có rất nhiều ngôi nhà được xây dựng lên từ đó.
Chọn đáp án: b
2. Hoạt động thực hành
Câu 1: Nghe thầy cô nêu yêu cầu kể chuyện
Đề bài: Hãy kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc nói về những người đã góp sức mình chống lại đói nghèo, lạc hậu, vì hạnh phúc của nhân dân.
Hướng dẫn giải:
Kể chuyện: Buôn Chư Lênh đón cô giáo
Căn nhà sàn chật ních người. Ai nấy mặc quần áo đẹp như đi hội. Mấy cô gái trải những tấm lông thú thẳng tắp từ đầu cầu thang tới cửa bếp giữa sàn. Bấy giờ, già làng mới ra hiệu dẫn Y Hoa bước lên lối đi bằng lông thú mịn như nhung - nghi thức đặc biệt dành cho khách quý.
Y Hoa đến bên già Rok, trưởng buôn, đang đứng đón khách ở giữa nhà sàn. Nhận con dao mà già giao cho, nhằm vào cây cột nóc. Y Hoa chém một nhát thật sâu vào cột. Theo tục lệ, đó là lời thề của người lạ đến buôn. Lời thề ấy không thể nói ra mà phải khắc vào cột. Sau khi chém nhát dao,Y Hoa sẽ được coi là người trong buôn.
Già Rok sờ tay lên vết chém, gật gù khen:
- Tốt cái bụng đó, cô giáo ạ!
Rồi giọng già vui hẳn lên:
- Bây giờ cho người già xem cái chữ của cô giáo đi!
Bao nhiêu tiếng người cùng ùa theo:
- Phải đấy! Cô giáo cho lũ làng xem cái chữ nào!
Y Hoa lấy trong gùi ra một trang giấy, trải lên sàn nhà. Mọi người im phăng phắc. Y Hoa nghe rõ cả tiếng đập trong lồng ngực mình. Quỳ hai gối lên sàn, tôi viết hai chữ thật to, thật đậm: “Bác Hồ”. Y Hoa viết xong, bỗng bao nhiêu tiếng hò reo cùng bật lên:
- Ôi, chữ cô giáo này! Nhìn kia!
- A, chữ, chữ cô giáo! Đẹp quá!
=> Qua câu chuyện này ta thấy, cô giáo Y Hoa là người cô giáo tốt không quản khó khăn để đưa cái chữ đến với người dân vùng cao, vùng sâu vùng xa. Từ đó, giúp họ biết con chữ, nâng cao trình độ dân trí, phát triển kinh tế.
Câu 2: Lập dàn ý cho câu chuyện định kể
- Mở đầu câu chuyện: Giới thiệu về nhân vật và hoàn cảnh xảy ra câu chuyện.
- Diễn biến câu chuyện: Kể về các hành động của nhân vật, kết quả mà nhân vật đạt được.
- Kết thúc câu chuyện: Nhận xét về nhân vật, ý nghĩa câu chuyện
Câu 3. Kể chuyện trong nhóm
- Mỗi bạn chọn một câu chuyện để kể
- Dựa vào dàn ý, lần lượt kể chuyện trong nhóm
- Trao đổi với các bạn về ý nghĩa câu chuyện
Câu chuyện tham khảo:
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn vẫn có những tấm gương thầm lặng hi sinh và cống hiến cho cuộc sống của nhân dân. Thầy giáo Lê Nhật Tiến là một tấm gương khiến em vô cùng xúc động.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy tìm được một chỗ làm tương đối tốt ngay gần gia đình nhưng khát khao dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo đã thôi thúc thầy từ lâu. Thầy Tiến đã nộp đơn tình nguyện ra huyện đảo Phú Quốc giảng dạy.
Dù điều kiện giảng dạy ngoài đảo còn thiếu thốn nhưng thầy vẫn tận tụy tự học, tự tìm hiểu để mang lại những bài giảng hay cho các em học sinh.
Cuộc sống của người dân ngoài đảo còn nhiều khó khăn, nhiều bạn học sinh phải đi bộ xa tới trường. Thấu hiểu hoàn cảnh của học trò, thầy luôn động viên và giúp đỡ các bạn tiến bộ trong học tập. Ước mong lớn nhất của thầy Tiến là gieo chữ cho trẻ em vùng đảo, sẽ dạy dỗ được các lớp học trò ngoan giỏi, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thầy đã vinh dự được Nhà nước vinh danh là một trong những giáo viên tiêu biểu, có đống góp lớn cho sự phát triển giáo dục các vùng hải đảo.
