Tiếng Việt lớp 5 bài 31C: Ôn tập về tả cảnh

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em rèn luyện và nâng cao kĩ năng viết một bài văn tả cảnh hay và sáng tạo. Đồng thời, bài học này còn trau dồi cho các em thêm vốn từ ngữ phong phú. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 31C: Ôn tập về tả cảnh

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Quan sát và nói về vẻ đẹp của cảnh trong các bức ảnh sau:

a. Bình minh trên Vịnh Hạ Long:

b. Công viên văn hóa Đầm Sen:

c. Đêm trăng trên sông Hương:

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1: Bức tranh thể hiện vẻ đẹp của buổi bình minh trên biển, một phong cảnh vô cùng thơ mộng và hữu tình, đó là bình minh trên mặt biển Vịnh Hạ Long. Mặt trời từ từ nhô lên sau những dãy núi, làm ửng hồng cả một góc trời. Mặt trước phẳng lặng, khung cảnh yên bình, vài chiếc thuyền nhỏ khẽ xao động không gian.

- Tranh 2: Công viên văn hoá Đầm Sen ở thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây có rất nhiều trò chơi để mọi người có thể tham gia vui chơi. Khung cảnh thật nhộn nhịp. Ai ai cũng vui vẻ, háo hức tham gia những trò chơi nơi đây.

- Tranh 3: Một bức tranh thể hiện cảnh trên sông Hương vô cùng thơ mộng và hữu tình, cảnh đẹp ấy khiến người ta xao xuyến khôn nguôi. Mặt trăng hiền hoà toả sáng dịu dàng. Dưới mặt nước còn in hằn bóng trăng. Cây cầu Tràng Tiền bắc qua sông Hương như đang được ánh trăng dát bạc. Khung cảnh như trong cõi mộng mơ khiến người ta phải say sưa ngắm nhìn.

Câu 2: Lập dàn ý miêu tả một trong các cảnh sau.

a. Một ngày mới bắt đầu ở quê em

b. Một đêm trăng đẹp

c. Trường em trước buổi học

Hướng dẫn giải:

a. Tả một ngày mới bắt đầu ở quê em:

- Mở bài: Ngày mới bắt đầu ở quê hương em thật vui, thật nhộn nhịp.

- Thân bài:

+ Tiếng gà gáy lảnh lót rồi vang vọng khắp thôn xóm.

+ Phía đằng đông, ánh mặt trời rạng dần rồi toả sáng.

+ Trâu, bò trong chuồng đã thức dậy.

+ Gà, vịt kéo nhau ra sân, ra vườn.

+ Vòm trời xanh trong, gió thổi mát rượi.

+ Cây cối tươi tắn, những giọt sương đêm nhấp nháy trên cành cây, kẽ lá.

+ Khói lam đã lảng vảng trên các mái nhà.

+ Các bà, các chị chuẩn bị cho bữa ăn sáng.

+ Các âm thanh vang vọng khắp xóm thôn.

+ Ngoài đường đông người qua lại, nhịp sống nhộn nhịp hơn.

- Kết bài:

+ Em rất yêu ngày mới bắt đầu ở quê em.

+ Em sẽ ra sức học tập để sau này góp phần xây dựng quê hương.

b. Tả một đêm trăng đẹp:

- Mở bài: Giới thiệu chung về đêm trăng ấy: đêm rằm trăng tỏa sáng khắp bầu trời và mặt đất, xóm em rộn ràng chuẩn bị đón tết trung thu.

- Thân bài:

+ Tả cảnh đêm trăng:

  • Lúc xẩm tối: Màn đêm dần buông, bầu trời thăm thẳm, lấp lánh ánh sao; Trăng lấp ló thấp thoáng sau lũy tre làng; Gió thổi mát rượi; Làng xóm rộn rã nhộn nhịp tiếng nói cười.
  • Lúc trăng lên: Mặt trăng tròn vành vạnh như một chiếc đĩa lơ lửng giữa không trung; Ánh trăng vằng vặc soi sáng xuống sân nhà, nhà cửa, ruộng đồng,..

- Kết bài: Cảm nghĩ của em về đêm trăng ấy: Cảnh làng quê trong đêm trăng đẹp như một bức tranh. Ấn tượng sâu sắc về đêm trăng hôm ấy.

c. Tả quang cảnh trường em trước buổi học:

- Mở bài: Sáng nào em cũng đi học sớm, em có dịp nhìn ngôi trường em thật lâu, thật kĩ. Quang cảnh trường em trước giờ vào lớp thật đẹp thật vui.

- Thân bài:

+ Bên ngoài:

  • Tấm biển mang tên trường mới tinh trên đầu hai trụ cổng.
  • Cổng sắt đồ sộ, được mở rộng.

+ Bên trong:

  • Sân trường sạch sẽ.
  • Hàng cây xanh trong sân trường đã thức giấc, cành lá vươn cao trong nắng sớm.
  • Những giậu hoa nhiều màu sắc rập rờn dưới hàng hiên.
  • Sương đêm còn đọng trên cành cây, kẽ lá.
  • Trụ cờ sừng sững, lá cờ phần phật trong gió sớm.
  • Các phòng học sạch sẽ, bàn ghế kê ngay ngắn.

+ Các hoạt động của học sinh:

  • Từng cặp học sinh hào hứng truy bài trong lớp học.
  • Đội trực nhật tiếp tục những công việc của mình.
  • Học sinh đến trường mỗi lúc một đông, âm thanh ồn ã, náo nhiệt.
  • Các trò chơi thật vui vẻ trên sân trường.
  • Trống trường vang lên học sinh xếp hàng vào lớp và chuẩn bị tư thế cho buổi học mới.

- Kết bài:

+ Em rất thích quang cảnh trường em trước giờ vào lớp.

+ Em mong trường em mỗi ngày khang trang, tươi đẹp.

Câu 3: Dựa vào dàn ý đã lập, nói về cảnh em đã chọn để tả.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

Tả một đêm trăng đẹp

Đêm nay là ngày trăng rằm nên trăng rất sáng và tròn. Trăng đang trải những ánh vàng khắp không gian.

Ánh nắng chiều vừa tắt, mặt trăng từ từ nhô lên. Lát sau trăng lên cao dần, tròn vành vạnh và vàng óng như chiếc đĩa bạc to. Bầu trời bây giờ trong vắt, thăm thẳm và cao. Hàng ngàn ngôi sao lấp lánh như những viên ngọc quý vây quanh mặt trăng. Mây trắng lững lờ trôi. Thỉnh thoảng có những dải mây mỏng vắt ngang qua mặt trăng rồi dần đứt hẳn. Càng lên cao dường như mặt trăng càng nhỏ lại, sáng vằng vặc. Đưa mắt nhìn không gian xung quanh, đâu đâu cũng một màu vàng dịu mát, êm ái. Ánh sáng phủ lên thôn xóm, làng mạc, đồng ruộng. Ngoài trời gió thổi hiu hiu. Trong vườn, mấy khóm hoa nở trắng xóa, cỏ cây lay động xào xạc. Ánh trăng len lỏi soi vào những bụi cây. Bóng cây nghiêng mình soi xuống bức tường trước hiên nhà tạo nên bức tường hoa thật đẹp. Dưới ánh trăng sáng tỏ, em cùng mấy bạn hàng xóm thi nhau ca hát. Mấy cụ già ngồi trò chuyện, uống nước trà và ngắm trăng trên vỉa hè. Càng về khuya, cảnh vật càng tĩnh mịch, chỉ có những tiếng côn trùng hòa âm. Ánh trăng sáng đẹp cùng hơi sương ru ngủ muôn loài.

Đêm trăng đã để lại cho em ấn tượng về những cảnh đẹp quê hương. Em mong rằng quê hương mình mãi mãi có những đêm trăng dịu hiền, tươi đẹp như thế.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Tả quang cảnh trường em trước buổi học

Những buổi sáng đẹp trời, em cùng các bạn thường cắp sách tới trường với tâm trạng háo hức phấn khởi. Bởi niềm vui của tuổi thơ chúng em là những giây phút túm năm tụm bảy trước giờ học hay giờ ra chơi, những giây phút ngắm cảnh sân trường vào buổi sớm mai.

Bầu trời trong xanh, thoáng đãng, không khí rất trong lành. Chỉ có tiếng lá cây xào xạc và tiếng chim hót líu lo. Lúc này, sân trường thật tĩnh mịch, yên ả. Có rất ít học sinh đến trường. Những ánh đèn trong lớp học dần được thắp sáng, những chiếc quạt cũng dần bật lên, để lộ những hàng ghế màu vàng. Ba dãy nhà tầng được xếp theo hình chữ L, để lại một khoảng sân trống rỗng với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới, cũng chẳng có tiếng học sinh nô đùa. Mặt trời đã nhô lên, trông giống như quả bóng khổng lồ. Những tia nắng dìu dịu chiếu xuống sân trường làm nó sáng hẳn lên. Những giọt sương sáng sớm đọng lại trên những chiếc lá xanh non long lanh như những hạt ngọc. Một vài phút sau, học sinh đến nhiều hơn. Bây giờ, sân trường đã náo nhiệt hơn lúc trước. Tiếng học sinh cười, nói vang dội khắp sân trường. Mỗi bạn chơi một trò, bạn thì đá cầu, bạn thì nhảy dây... Chốc chốc tiếng reo hò lại rộ lên thán phục cổ vũ cho những người thắng cuộc. Trên cành phượng, cành xà cừ những chú chim sẻ, chim chích bông đua nhau nhảy nhót, cất tiếng hót líu lo như muốn cổ vũ, hoà mình với những cuộc vui phía dưới. Các thầy, cô giáo đều đã đến trường để chuẩn bị bài giảng của mình. Bác trống nằm im nhìn chúng em. Các khu nhà sáng rực lên như được rát vàng. Mấy phút sau, tiếng trống vào học vang lên: "Tùng! Tùng! Tùng!", thế là giờ học bắt đầu. Bên ngoài không khí lại tĩnh mịch, yên lặng trở lại. Chỉ còn lá cờ bay phần phật và tiếng cô giáo giảng bài vang vang.

Em rất thích quang cảnh của buổi sớm mai vì đó là một quang cảnh yên tĩnh và thơ mộng đáng nhớ.

Sưu tầm

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Đọc các đoạn văn sau và thực hiện yêu cầu bên dưới:

a. Từ nhũng năm 30 của thế kỉ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài tân thời. Chiếc áo tân thời là sự kết hợp hài hoà giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

Áo dài trở thành biểu tượng cho y phục truyền thống của Việt Nam. Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

Theo TRẦN NGỌC THÊM

b. Cơn bão dữ dội bất ngờ nổi lên. Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng. Hai tiếng đồng hồ trôi qua... Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lớn. Quang cảnh thật hỗn loạn.

Theo A-MI-XI

Nêu tác dụng của dấu phẩy được dùng trong các đoạn văn trên.

Hướng dẫn giải:

a. Các dấu phẩy được dùng:

- Từ những năm 30 của thế kỷ XX, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần thành chiếc áo dài “tân thời”.

-> Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách trạng ngữ với chủ ngữ và vị ngữ.

- Chiếc áo dài tân thời là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách dân tộc tế nhị, kín đáo với phong cách phương Tây hiện đại, trẻ trung.

-> Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

- Trong tà áo dài, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam như đẹp hơn, tự nhiên, mềm mại và thanh thoát hơn.

-> Tác dụng của dấu phẩy: Ngăn cách trạng ngữ với CN và VN, ngăn cách các bộ phận cùng chức vụ trong câu.

b. Các dấu phẩy được dùng:

- Những đợt sóng khủng khiếp phá thủng thân tàu, nước phun vào khoang như vòi rồng.

-> Tác dụng của dấu phẩy:Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

- Con tàu chìm dần, nước ngập các bao lơn.

-> Tác dụng của dấu phẩy:Ngăn cách các vế câu trong câu ghép.

Câu 2: Đọc mẩu chuyện vui dưới đây và trả lời câu hỏi:

Anh chàng láu lỉnh

Ngày trước, bò nuôi chỉ để cày ruộng, con nào không cày được mới đem làm thịt. Một hôm, có anh hàng thịt viết đơn xin xã cho thịt một con bò. Thấy con bò còn khoẻ, lại đang giữa vụ cày nên cán bộ xã phê vào đơn: "Bò cày không được thịt."

Anh kia về cứ đem bò ra mổ. Xã gọi lên phạt, anh chàng liền chìa đơn ra cãi :

- Bò cày không được, xã đã cho phép tôi thịt rồi.

TRẦN MẠNH THƯỜNG sưu tầm

a. Anh hàng thịt đã thêm dấu câu gì vào chỗ nào trong lời phê của xã để hiểu là xã đồng ý cho làm thịt con bò?

b. Lời phê trong đơn cần được viết như thế nào để anh hàng thịt không thể chữa một cách dễ dàng?

Hướng dẫn giải:

a. Anh hàng thịt đã thêm dấu phẩy vào lời phê của xã  "Bò cày không được thịt" thành "Bò cày không được, thịt".

b. Lời phê trong đơn cần dùng dấu phẩy ngăn cách: "Bò cày, không được thịt" để anh hàng thịt không thể chữa được.

Câu 3: Trong đoạn văn sau có 3 dấu phẩy bị đặt sai vị trí. Em hãy sửa lại cho đúng. Viết câu đã điền đúng dấu phẩy vào vở.

Sách Ghi-nét ghi nhận, chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh. Ca-rôn nặng gần 700kg nhưng lại mắc bệnh còi xương. Cuối mùa hè, năm 1994 chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi-gân, nước Mĩ. Để có thể, đưa chị đến bệnh viện người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

Theo MỘT CỬA SỔ NHÌN RA THẾ GIỚI

Hướng dẫn giải:

- Các câu văn dùng sai dấu phẩy:

+ Sách Ghi-nét ghi nhận, chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh.

+ Cuốì mùa hè, năm 1994 chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi- gân, nước Mĩ.

+ Để có thể, đưa chị đến bệnh viện người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

- Sửa lại:

+ Sách Ghi-nét ghi nhận chị Ca-rôn là người phụ nữ nặng nhất hành tinh (bỏ 1 dấu phẩy dùng thừa).

+ Cuốì mùa hè năm 1994, chị phải đến cấp cứu tại một bệnh viện ở thành phố Phơ-lin, bang Mi-chi- gân, nước Mĩ (đặt lại vị trí 1 dấu phẩy).

+ Để có thể đưa chị đến bệnh viện, người ta phải nhờ sự giúp đỡ của 22 nhân viên cứu hoả.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Nói với người thân về một cảnh đẹp mà em thích.

Hướng dẫn giải:

- Bài làm tham khảo số 1:

Đêm nay là ngày trăng rằm nên trăng rất sáng và tròn. Trăng đang trải những ánh vàng khắp không gian.

Ánh nắng chiều vừa tắt, mặt trăng từ từ nhô lên. Lát sau trăng lên cao dần, tròn vành vạnh và vàng óng như chiếc đĩa bạc to. Bầu trời bây giờ trong vắt, thăm thẳm và cao. Hàng ngàn ngôi sao lấp lánh như những viên ngọc quý vây quanh mặt trăng. Mây trắng lững lờ trôi. Thỉnh thoảng có những dải mây mỏng vắt ngang qua mặt trăng rồi dần đứt hẳn. Càng lên cao dường như mặt trăng càng nhỏ lại, sáng vằng vặc. Đưa mắt nhìn không gian xung quanh, đâu đâu cũng một màu vàng dịu mát, êm ái. Ánh sáng phủ lên thôn xóm, làng mạc, đồng ruộng. Ngoài trời gió thổi hiu hiu. Trong vườn, mấy khóm hoa nở trắng xóa, cỏ cây lay động xào xạc. Ánh trăng len lỏi soi vào những bụi cây. Bóng cây nghiêng mình soi xuống bức tường trước hiên nhà tạo nên bức tường hoa thật đẹp. Dưới ánh trăng sáng tỏ, em cùng mấy bạn hàng xóm thi nhau ca hát. Mấy cụ già ngồi trò chuyện, uống nước trà và ngắm trăng trên vỉa hè. Càng về khuya, cảnh vật càng tĩnh mịch, chỉ có những tiếng côn trùng hòa âm. Ánh trăng sáng đẹp cùng hơi sương ru ngủ muôn loài.

Đêm trăng đã để lại cho em ấn tượng về những cảnh đẹp quê hương. Em mong rằng quê hương mình mãi mãi có những đêm trăng dịu hiền, tươi đẹp như thế.

Sưu tầm

- Bài làm tham khảo số 2:

Mỗi một chúng ta, ai cũng có quê hương của mình. Quê hương là chùm khế ngọt, là nơi để lại những kỉ niệm đẹp trong cuộc đời. Dẫu có phải đi xa, bao giờ người ta cũng nhớ về quê cha đất tổ.

Em lớn lên ở vùng chiêm trũng, nơi có cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và có lẽ cánh đồng lúa quê em luôn có sức hấp dẫn kéo những người đi xa nghĩ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Những buổi sáng mùa xuân ra đứng ở đầu làng mà nhìn cánh đồng thì thích thú biết bao! Gió xuân nhẹ thổi, sóng lúa nhấp nhô từng đợt, từng đợt đuổi nhau ra mãi xa. Một đàn cò trắng dang rộng đôi cánh bay qua, nổi bật trên nền trời xanh thẳm. Nhất là những buổi khi bà con nông dân đi làm cỏ, cánh đồng rộn lên bao câu ca tiếng hát.. Từng đàn bướm đủ màu sắc sặc sỡ như đùa giỡn với thảm lúa xanh. Vào những mùa lúa chiêm đang chín rộ, nếu ai đứng ở xa nhìn lại sẽ thấy một biển vàng mênh mông. Rải rác khắp cánh đồng là cảnh bà con nông dân đang gặt lúa, nón trắng nhấp nhô trên đồng.

Chiều đến khi gió nồm nhẹ thổi, lúa khẽ lay động rì rào như đang thì thầm tâm sự với nhau. Những buổi chiều thu, làn sương phủ trên cánh đồng, trông xa như một màn khói loãng, trắng nhờ nhờ. Sáng ra, màn sương tan đi để lại những giọt sương long lanh trên lá lúa.

Đến khi mặt trời lên sưởi ấm cánh đồng, những tia nắng rọi vào hạy sương tưởng như muôn vàn hạt ngọc li ti, ánh lên những tia sáng muôn màu, muôn vẻ trông rất đẹp. Ở xóm em, có những anh chị đi xa, lần nào về thăm quê cũng ra thăm cánh đồng. Họ say sưa nhìn ngắm những con chim sẻ đi kiếm ăn bay là là trên thảm lúa. Thỉnh thoảng, chúng đỗ hẳn xuống rồi lại bay vút lên trời xanh ríu rít gọi nhau.

Em yêu mến cánh đồng làng em, yêu mến quê hương em. Nơi đây, em đã sinh ra và lớn lên. Giờ đây, vùng chiêm trũng nàv đã có những cậu “trâu sắt” băng băng chạy trên cánh đồng. Điện cao thế bừng sáng xóm làng. Cuộc sống đang đi lên trên con đường hạnh phúc.

Sưu tầm

Câu 2: Đọc hoặc kể lại cho người thân nghe mẩu chuyện vui em đã học ở lớp.

Hướng dẫn giải:

Mẹ ơi hôm nay ở lớp con được học một mẩu chuyện vui rất thú vị, có tên là “Anh chàng láu lỉnh”. Con kể cho mẹ nghe nhé:

Ngày trước, bò nuôi chỉ để cày ruộng, con nào không cày được mới đem làm thịt. Một hôm, có anh hàng thịt viết đơn xin xã cho thịt một con bò. Thấy con bò còn khoẻ, lại đang giữa vụ cày nên cán bộ xã phê vào đơn: "Bò cày không được thịt."

Anh kia về cứ đem bò ra mổ. Xã gọi lên phạt, anh chàng liền chìa đơn ra cãi :

- Bò cày không được, xã đã cho phép tôi thịt rồi.

Việc sử dụng dấu câu không không đúng cách có thể gây ra những sự việc dở khóc dở cười quá mẹ nhỉ. Câu chuyện vừa khiến con cười vừa khiến con phải chú ý và cẩn thận hơn nữa mỗi khi sử dụng dấu câu.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Sử dụng dấu câu phù hợp.

- Rèn luyện kĩ năng viết bài văn tả cảnh.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM