Tiếng Việt lớp 5 bài 14B: Hạt vàng làng ta
Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Hạt gạo làng ta" và được tìm hiểu thêm về câu chuyện Pa - xtơ và em bé. eLib đã biên soạn bài này bám sát chương trình Tiếng Việt VNEN 5. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 149 SGK VNEN Tiếng Việt 5
Thi kể tên các bài thơ, tục ngữ, ca dao nói về cây lúa, hạt gạo, hạt cơm
Hướng dẫn giải:
1/
"Trời cao đất rộng thênh thang,
Tiếng hò giọng hát ngân vang trên đồng,
Cá tươi gạo trắng nước trong,
Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê"
2/
"Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
Kiếm nơi khuất tịch, thiếp ngồi thở than
Than vì cây lúa lá vàng
Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời"
3/
"Lúa chiêm nép ở đầu bờ
Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên"
4/
"Cơm cha áo mẹ chữ thầy
Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao."
1.2. Văn bản "Hạt gạo làng ta"
Hạt gạo làng ta
"Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay...
Hạt gạo làng ta
Có bão tháng bảy
Có mưa tháng ba
Giọt mồ hôi sa
Những trưa tháng sáu
Nước như ai nấu
Chết cả cá cờ
Cua ngoi lên bờ
Mẹ em xuống cấy...
Hạt gạo làng ta
Những năm bom Mỹ
Trút trên mái nhà
Những năm khẩu súng
Theo người đi xa
Những năm băng đạn
Vàng như lúa đồng
Bát cơm mùa gặt
Thơm hào giao thông...
Hạt gạo làng ta
Có công các bạn
Sớm nào chống hạn
Vục mẻ miệng gàu
Trưa nào bắt sâu
Lúa cao rát mặt
Chiều nào gánh phân
Quang trành quết đất
Hạt gạo làng ta
Gửi ra tiền tuyến
Gửi về phương xa
Em vui em hát
Hạt vàng làng ta..."
TRẦN ĐĂNG KHOA
1.3. Nội dung chính của văn bản
Hiểu được giá trị của hạt gạo, tấm lòng của hậu phương góp phần vào chiến thắng tiền tuyến trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
- Kinh thầy: Sông chia nước của sông Thái Bình, chảy qua tỉnh Hải Dương
- Hào giao thông: Đường đào sâu dưới đất để đi lại được an toàn trong chiến đấu
- Trành ( còn gọi là giành, xảo): Dụng cụ đan bằng tre, nứa, bằng phẳng, có thành, dùng để vận chuyển đất, đá, phân trâu bò...
1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải
Câu 1. Đọc khổ thơ 1, em hiểu hạt gạo được làm nên từ những gì?
Hướng dẫn giải:
Đọc khổ thơ 1, em hiểu hạt gạo được làm ra từ :
a - 3: Có vị phù sa/ Của sông kinh Thầy - Từ tinh túy của đất
b - 1: Có hướng sen thơm/ Trong hồ nước đầy - Từ tinh túy của nước
c - 2: Có lời mẹ hát/ Ngọt bùi hôm nay - Từ công lao con người.
Câu 2. Những hình ảnh nào nói lên nỗi vất vả của người nông dân?
Hướng dẫn giải:
Những hình ảnh nói lên nỗi vất vả của người nông dân là:
-
Giọt mồ hôi sa
-
Những trưa tháng sáu.
-
Nước như ai nấu.
-
Chết cả cá cờ.
-
Cua ngoi lên bờ
-
Mẹ em xuống cấy.
=> Hạt gạo được làm ra từ những giọt mồ hôi, nỗi vất vả, chăm chỉ của người lao động.
Câu 3. Các bạn nhỏ đã làm gì để góp phần tạo ra hạt gạo?
Hướng dẫn giải:
Các bạn nhỏ đã giúp mẹ chống hạn, vục mẻ miệng gầu, bắt sâu cho lúa, gánh phân. Dù tuổi còn nhỏ nhưng các em đã ý thức được việc giúp đỡ người lớn. Đây là những hành động đáng khen ngợi.
Câu 4. Viết vào vở câu thơ có hình ảnh em thích nhất trong bài.
Hướng dẫn giải:
Câu thơ có hình ảnh mà em thích nhất:
"Hạt gạo làng ta
Có vị phù sa
Của sông Kinh Thầy
Có hương sen thơm
Trong hồ nước đầy
Có lời mẹ hát
Ngọt bùi đắng cay…"
Câu 5.
Tìm hiểu biên bản cuộc họp
(1). Chi đội lớp 5A ghi biên bản để làm gì?
Chọn ý đúng để trả lời:
a. ghi nhớ sự việc đã xảy ra
b. nhớ những điều đã thống nhất để thực hiện
c. Xem xét lại khi cần thiết
d. Cả ba điều trên
(2). Cách mở đầu và kết thúc biên bản có gì giống và khác cách mở đầu và kết thúc đơn?
(3). Nêu tóm tắt những điểm cần ghi vào biên bản.
Hướng dẫn giải:
1. Chi đội lớp 5A ghi biên bản để:
Đáp án đúng là: d. Cả ba điều trên
2. Cách mở đầu và kết thúc biên bản giống và khác nhau cách mở đầu và kết thúc đơn là:
- Giống nhau:
+ Mở đầu có Quốc hiệu, tiêu ngữ, tên văn bản.
+ Kết thúc có có tên, chữ kí của người có trách nhiệm.
- Khác nhau:
+ Mở đầu biên bản không có tên nơi nhận, thời gian, địa điểm, lập biên bản ghi ở phần nội dung.
+ Kết thúc Biên bản cuộc họp có hai chữ kí (của chủ tịch đoàn, thư kí), không có lời cảm ơn như đơn.
3. Những điểm cần ghi vào biên bản:
-
Tên biên bản.
-
Thời gian, địa điểm họp.
-
Thành phần tham dự, chủ toạ, thư kí.
-
Nội dung cuộc họp (diễn biến, tóm tắt các ý kiến, kết luận).
-
Chữ kí của chủ tịch và thư kí.
2. Hoạt động thực hành
Câu 1.
Những trường hợp nào dưới đây cần ghi biên bản? Vì sao? Tên biên bản đó là gì?
a. Đại hội liên đội.
b. Họp lớp phổ biến kế hoạch tham quan một di tích lịch sử.
c. Bàn giao tài sản.
d. Đêm liên hoan văn nghệ.
e. Xử lí vi phạm pháp luật về giao thông.
g. Xử lí việc xây dựng nhà trái phép.
Hướng dẫn giải:
Câu 2.
Nghe thầy cô kể chuyện: Pa-xtơ và em bé (Đức Hoài)
Nội dung câu chuyện:
Pa-xtơ và em bé
1. Ngày 6-7-1885, chú bé Giô-dép bị chó dại cắn được đưa từ vùng quê xa xôi đến thủ đô Pa-ri nhờ Lu-i Pa-xtơ cứu chữa.
Giô-dép bị mười bốn vết cắn ở tay, vì em đã lấy tay che mặt khi con chó xông vào. Cuộc sống của em chỉ tính từng ngày. Em sẽ chết như tất cả những người bị chó dại cắn xưa nay.
Nhìn vẻ đau đớn của em bé và đôi mắt đỏ hoe của người mẹ, lòng Pa-xtơ se lại. Ông xúc động nghĩ đến một ngày kia em bé đáng thương này sẽ lên cơn điên dại, lịm dần vì tê liệt, hoặc nghẹt thở vì một cơn giật dữ dội, rồi chết.
2. Đêm đã khuya, Pa-xtơ vẫn ngồi trước bàn làm việc, nét mặt đầy ưu tư: “Có thể làm gì cho em bé?” Vắc-xin chữa bệnh dại ông chế ra đã thí nghiệm có kết quả trên loài vật, nhưng chưa lần nào được thí nghiệm trên cơ thể người. Ông muốn cứu em bé nhưng không dám lấy em làm vật thí nghiệm. Nhỡ có tai biến thì sao? Nhưng không còn cách nào khác. Bệnh dại đang đe dọa tính mạng em.
3. Ngày hôm sau, Pa-xtơ đi đến quyết định: phải tiêm vắc-xin mới có hi vọng cứu em bé. Ngay chiều ấy, 7-7-1885, một vài giọt vắc-xin chống dại đã được tiêm vào dưới da bụng Giô-dép. Những ngày sau, Pa-xtơ tiếp tục cho tiêm vắc-xin có độc tính tăng dần. Chín ngày trôi qua với Pa-xtơ dài dằng dặc như chín tháng.
Nhưng phát tiêm quyết định là phát thứ mười. Đây là thứ vắc-xin có độc tính rất cao, có thể làm cho chó hoặc thỏ lên cơn dại dữ dội sau bảy ngày ủ bệnh. Có bắt buộc phải tiêm phát này cho em bé không? Pa-xtơ day dứt suốt đêm ròng với câu hỏi đó. Tóc ông bạc thêm. Gần sáng, ông quyết định phải tiêm thêm phát thứ mười để kiểm tra kết quả của chín phát tiêm trước, kiểm tra khả năng miễn dịch của cơ thể em bé sau chín ngày tiêm phòng, đồng thời tạo cho em bé sự miễn dịch chắc chắn.
4. Người ta tiêm cho em bé phát vắc-xin cuối cùng. Thêm bảy ngày chờ đợi đằng đẵng. Nhiều đêm, Pa-xtơ không chợp mắt. Nhiều đêm, mặc dù chân trái bị bại liệt, ông vẫn một mình chống gậy xuống cầu thang đi thăm em bé.
Qua ngày thứ bảy, em bé vẫn khỏe mạnh, bình yên. Tai họa đã qua. Đêm thứ tám, Pa-xtơ đã ngủ một giấc ngon lành.
5. Sau thành công vang dội ấy, người ta đã liên tiếp gửi đến phòng thí nghiệm của Lu-i Pa-xtơ những người bị chó dại cắn để ông cứu chữa. Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện Pa-xtơ – viện chống dại đầu tiên trên thế giới.
Câu 3.
Dựa vào tranh và lời thuyết minh dưới tranh, mỗi em hãy kể lại một đoạn câu chuyện
Tranh 1: Giô-dép bị chó dại cắn được đưa đến nhờ Pa-xtơ cứu chữa.
Tranh 2: Pa-xtơ suy nghĩ: Làm thế nào để cứu được em bé?
Tranh 3: Pa-xtơ quyết định tiêm vắc-xin để cứu sống em bé
Trang 4: Em bé được tiêm vắc-xin và chuỗi ngày chờ đợi.
Tranh 5: Em bé đã khoẻ mạnh và bình yên
Tranh 6: Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện pa-xtơ
Hướng dẫn giải:
Tranh 1: Chú bé Giô-dép bị chó dại cắn được đưa từ vùng quê xa xôi đến Pa-ri nhờ Lu-i Pa-xtơ cứu chữa. Nhìn vẻ đau đớn của em bé và đôi mắt đỏ hoe của người mẹ, lòng Pa-xtơ se lại.
Tranh 2: Đêm đã khuya, Pa-xtơ vẫn ngồi trước bàn làm việc, nét mặt đầy ưu tư. Vắc xin chữa bệnh dại ông chế ra có tác dụng ở loài vật, nhưng ông chưa thử nghiệm lên người bao giờ. Ông muốn cứu cậu bé nhưng còn lo lắng.
Tranh 3: Ngày hôm sau, Pa-xtơ quyết định tiêm vắc-xin cho cậu bé, đây là loại vắc-xin có độc tính cao. Ông hồi hộp theo dõi.
Tranh 4: Pa-xtơ tiêm mũi tiêm cuối cùng. Ông lo lắng vô cùng, phải mất bảy ngày chờ đợi.
Tranh 5: Qua ngày thứ bảy, em bé đã khỏe mạnh, bình yên.
Tranh 6: Sau thành công vang dội ấy, rất nhiều bệnh nhân nhờ ông cứu chữa. Phòng thí nghiệm của ông trở thành viện Pa-xtơ – viện chống bệnh dại đầu tiên trên thế giới.
Câu 4.
Kể lại toàn bộ câu chuyện và trả lời câu hỏi:
Câu chuyện muốn nói lên điều gì?
Hướng dẫn giải:
Ngày 6-7-1885, chú bé Giô-dép chín tuổi bị chó dại cắn đã hai ngày. Mẹ của Giô-dép đưa cậu từ vùng quê xa xôi lên thủ đô Pa-ri nhờ Pa-xtơ cứu chữa. Cậu bé bị mười bốn vết cắn ở tay vì che mặt khi chó xông đến. Tính mạng của cậu chỉ được tính bằng từng ngày. Nhìn vẻ mặt đau đớn của cậu bé và nỗi lòng của người mẹ, Pa- xtơ vô cùng đau khố khi nghĩ đến một ngày kia cậu bé phát bệnh rồi đau đớn ra đi...
Đêm đã khuya, vậy mà Pa-xtơ không tài nào chợp mắt được. Vắc-xin chữa bệnh dại ông đã tìm ra nhưng chỉ mới thí nghiệm có kết quả trên loài vật. Còn trên cơ thể người thì chưa. Ông rất muốn cứu cho cậu bé nhưng không thể lấy em làm vật thí nghiệm. Bởi, nếu có tai biến gì thì sao?
Sáng hôm sau, ông thảo luận với đồng nghiệp và quyết định tiêm cho Giô-dép, hi vọng có thể cứu được em. Và thế rồi, ngay chiều hôm ấy 7-7-1885, ông đã tiêm vắc-xin cho Giô-dép. Những ngày sau, ông tiếp tục tiêm vắc-xin có độc tố tăng dần. Chín ngày trôi qua, đối với ông dằng dặc như chín tháng. Phát tiêm thứ mười với thứ vắc-xin có độc tính rất cao. Đây là phát tiêm quyết định tính mạng của Giô-dép. Bởi vậy mà suốt cả đêm Pa-xtơ đã thức trắng. Sáng ra, ông quyết định tiêm phát thứ mười.
Sau khi tiêm xong, Pa-xtơ tự tay dắt Giô-dép lên giường, an ủi em. Thêm bảy ngày nữa chờ đợi làm cho Pa-xtơ tóc càng bạc trắng hơn. Dù chân trái bị bại liệt, Pa-xtơ vẫn thường xuyên chống gậy đến thăm Giô-dép.
Qua được ngày thứ bảy, cậu bé vần mạnh khỏe, bình yên. Lúc này, ông mới thơ phào nhẹ nhõm. Như vậy ông đã thành công trong việc chữa bệnh dại.
Sau thành công vang dội ấy, người ta liên tiếp gửi đến phòng thí nghiệm của ông những người bị chó dại cắn. Phòng thí nghiệm của ông trở thành Viện Pa-xtơ - viện chống dại đầu tiên trên thế giới.
- Ý nghĩa câu chuyện
Tài năng và tấm lòng nhân hậu, yêu thương con người hết mực của bác sĩ Pa-xtơ đã khiến ông cống hiến được cho loài người một phát minh khoa học lớn lao
Câu 5.
Thi kể chuyện trước lớp
- Đại diện các nhóm xung quanh thi kể chuyện trước lớp.
- Cả lớp bình chọn người kể chuyện hay nhất
(Em chủ động hoàn thành bài tập này)
3. Hoạt động ứng dụng
Câu 1.
Đọc diễn cảm bài thơ Hạt gạo làng ta cho người thân nghe
Câu 2.
Sưu tầm bài hát về cây lúa, cây gạo.
Một số bài hát về cây lúa, cây gạo
- Đưa cơm cho mẹ đi cày
- Bài ca năm tấn
- Tình ta biển bạc đồng xanh
- Mùa xuân làng lúa làng hoa
- Hạt gạo làng ta...
4. Tổng kết
Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:
- Nắm được nội dung bài Tập đọc "Hạt gạo làng ta".
- Nắm được câu chuyện "Pa - xtơ và em bé".
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 14A: Những tấm lòng cao đẹp
- doc Bài 14C: Làm biên bản cuộc họp
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 15A: Buôn làng đón cô giáo mới
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 15B: Những công trình mới
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 15C: Những người lao động
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16A: Tấm lòng người thầy thuốc
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16C: Từ ngữ miêu tả
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 16B: Thầy cúng đi viện
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17B: Những bài ca lao động
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17A: Người dời núi mở đường
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 17C: Ôn tập về câu