Thầy Tiến và nhiều thầy cô khác là những tấm gương để em noi theo học tập. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể cống hiến cho quê hương Việt Nam thân yêu.
Ý nghĩa câu chuyện:
Sự yêu nghề và lòng yêu trẻ đã giúp cho thầy Tiến vượt qua được những khó khăn, đến với huyện đảo Phú Quốc để gieo cái chữ tới cho những trẻ em nơi đây. Thầy Tiến là một tấm gương sáng trong việc góp công sức chống lại lạc hậu, vì hạnh phúc của nhân dân, xứng đáng để chúng ta noi theo.
Câu 4. Thi kể chuyện trước lớp
- Đại diện các nhóm xung phong thi kể chuyện trước lớp. Nghe thầy cô hỏi và trả lời về ý nghĩa câu chuyện em vừa kể.
- Cả lớp bình chọn người kể chuyện hay nhất.
Câu 5.
Nhận xét về cách tả hoạt động trong bài văn tả người.
1) Đọc lại bài văn sau:
Công nhân sửa đường
Bác Tâm, mẹ của Thư, đang chăm chú làm việc. Bác đi một đôi găng tay bằng vải rất dày. Vì thế, tay bác y như tay một người khổng lồ. Bác đội nón, khăn trùm gần kín mặt, chỉ để hở mỗi cái mũi và đôi mắt. Tay phải bác cầm một chiếc búa. Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng. Bác đập búa đều đều xuống những viên đá để chúng ken chắc vào nhau. Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng. Dường như bác đang làm một việc gì đấy rất nhẹ nhàng chứ không phải là công việc vá đường vất vả kia. Chỉ có mảnh áo ướt đẫm mồ hôi ở lưng bác là cứ loang ra mãi.
Mảnh đường hình nhữ nhật đen nhánh hiện lên, thay thế cho cái ổ gà quái ác lúc trước. Thư say sưa ngắm miếng vá hình chữ nhật, thơm mùi nhựa đường hăng hắc ấy, rồi ôm cổ mẹ:
- Đẹp quá! Mẹ vá đường cũng khéo như vá áo ấy!
Bác Tâm đứng lên, vươn vai mấy cái liền. Bác nhéo mắt nhìn mặt đường. Nắng chói chang. Một nụ cười làm rạng rỡ khuôn mặt bác.
Theo Nguyễn Thị Xuyến
2) Xác định các đoạn của bài văn và nội dung chính của mỗi đoạn:
Viết vào bảng nhóm kết quả thảo luận:
Các đoạn Nội dung của mỗi đoạn
Đoạn 1: Từ...... đến ...... Tả....
Đoạn 2: Từ...... đến ...... Tả....
Đoạn 3: Từ...... đến ...... Tả....
Hướng dẫn giải:
Xác định các đoạn của bài văn và nội dung chính của mỗi đoạn:
- Đoạn 1: Từ đầu đến loang ra mãi: Tả công việc vá đường của Bác Tâm.
- Đoạn 2: Từ mảng đường hình chữ nhật đến nhứ vá áo ấy: Tả thành quả lao động của bác Tâm.
- Đoạn 3: Từ bác Tâm đứng lên đến hết: Tả niềm vui của bác Tâm sau khi xong công việc.
3) Tìm vào vở và viết lại những câu miêu tả hoạt động của bác Tâm
Hướng dẫn giải:
Những câu văn miêu tả hoạt động của bác Tâm:
- Tay trái bác xếp rất khéo những viên đá bọc nhựa đường đen nhánh vào chỗ trũng.
- Bác đập búa đều đều xuông những viên đá để chúng ken chắc vào nhau.
- Hai tay bác đưa lên hạ xuống nhịp nhàng.
Câu 6.
Viết đoạn văn tả hoạt động của một người mà em yêu mến
Hướng dẫn giải:
Bài mẫu 1
Trong cuộc đời của mỗi con người, ai ai cũng được sinh ra một lần và cũng một lần đi vào cõi vĩnh hằng mãi mãi. Thế nhưng “trước giây phút nhắm mắt buông tay” ấy thì những hình ảnh về gia đình, người thân vẫn luôn là bến đỗ cuối cùng của mỗi người với biết bao kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm mà tôi nhớ mãi không bao giờ quên đó là hình ảnh ngoại nhóm bếp lửa nấu bữa sáng mỗi sớm mai.
Như thường lệ, sáng nào cũng vậy cứ 5h sáng ngoại dậy chuẩn bị chu đáo nấu cơm cho cả gia đình. Có sáng ngoại nấu sắn, khoai, có sáng ngoại thổi xôi, nấu mỳ hoặc nấu cơm. Hôm nay ngoại luộc khoai lang mà hôm qua ngoại đào được trong vườn nhà. Đôi bàn tay thoăn thoắt của ngoại nhóm bếp củi, nâng niu từng cục than hồng rồi ngoại từ từ cho khoai vào nồi. Những củ khoai lang to, màu tím được ngoại rửa sạch rồi xếp ngay ngắn thành hàng với mức nước luộc vừa phải. Từng ngọn lửa chập chờn với ánh sáng lung linh, huyền ảo xen lẫn trong màn sương sớm. Hơi ấm và khói mùi rơm đã bắt đầu lan tỏa. Khói bếp làm cay cay mắt tôi. Tôi không biết mắt tôi nhòe vì khói hay nhòa vì mến yêu bà nữa? Trán ngoại lấm tấm mồ hôi, mấy sợ tóc trắng bạc phơ đang xõa xuống trông bà thật tảo tần biết bao. Nước sôi, mùi khoai luộc thơm phức làm cho tôi thấy đói bụng hơn. Ngoại mở nồi, lật lại khoai cho khoai chín đều. Sau khoảng nửa tiếng, khoai chín, ngoại để vào rổ mang lên nhà rồi cả gia đình cùng thưởng thức.
Với mái tóc bạc trắng và bộ quần áo bà ba nâu ngoại tảo tần, cần mẫn sớm hôm chăm sóc tôi và em gái lớn lên từng ngày. Bố mẹ đi làm xa, hai anh em tôi có ngoại là động lực, là bến đỗ, là tình thương sát cánh. Ngoại như người mẹ thứ hai của tôi vậy. Tôi rất yêu quý và biết ơn ngoại.
Bài mẫu 2
Chiều hè, những ánh nắng vàng cuối ngày đã ngả dài theo bóng cây. Em đi học về thì thấy bố mình đang lúi húi trước sân. Thì ra bố em đang xây bồn hoa. Xung quanh chỗ bố ngồi ngổn ngang cát, xi măng, gạch đỏ,… Bên phải bố là chậu vữa trộn xi măng sóng sánh màu xanh, chồng gạch đỏ đều tăm tắp bên tay trái ngay tầm tay với. Tay phải bố cầm chiếc bay, xúc vữa đổ lên mặt hàng gạch rồi bố nhanh tay gạt cho đều và phẳng. Tay trái bố nhặt từng viên gạch xếp ngay ngắn lên trên, rồi trở cán bay, bố gõ nhè nhẹ lên viên gạch. Trông động tác của bố rất đều đặn và khéo léo. Chẳng mấy chốc chiếc bồn hoa hình vòng cung hiện lên rất đẹp. Nhìn bố say mê làm việc em thấy mình yêu bố biết bao.
Bài mẫu 3:
Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em. Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.
Bài mẫu 4:
Chiều nào đi học về tôi cũng đã thấy ông ngồi bên chiếc sa lông đọc báo. Tôi muốn chạy đến ôm chầm lấy cổ ông nhưng thấy ông đọc chăm chú tôi đứng từ xa nhìn ông. Khuôn mặt hiền từ, phúc hậu của ông như đang đăm chiêu, suy nghĩ điều gì đấy. Đôi tay ông cầm tờ báo ngang trước mặt. Thỉnh thoảng ông đưa tay đẩy gọng kính lên cao. Đôi chân khẽ rung rung nhè nhẹ như đưa nhịp theo một bản nhạc. Ông khẽ gật đầu như hài lòng về điều gì đó. Có lúc, ông cầm chén nước chè đang bốc khói nghi ngút, nhấp một ngụm rồi khẽ “khà” một tiếng sảng khoái. Đứng ngắm ông đọc báo, em thấy cuộc sống thật bình yên và hạnh phúc biết bao.
3. Hoạt động ứng dụng
Câu 1. Kể cho người thân nghe câu chuyện em đã kể ở lớp
Câu chuyện tham khảo:
Cuộc sống dù còn nhiều khó khăn vẫn có những tấm gương thầm lặng hi sinh và cống hiến cho cuộc sống của nhân dân. Thầy giáo Lê Nhật Tiến là một tấm gương khiến em vô cùng xúc động.
Sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, thầy tìm được một chỗ làm tương đối tốt ngay gần gia đình nhưng khát khao dạy chữ cho những đứa trẻ nghèo đã thôi thúc thầy từ lâu. Thầy Tiến đã nộp đơn tình nguyện ra huyện đảo Phú Quốc giảng dạy.
Dù điều kiện giảng dạy ngoài đảo còn thiếu thốn nhưng thầy vẫn tận tụy tự học, tự tìm hiểu để mang lại những bài giảng hay cho các em học sinh.
Cuộc sống của người dân ngoài đảo còn nhiều khó khăn, nhiều bạn học sinh phải đi bộ xa tới trường. Thấu hiểu hoàn cảnh của học trò, thầy luôn động viên và giúp đỡ các bạn tiến bộ trong học tập. Ước mong lớn nhất của thầy Tiến là gieo chữ cho trẻ em vùng đảo, sẽ dạy dỗ được các lớp học trò ngoan giỏi, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Thầy đã vinh dự được Nhà nước vinh danh là một trong những giáo viên tiêu biểu, có đống góp lớn cho sự phát triển giáo dục các vùng hải đảo.
Thầy Tiến và nhiều thầy cô khác là những tấm gương để em noi theo học tập. Chúng em xin hứa sẽ cố gắng học tập thật tốt để sau này có thể cống hiến cho quê hương Việt Nam thân yêu.
Câu 2.
Đọc cho người thân nghe đoạn văn tả người em viết ở lớp
Đoạn văn tham khảo:
Tuy đã nhiều tuổi rồi nhưng bà vẫn rất thích làm việc nhà. Mới sáng sớm, khi em còn chìm đắm trong giấc ngủ bà đã thức dậy dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc vườn rau sau nhà. Vườn rau nhỏ xinh đầy những rau xanh như rau muống, rau cải, mướp, cải bắp, su hào,… đều do một tay bà và mẹ em vun trồng và chăm sóc. Đối với mỗi công việc nhà, bà đều tỉ mỉ, cẩn thận làm từng chút một. Những lúc không phải học bài em thường thích loanh quanh bên bà, phụ giúp bà những công việc nhà. Em rất thích ngồi hàng giờ trò chuyện với bà. Phần vì em biết người già rất thích có người bên cạnh trò chuyện cùng, phần vì em cũng rất thích lắng nghe bà nói. Bà hay kể cho em nghe những câu chuyện xa xưa, em ngoan ngoãn ngồi bên bà như chú mèo nhỏ. Mỗi lúc như thế đôi mắt đục mờ của bà lại nhìn xa xăm vào khoảng không phía trước, có chút gì đó rưng rưng. Em có thể thấy được từ trong đôi mắt đó bao nhiêu cảm xúc đang ùa về. Nhưng mỗi lúc em kể cho bà nghe những câu chuyện ở lớp với thầy cô, bạn bè của em thì đôi mắt ấy lại sáng và linh động tới kì lạ. Đôi mắt chuyển động theo từng lời kể của em, lúc thì dãn ra, khi lại híp lại, thỉnh thoảng bà lại bật cười xoa đầu em. Em thấy được từ trong đôi mắt ấy bao nhiêu là yêu thương và trìu mến mà bà dành cho em. Những ngày ấu thơ em thích lười biếng nằm trong lòng bà, nắm đôi bàn tay nhăn nheo của bà. Cảm thấy ấm áp tới vô cùng. Bố mẹ thường xuyên đi làm xa, chỉ có bà ở bên cạnh bầu bạn, chăm chút cho em từng li từng tí một. Hình ảnh của bà bao trùm trọn vẹn cả tuổi thơ của em.
4. Tổng kết
Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:
- Nắm được nội dung chính của bài Tập đọc "Về ngôi nhà đang xây".
- Luyện tập viết đoạn văn tả ngưới.
- Vận dụng trả lời bài tập SGK một cách nhanh chóng và chính xác nhất.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 14A: Những tấm lòng cao đẹp
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 14B: Hạt vàng làng ta
- doc Bài 14C: Làm biên bản cuộc họp
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 15A: Buôn làng đón cô giáo mới
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 15C: Những người lao động
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16A: Tấm lòng người thầy thuốc
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16C: Từ ngữ miêu tả
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16B: Thầy cúng đi viện
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17B: Những bài ca lao động
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17A: Người dời núi mở đường
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17C: Ôn tập về câu