Tiếng Việt lớp 5 bài 1B: Cảnh đẹp ngày mùa

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung chính của bài Tập đọc: Quang cảnh làng mạc ngày mùa, và hiểu được cấu tạo của bài văn tả cảnh, biết được tiểu sử của người anh hùng Lý Tự Trọng. eLib  mời các em tham khảo nội dung bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 1B: Cảnh đẹp ngày mùa

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 9 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Câu hỏi: Quan sát bức tranh sau và cho biết tranh vẽ cảnh gì?

Hướng dẫn giải:

Quan sát bức tranh em thấy, bức tranh vẽ cảnh một cánh đồng lúa chín vàng ở làng quê, các cô chú nông dân đang hối hả thu hoạch vụ mùa.

1.2. Văn bản "Quang cảnh làng mạc ngày mùa"

Quang cảnh làng mạc ngày mùa

Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.

Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng, vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đó, con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ. Ngày không nắng, không mưa, hồ như không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

TÔ HOÀI

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài "Quang cảnh làng mạc ngày màu" là miêu tả về khung cảnh thiên nhiên làng mạc những ngày mùa. Ngôi làng như đang khoác trên mình tấm áo màu vàng. Những ngày mùa khắp nơi tràn đầy sắc màu ấm áp, niềm vui của nhười dân khi một vụ mùa bội thu. Tác giả không chỉ miêu tả ngày mùa với màu lúa chín mà còn miêu tả quang cảnh của tất cả cảnh vật của ngôi làng: như vườn quả chín, những tàu lá chuối vàng ối, những buồng chuối đốm chín,...Qua cách miêu tả tỉ mỉ cụ thể đó ta thấy được ẩn sâu trong đó là một tình yêu quê hương thiết tha trìu mến của tác giả.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Lụi: cây cùng loại với cây cau, cao từ 1 đến 2 mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ thẳng và rắn, thường dùng làm gậy

- Kéo đá: dùng trâu bò để kéo con lăn bằng đá để xiết cho thóc rụng khỏi thân lúa.

1.5. Giải câu 2 trang 9 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Câu hỏi: Ghép mỗi từ ngữ dưới đây với lời giải nghĩa phù hợp: Kéo đá, Hợp tác xã, Lụi .

(1) .......: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.

(2) .......: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.

(3) ......: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.

Hướng dẫn giải:

(1) Lụi: cây cùng loại với cây cau; cao một, hai mét; lá xẻ hình quạt; thân nhỏ, thẳng và rắn, thường dùng làm gậy.

(2) Kéo đá: dùng trâu, bò kéo con lăn bằng đá để làm cho thóc rụng khỏi thân lúa.

(3) Hợp tác xã: cơ sở sản xuất, kinh doanh tập thể.

1.6. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Kể tên những sự vật trong bài có màu vàng và từ chỉ màu vàng đó.

Hướng dẫn giải:

Những sự vật trong bài có màu vàng và từ chỉ màu vàng là: nắng- vàng hoe; xoan- vàng lịm; lá mít- vàng ối; tàu đu đủ, lá sắn héo- vàng tươi; buồng chuối đốm quả- chín vàng; tàu lá chuối- vàng ối; bụi mía- vàng xọng; rơm và thóc- vàng giòn; con gà, con chó- vàng mượt; mái nhà rơm- vàng mới, tất cả- màu trù phú.

Câu 2. Những chi tiết nào về thời tiết và con người đã làm cho bức tranh làng quê thêm đẹp và sinh động?

Hướng dẫn giải:

  • Thời tiết: Không ai tưởng đến ngày hay đêm mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa là đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

  • Con người: Ai cũng vậy, cứ buông bát đĩa là đi làm ngay, cứ trở dậy là đi làm ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

Câu 3. Bài văn thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với quê hương?

Hướng dẫn giải:

Bài quang cảnh làng mạc ngày mùa thể hiện một tình yêu thiên nhiên nồng nàn của tác giả đồng thời qua đó thể hiện tình yêu quê hương tha thiết của tác giả đối với nơi chôn rau cắt rốn của mình.

1.7. Tìm hiểu cấu tạo của bài văn tả cảnh

Tìm hiểu cấu tạo của bài văn tả cảnh

1) Đọc bài văn tả cảnh sau

Buổi sáng trên quê em

Buổi sáng mùa xuân, phong cảnh thị xã Sơn La của em thật đẹp.

Đứng trên đồi Khau Cả, em có thể nhìn thấy toàn cảnh thị xã. Ông mặt trời hồng rực vừa thức dậy ló qua khỏi ngọn cây. Ánh nắng ban mai toả xuống mặt đất xua đi cái lạnh của đêm. Cảnh vật như bừng tỉnh, tràn đầy sức sống. Những dãy núi đồi trùng trùng điệp điệp dần dần hiện ra giữa màn sương mờ ảo. Từng dải mây trắng sà xuống quấn quanh sườn núi hoà với sắc hoa ban trắng xoá cả núi rừng.

Xa xa, dòng suối Nậm La uốn lượn như một dải lụa. Nước suối trong xanh in bóng mây trời. Có chỗ nước suối tràn qua đập, tung bọt trắng xoá rồi đổ xuống như một màn thác…

Ai đã đứng ngắm thị xã Sơn La một lần vào buổi sáng thì khó lòng dứt bước ra đi.

(Theo Nguyễn Hoàng Long)

2) Xác định các đoạn của bài văn trên.

3) Nội dung chính của mỗi đoạn văn là gì?

4) Dựa vào bài văn trên, em hãy nhận xét về cấu tạo của bài văn tả cảnh: Bài văn tả cảnh gồm những phần nào? Mỗi phần có nội dung gì?

Hướng dẫn giải:

2) Xác định các đoạn của bài văn:

- Đoạn 1: Từ “Buổi sáng…” đến “…thật đẹp”.

- Đoạn 2: Từ “Đứng trên …” đến “… một màn thác”

- Đoạn 3: Từ “Ai đã đứng…” đến “… khó lòng dứt bước ra đi”

3) Nội dung chính của mỗi đoạn văn trên:

- Đoạn 1: Từ “Buổi sáng…” đến “…thật đẹp”: Giới thiệu chung về cảnh đẹp một sáng mùa mùa xuân  ở Sơn La

-  Đoạn 2: Từ “Đứng trên …” đến “… một màn thác”: Tả chi tiết từng cảnh đẹp ở Sơn La vào buổi sáng.

- Đoạn 3: Từ “Ai đã đứng…” đến “… khó lòng dứt bước ra đi”: Cảm xúc trước cảnh đẹp buổi sáng ở Sơn La.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1

a) Đọc và tìm các phần mở bài, thân bài, kết bài của bài bài văn dưới đây:

Hoàng hôn trên sông Hương

Cuối buổi chiều, Huế thường trở về trong một vẻ yên tĩnh lạ lùng, đến nỗi tôi cảm thấy hình như có mộ cái gì đang lắng xuống thêm một chút nữa trong thành phố vốn hằng ngày đã rất yên tĩnh này.

Mùa thu, gió thổi mây về phía cửa sông, mặt nước phía dưới cầu Tràng Tiền đen sẫm lại, trong khi phía trên này lên mãi gần Kim Long, mặt sông sáng màu ngọc lam in những vệt mây hồng rực rỡ của trời chiều. Hình như con sông Hương rất nhạy cảm với ánh sáng nên đến lúc tối hẳn, đứng trên cầu chăm chú nhìn xuống, người ta vẫn còn thấy những mảnh sắc mơ hồng ửng lên như một thứ ảo giác trên mặt nước tối thẳm. Phố ít người, con đường ven sông như dài thêm ra dưới vòm lá xanh của hai hàng cây.

Phía bên sông, xóm cồn hến nấu cơm chiều, thả khói nghi ngút cả một vùng tre trúc. Đâu đó, từ sau khúc quanh vắng lặng của dòng sông, tiếng lanh canh của thuyền chài gỡ những mẻ cá cuối cùng truyền đi trên mặt nước, khiến cho mặt sông nghe như rộng hơn. Và khi dãy đèn bên đường bắt đầu thắp lên những quả tròn màu tím nhạt, chuyển dần sang màu xanh lá cây và cuối cùng nở bung ra trong màu trắng soi rõ mặt người qua lại thì khoảnh khắc yên tĩnh của buổi chiều cũng được chấm dứt.

Huế thức dậy trong một nhịp chuyển động mới, đi vào cuộc sống ban đầu của nó.

Theo Hoàng Phủ Ngọc Tường

Màu ngọc lam: màu xanh đậm

Nhạy cảm: có khả năng phản ứng hoặc cảm nhận nhanh và chính xác trước những tác động rất nhỏ.

Ảo giác: hình ảnh giống như thật nhưng không có thật do sai lầm của thị giác hay nhận thức đem lại.

b) Mỗi đoạn trong bài văn trên nêu nội dung gì?

Viết kết quả vào phiếu học tập.

- Mở bài: Đoạn …. Giới thiệu đặc điểm của Huế lúc …

- Thân bài: 

+ Đoạn …. Tả đặc điểm đổi thay sắc màu của dòng sông Hương từ lúc … đến lúc ….

+ Đoạn … Tả hoạt động của con người ở … từ lúc … đến …

- Kết bài: Đoạn ... Nêu cảm nhận về ….

Hướng dẫn giải:

- Mở bài: Đoạn 1: Giới thiệu đặc điểm của Huế lúc hoàng hôn yên tĩnh lạ lùng

- Thân bài:

+ Đoạn 2: Tả đặc điểm đổi thay sắc màu của dòng sông Hương từ lúc chiều đến lúc trời tối hẳn

+ Đoạn 3: Tả hoạt động của con người ở bên sông và trên sông từ lúc hoàng hôn đến khi thành phố lên đèn

- Kết bài: Đoạn 4: Nêu cảm nhận về sự thức dậy của Huế sau hoàng hôn.

Câu 2

Nghe thầy cô kể câu chuyện Lý Tự Trọng (2 – 3 lần)

Nội dung câu chuyện:

LÝ TỰ TRỌNG

1. Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Tĩnh. Năm 1928, anh tham gia cách mạng và được cử đi học ở nước ngoài. Anh học rất sáng dạ, tiếng Trung Quốc và tiếng Anh đều nói thạo.

2. Mùa thu năm 1929, anh về nước, được giao nhiệm vụ làm liên lạc, chuyển và nhận thư từ tài liệu trao đổi với các đảng bạn qua đường tàu biển. Để tiện cho công việc, anh đóng vai người nhặt than ở bến Sài Gòn.

Có lần, anh Trọng mang một bọc truyền đơn, gói vào chiếc màn buộc sau xe. Đi qua phố, một tê đội Tây gọi lại đòi khám, anh  nhảy xuống vờ cởi bọc ra, kì thật buộc lại cho chặt hơn. Tên đội sốt ruột, quăng xe bên vệ đường, lúi húi tự mở bọc. Nhanh trí, anh vồ lấy xe của nó, nhảy lên, phóng mất. Lần khác, anh chuyển tài liệu từ tàu biển lên, lính giặc giữ lại trực khám. Anh nhanh chân ôm tài liệu nhảy xuống nước, lặn qua gầm tàu trốn thoát.

Đầu năm 1931, trong một cuộc mít tinh, một cán bộ ta đang nói chuyện trước đông đảo đồng bào. Tên thanh tra mật thám Lơ – grăng ập tới, định bắt anh cán bộ. Lý Tự Trọng rút súng lục bắn chết tên mật thám. Không trốn kịp anh bị giặc bắt.

3. Giặc tra tấn anh rất dã man khiến anh chết đi sống lại nhưng chúng không moi được bí mật gì ở anh.

Trong nhà giam, anh được những người coi ngục rất khâm phục và kiêng nể. Họ gọi anh là “Ông Nhỏ”.

Trước toàn án, anh dõng dạc vạch mặt bọn đế quốc và tuyên truyền cách mạng. Luật sư bào chữa cho anh nói là anh chưa đến tuổi thành niên nên hành động thiếu suy nghĩ. Anh lập tức đứng dậy nói:

- Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng thanh niên Việt Nam chỉ có một con đường duy  nhất là làm cách mạng, không thể có con đường nào khác.

Thực dân Pháp bất chấp dư luận và luật pháp, xử tử anh vào một ngày cuối năm 1931.

Trước khi chết, anh hát vang bài Quốc tế ca. Năm ấy anh mới 17 tuổi.

Câu 3. Dựa vào các tranh và lời thuyết minh dưới tranh, mỗi em kể lại một đoạn của câu chuyện

- Tranh 1: Lý Tự Trọng rất sáng dạ, anh đã được cử ra nước ngoài học tập.

- Tranh 2: Về nước, anh được giao nhiệm vụ chuyển nhận thư từ, tài liệu.

- Tranh 3: Trong công việc, anh Trọng rất bình tĩnh và nhanh trí.

- Tranh 4: Trong một buổi mít tinh, anh bắn chết một tên mật thám và bị giặc bắt

- Tranh 5: Trước toà án của giặc, anh hiên ngang khẳng định lí tưởng cách mạng của mình.

- Tranh 6: Ra pháp trường, Lý Tự Trọng hát vang bài Quốc tế ca.

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1: Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Tĩnh, anh là một thiếu niên thông minh, sáng dạ. Bởi vì sớm giác ngộ cách mạng nên anh được tổ chức cách mạng cử ra nước ngoài học tập.

- Tranh 2: Trở về nước, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ chuyển và nhận tài liệu trao đổi với các tổ chức Đảng qua đường tàu biển.

- Tranh 3: Trong công việc anh là một người mưu trí, gan dạ. Mấy lần suýt bại lộ nhưng nhờ nhanh  trí anh đều thoát hiểm.

- Tranh 4: Trong một cuộc mít tinh, để cứu đồng chí của mình, anh đã nổ súng bắn chết tên mật thám rồi bị sa vào tay giặc

- Trang 5: Trong ngục bọn giặc tra tấn anh rất dã man nhưng không moi được gì ở anh. Trước tòa án anh dõng dạc vạch mặt bọn đến quốc và khẳng định lí tưởng cách mạng của mình.

- Tranh 6: Khi bị đưa ra pháp trường xử bắn, anh không hề run sợ, ngẩng cao đầu, hiên ngang hát bài Quốc tế ca

Câu 4

Kể lại câu chuyện Lý Tự Trọng

Hướng dẫn giải:

Lý Tự Trọng sinh ra trong một gia đình yêu nước ở Hà Tĩnh, anh là một thiếu niên thông minh, sáng dạ. Bởi vì sớm giác ngộ cách mạng nên anh được tổ chức cách mạng cử ra nước ngoài học tập. Trở về nước, Lý Tự Trọng được giao nhiệm vụ chuyển và nhận tài liệu trao đổi với các tổ chức Đảng qua đường tàu biển.Trong công việc anh là một người mưu trí, gan dạ. Mấy lần suýt bại lộ nhưng nhờ nhanh  trí anh đều thoát hiểm.Trong một cuộc mít tinh, để cứu đồng chí của mình, anh đã nổ súng bắn chết tên mật thám rồi bị sa vào tay giặc. Trong ngục bọn giặc tra tấn anh rất dã man nhưng không moi được gì ở anh. Trước tòa án anh dõng dạc vạch mặt bọn đến quốc và khẳng định lí tưởng cách mạng của mình. Khi bị đưa ra pháp trường xử bắn, anh không hề run sợ, ngẩng cao đầu, hiên ngang hát bài Quốc tế ca.

Câu 5: 

Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện

- Câu chuyện giúp em hiểu điều gì?

- Hành động nào của anh Trọng khiến em khâm phục nhất?

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện Lý Tự Trọng ca ngợi anh Lý Tự Trọng giàu lòng yêu nước, dũng cảm bảo vệ đồng chí, hiên ngang, bất khuất trước kẻ thù. Từ đó giúp  em hiểu rằng, cuộc sống yên vui và hoà bình mà chúng em đang được sống ngày hôm nay là nhớ có những thế hệ đi trước đã hi sinh thân mình để giành lấy, chúng em luôn luôn biết ơn những người anh hùng ấy, đồng thời cũng phải luôn học tập thật tốt, rèn luyện bản thân, tu dưỡng đạo đức để mai này góp phần xây dựng đất nước để không phụ sự hi sinh to lớn ấy.

- Trong truyện, mỗi một hành động của anh Trọng đều khiến em khâm phục, nhưng khâm phục hơn cả là trong giây phút bị giặc xử bắn anh vẫn hát vang bài hát Quốc tế ca. Trong giờ phút đối diện giữa sự sống và cái chết, Lý Tự Trọng vẫn không hề run sợ, đầu hàng địch, anh giữ vững lập trường cách mạng của mình, hiên ngang sống cho tới giây phút cuối cùng.

3. Hoạt động ứng dụng

Sưu tầm những câu chuyện kể về những tấm gương tuổi nhỏ chí lớn?

Gợi ý: Các em có thể tìm những câu chuyện liên quan đến các nhân vật anh hùng như: Đinh Bộ Lĩnh, Trần Quốc Toản, Kim Đồng, Lê Văn Tám.

Hướng dẫn giải:

1/ Truyện về anh Kim Đồng

Kim Đồng tên thật là Nông Văn Dền, người dân tộc Nùng, quê ở thôn Nà Mạ, xã Xuân Hòa (nay là Trường Hà), Hà Quảng, Cao Bằng

Anh là một trong 5 đội viên đầu tiên của Đội nhi đồng Cứu quốc thôn Nà Mạ và cũng là tổ chức Đội đầu tiên của Đội ta được thành lập khi mặt trận Việt Minh ra đời (1941).

Trong buổi thành lập Đội, Kim Đồng được bầu làm tổ trưởng.

Kim Đồng là con trai út của một gia đình nông dân nghèo. Bố mất sớm. Anh trai tham gia cách mạng và hy sinh khi còn trẻ.

Từ năm 1940, ở quê Dền đã có phong trào cách mạng. Dền được anh trai và anh cán bộ như anh Đức Thanh giác ngộ cách mạng. Dền đã theo các anh làm các công việc: canh gác, chuyển thư từ, nghe nói chuyện về tội ác của quân giặc… nhờ đó Dền đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành một liên lạc viên tin cậy của tổ chức Đảng. Dền đã mau chóng làm quen với cách thức làm công tác bí mật, nhiều lần đưa, chuyển thư từ, đưa đường cho cán bộ lọt qua sự bao vây, canh gác của địch.

Năm 1941, Bác Hồ về Pắc Pó, Kim Đồng từng được gặp Bác ở căn cứ cách mạng.

Bước sang năm 1943, bọn địch khủng bố, đánh phá dữ dội vùng Pắc Pó. Trong một lần đi liên lạc về, giữa đường gặp lính địch phục kích gần nơi có cán bộ của ta, Kim Đồng đã nhanh trí nhử cho bọn địch nổ súng về phía mình. Nhờ tiếng súng báo động ấy, các đồng chí cán bộ ở gần đó tránh thoát lên rừng. Song, Kim Đồng đã bị trúng đạn và anh dũng hy sinh tại chỗ, ngay bờ suối Lê-nin.

Hôm ấy là ngày 11 tháng giêng Âm lịch năm 1943, Anh vừa tròn 14 tuổi.

Ngày nay, mộ của Kim Đồng đã được đội viên cả nước góp phần xây dựng tại nơi anh ngã xuống. Ngày 15-5-1986, nhân kỷ niệm lần thứ 45 ngày thành lập Đội, mộ của Anh và tượng người đội viên liệt sĩ anh hùng Kim Đồng đang tung con chim sáo bay lên đã được khánh thành. Từ đó đến nay nơi đây đã trở thành khu di tích Kim Đồng chào đón các thế hệ thiếu nhi Việt Nam đến nơi thành lập Đội TNTP, với người đội trưởng đầu tiên của mình, đến với quê hương cách mạng có suối Lê-nin, có núi Các Mác và hang Pắc Pó mãi mãi khắc sâu trong tâm trí của thiếu nhi Việt Nam.

2/ Truyện về anh Lê Văn Tám

Ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp gây hấn ở Nam bộ hòng cướp lại nước ta một lần nữa. Năm ấy, ở gần chợ Đa Kao thành phố Sài Gòn có một em bé con nhà nghèo phải đi bán lạc rang, đánh giầy để kiếm sống. Tên em là Tám

Lê Văn Tám thường lân la tới những nơi có quân Pháp đóng để bán hàng, đánh giầy. Tám tỏ ra hiền lành, nhút nhát nên đã được bọn lính Pháp để cho đi qua, đi lại và dần dần quen mặt em. Tại Thị Nghè, có một kho xăng, đạn lớn của địch. Hình ảnh những hòm đạn, những trái bom hiện ra trong trí nhớ của Tám cùng những cảnh tàn phá, giết chóc dã man của địch đối với đồng bào ta đã thôi thúc em tính đến một việc làm táo bạo. Tám nảy ra ý định sẽ phá kho xăng đạn này.

Sau mấy hôm dò la quan sát địch. Tám giấu dầu xăng trong người, thản nhiên khoác hòm lạc rang đến bán cho lính gác như thường lệ. Lợi dụng lúc bọn địch không để ý Tám chạy nhưng bay vào chỗ để xăng và xèo diêm. Dầu xăng trong người Tám bốc cháy và bén luôn vào thùng xăng gần nhất. Thế là cả kho xăng bốc cháy đùng đùng rồi lan tới chỗ để bom đạn. Tiếng nổ ầm trời, khói lửa mịt mù cả thành phố.

Lê Văn Tám đã anh dũng hy sinh và để lại trong trí nhớ nhân dân Thành đồng Tổ quốc hình ảnh: Em bé đuốc sống của thành phố mang tên Bác của dân tộc Việt Nam.

3/ Truyện về chị Võ Thị Sáu

Chị tên thật là Nguyễn Thị Sáu, quê ở làng Đất Đỏ, Bà Rịa – Vũng Tàu

Mới 12 tuổi, chị đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng trốn lên ở trên chiến khu. Năm 14 tuổi (1949) chi đã dùng lựu đạn giết một tên quan ba Pháp và làm bị thương 20 tên lính ngay tại vùng Đất Đỏ. Từ chiến khu trở về Bà Rịa, chị làm nhiệm vụ điều tra tình hình địch và tiếp tế cho chiến khu.

Năm 1950, chị mang lựu đạn phục kích giết tên cai tổng Tòng – một tên Việt gian bán nước, ác ôn ngay tại xã nhà. Lần đó, chị bị địch bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra giam ở Côn Đảo.

Trong ngục giam những người bị án tử hình, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của Tổ quốc.

Giặc Pháp không dám công khai thi hành bản án đối với chị Sáu. Chúng sợ các chiến sĩ cách mạng ở trong tù sẽ nổi dậy phản đối. Chúng lén lút đem chị đi thủ tiêu. Lúc một tên giết người bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vỗ vào mặt lũ đao phủ: “Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ!”.

4. Tổng kết

Qua bài học các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Hiểu được nội dung chính bài Tập đọc: Quang cảnh làng mạc ngày mùa.

- Nắm được cấu tạo của bài văn tả cảnh.

- Biết được tiểu sử của người anh hùng Lý Tự Trọng. 

Ngày:05/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM