Tiếng Việt lớp 5 bài 13B: Cho rừng thêm xanh

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được kiến thức cơ bản của bài Tập đọc "Trồng rừng ngập mặn" và lập dàn ý bài văn tả người. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 13B: Cho rừng thêm xanh

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 137 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Cùng chơi: Ô chữ bí mật

Chọn chữ cái trong các ô vuông màu vàng đặt vào từng ô trống ở dưới để tạo từ

Hướng dẫn giải:

--> Từ cần tìm là: TRỒNG CÂY GÂY RỪNG

1.2. Văn bản "Trồng rừng ngập mặn"

Trồng rừng ngập mặn

Trước đây các tỉnh ven biển nước ta có diện tích rừng ngập mặn khá lớn. Nhưng do nhiều nguyên nhân như chiến tranh, các quá trình quai đê lấn biển, làm đầm nuôi tôm…, một phần rừng ngập mặn đã mất đi. Hậu quả là lá chắn bảo vệ đê biển không còn nữa, đê điều dễ bị xói lở, bị vỡ khi có gió, bão, sóng lớn.

Mấy năm qua, chúng ta đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền để người dân thấy rõ vai trò của rừng ngập mặn đối với việc bảo vệ đê điều. Vì thế ở ven biển các tỉnh như Cà Mau, Bạc Liêu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thái Bình, Hải Phòng, Quảng Ninh,… đều có phong trào trồng rừng ngập mặn. Rừng ngập mặn còn được trồng ở các đảo mới bồi ngoài biển như Cồn Vành, Cồn Đen (Thái Bình), Cồn Ngạn, Cồn Lu, Cồn Mờ (Nam Định)…

Nhờ phục hồi rừng ngặp mặn mà ở nhiều địa phương, môi trường đã có những thay đổi rất nhanh chóng. Đê xã Thái Hải (Thái Bình), từ độ có rừng, không còn bị xói lở, kể cả khi bị cơn bão số 2 năm 1996 tràn qua. Lượng cua con trong vùng rừng ngập mặn phát triển, cung cấp đủ giống không chỉ cho hàng nghìn đầm cua ở địa phương mà còn cho hàng trăm đầm cua ở các vùng lân cận.

Tại xã Thạch Khê (Hà Tĩnh), sau bốn năm trồng rừng, lượng hải sản tăng nhiều và các loài chim nước cũng trở nên phong phú. Nhân dân các địa phương đều phấn khởi vì rừng ngập mặn phục hồi đã góp phần đáng kể tăng thêm thu nhập và bảo vệ vững chắc đê điều.

Theo PHAN NGUYÊN HỒNG

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài Tập đọc "Trồng rừng ngập mặn" là: Việc trồng rừng ngập mặn là việc quan trọng, vì bảo vệ đê biển. Trong nhiều năm, việc trồng rừng ngập mặn được thực hiện tốt. Nhờ đó nhiều nơi không còn bị xói mòn đất, lượng hải sản và các loài chim phát triển phong phú.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Rừng ngập mặn: loại rừng ở vùng ven biển nhiệt đới, phần gốc cây ngập trong nước mặn.

- Quai đê: đắp đê bao quanh một khu vực.

- Phục hồi: làm cho trở lại như trước.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Vì sao mà một phần rừng ngập mặn bị mất đi?

Hướng dẫn giải:

Nguyên nhân: do chiến tranh, các quá trình quai đê lấn biển, làm đầm nuôi tôm… làm mất đi một phần rừng ngập mặn.

Câu 2. Rừng ngập mặn bị mất đi gây ra hậu quả gì?

Hướng dẫn giải:

Hậu quả: Lá chắn bảo vệ đê biển không còn, đê điều dễ bị xói lở, bị vỡ khi có gió, bão, sóng lớn.

Câu 3. Vì sao các tỉnh ven biển có phong trào trồng rừng ngập mặn?

Hướng dẫn giải:

Vì các tỉnh này làm tốt công tác thông tin tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ tác dụng của rừng ngập mặn đối với việc bảo vệ đê điều.

Câu 4. Rừng ngập mặn được phục hồi có tác dụng gì?

Hướng dẫn giải:

Rừng ngập mặn khi được phục hồi đã phát huy được tác dụng bảo vệ vững chắc đê biển; tăng thu nhập cho người dân nhờ lượng hải sản tăng nhiều; các loài chim nước trở nên phong phú.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Đọc đoạn văn về chú bé vùng biển

Thằng Thắng, con cá vược của thôn Bần và là địch thủ bơi lội đáng gờm nhất của bọn trẻ, lúc này đang ngồi trên chiếc thuyền đậu ở ngoài cùng. Nó trạc tuổi thằng Chân “phệ” nhưng cao hơn hẳn cái đầu. Nó cởi trần, phơi nước da rám đỏ, khoẻ mạnh của những đứa trẻ lớn lên với nắng, nước mặn và gió biển. Thân hình nó rắn chắc, nở nang: cổ mập, vai rộng, ngực nở căng, bụng thon hằn rõ từng múi, hai cánh tay gân guốc như hai cái bơi chèo, cặp đùi dế to, chắc nình nịch. Thắng có cặp mắt to và sáng. Miệng tươi, hay cười. Cái trán hơi dô ra, trông có vẻ là một tay bướng bỉnh, gan dạ.

(Theo Trần Vân)

Câu 2. Trao đổi, Đoạn văn trên tả những đặc điểm nào về ngoại hình của bạn Thắng?

Viết các từ ngữ mà em tìm được vào vở.

Nước da: ………..

Thân hình: ………

Cặp mắt: ……….

Miệng: ………

Trán: ………..

Hướng dẫn giải:

Chiều cao: cao hơn bạn trạc tuổi một cái đầu

Nước da: rám đỏ, khoẻ mạnh

Thân hình: rắn chắc, nở nang

Cặp mắt: to và sáng

Miệng: tươi, hay cười

Trán: hơi dô ra 

Câu 3. Thảo luận: Trong bài văn tả ngoại hình của người, nên chú ý tả những gì?

Hướng dẫn giải:

Trong bài văn tả ngoại hình của người, cần chú ý miêu tả những chi tiết tiêu biểu để làm nổi bật điểm đặc trưng của người được tả.

Câu 4.

Lập dàn ý cho bài văn tả ngoại hình của một người mà em thường gặp (thầy giáo, cô giáo, chú công an, người hàng xóm,…)

Hướng dẫn giải:

Dàn ý 1:

a. Mở bài: Giới thiệu về thầy giáo

b. Thân bài:

+ Thầy có vóc dong dỏng cao

+ Mái tóc đen mượt được cắt ngắn gọn gàng

+ Gương mặt vuông chữ điền, cương nghị

+ Thầy đi lại nhanh nhẹn

+ Hằng ngày thường xuất hiện ở trường với áo sơ mi được sơ vin gọn gàng

+ Đôi mắt nâu sâu thẳm, gương mặt lộ ra sự nghiêm khắc

+ Bàn tay thô ráp, nhưng rất ấm áp, thường nắm tay chúng em, dạy chúng em viết từng nét chữ nắn nót

c. kết bài:

Cảm nhận của em về người thầy.

Dàn ý 2:

a/ Mở bài:

- Giới thiệu người bạn học cùng lớp với em có tính nết nổi bật được nhiều người yêu mến;

b/ Thân bài:

Miêu tả những đặc điểm riêng, tiêu biểu, nổi bật về hình dáng và tính nết tốt của người bạn mà em chọn để miêu tả.

- Về hình dáng:

+ Người bạn đó nam hay nữ, cao hay thấp, mập hay ốm;

+ Mái tóc để dài hay cắt ngắn, thưa hay dày;

+ Gương mặt, đôi mắt, nước da tạo cảm giác hiền hậu, trung thực, thẳng thắn… nụ cười cởi mở, chân tình;

- Về tính nết:

+ Học sinh giỏi từ lớp một đến lớp sáu, chuyên cần sáng tạo trong học tập; thường chú ý nghe thầy cô giảng bài, phát biểu xây dựng bài; làm bài tập đầy đủ; hay giúp đỡ bạn trong học tập, nhất là các bạn học còn yếu; tình cảm chan hoà với mọi người, được mọi người quý mến;

+ Tham gia tốt các hoạt động ở trường; ở nhà siêng năng, chăm chỉ học tập, làm việc giúp đỡ cha mẹ;

+ Lễ phép kính trọng cha mẹ, thầy cô, mọi người; nhiều gia đình, bạn bè lấy làm gương để giáo dục con em của họ;

c/ Kết bài:

- Nêu cảm nghĩ của em đối với tính nết tốt của bạn;

- Tính nết tốt của bạn đã có tác dụng như thế nào đối với em;

Câu 5. Chuẩn bị kể chuyện theo một trong hai đề dưới đây

Đề 1: Kể một việc làm tốt của em hoặc của những người xung quanh để bảo vệ môi trường

Đề 2: Kể về một hành động dũng cảm bảo vệ môi trường

Hướng dẫn giải:

1/ Đề 1

Bài tham khảo 1:

Tuần nào cũng vậy, cứ đến chiều thứ bảy là khu phố em tổ chức buổi tổng vệ sinh làm sạch đường phố.

Chiều nay, đúng năm giờ, một hồi kẻng vang lên. Mỗi nhà cử một người tham gia nên buổi lao động nào cũng có đủ các lứa tuổi. Các cụ ông, cụ bà đầu tóc bạc phơ thường có mặt sớm hơn cả và vui vẻ chuyện trò trong khi chờ đợi. Các bà nội trợ đang bận nấu dở bữa cơm chiều nên thường có mặt sau cùng. Đám thanh niên tỏ ra rất phấn khởi, luôn miêng cười đùa. Khi mọi người đến đã đông đủ, bác tổ trưởng bắt đầu phân công công việc cho từng nhóm. Việc khơi thông cống rãnh quan trọng và vất vả nhất nên thường được giao cho thanh niên. Còn các cụ già và chúng em thì quét dọn đường phố cho sạch sẽ.

Ai nấy nhanh chóng bắt tay vào việc. Nhóm khơi cống đứng rải đều, nối tiếp nhau lùa bùn rác về một chỗ. Rác được xúc lên đem đi đổ, còn nước được dồn ra phía các hố ga. Chúng em dàn thành hàng ngang, cùng quét sạch mặt đường. Mấy bác bảo chúng em rảy nước và quét nhẹ tay cho đỡ bụi. Đi làm vệ sinh đường phố như thế này cũng là một công việc thú vị đối với chúng em.

Ở góc phố gần ngã tư có một đống gạch vữa ngổn ngang, cản lối đi lại. Mấy anh xúc đổ vào bồn rác cuối đường để xe của công ty vệ sinh chở đi. Chỉ chừng nửa giờ sau, công việc đã xong xuôi. Đường phố gọn gàng, sáng sủa hẳn ra.

Em nghĩ rằng thành phố sạch và xanh là điều mong muốn của tất cả chúng ta và đó cũng là một trong những tiêu chuẩn hàng đầu của một thành phố văn minh, hiện đại.

Bài tham khảo 2:

Ai bảo phải giải cứu thế giới khỏi tội ác xấu xa thì mới là anh hùng, mới được tung hô? Với tôi, các anh/chị của nhóm Tuổi trẻ xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội là những người anh hùng thời bình. Họ đều là những người dân trong làng, các bạn thanh niên và các em học sinh cấp 2, cấp 3. Những điều họ làm không hoành tráng hay hùng cường. Họ chỉ làm những điều hết sức đời thường mà ai cũng có thể làm được nhưng không phải ai cũng sẵn lòng làm. Họ trồng cây xanh và hoa ven trục đường làng, ngăn chặn rác thải ở những nơi công cộng và nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh của người dân. Họ dám thay đổi, dám hành động và lan tỏa hành động để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những túi rác vứt bừa bãi đã được dọn, đất đã được xới, và những cây hoa và cây xanh đã được trồng với bao nhiêu hy vọng rằng người dân trong và ngoài làng Chuông, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội sẽ dần thay đổi hành động, nâng cao nhận thức và không vứt rác bừa bãi tại đây nữa.

Từ ý tưởng, hành động, tìm kiến nhà tài trợ và thực hiện chiến dịch, tất cả những gì chúng tôi làm gói trọn trong vòng 03 tuần. Song hành cùng chiến dịch “CHANGE ACTIONS, CHANGE LIFE” – một phần trong dự án “MAKE MY HOMETOWN BEAUTY” của họ chính là dự án “TOMORROW WATER” của Công ty BKT – một công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ môi trường (trụ sở chính tại Hàn Quốc). Những anh hùng đó cam kết tiếp tục đồng hành cùng nhau để xây dựng một môi trường xanh hơn, đẹp hơn, bền vững hơn và một ngày mai bình đẳng hơn cho các thế hệ của địa phương nói riêng và của toàn xã hội nói chung.

2. Đề 2

Bài tham khảo 1

Đó là câu chuyện dã từ hai năm về trước, vào mùa hè năm đó mình cùng bà về quê nội chơi, tại Quảng Nam. Câu chuyện hôm đó cả làng ai cũng đều biết rồi truyền tai nhau kể lại.

Ngày hôm đó là ngày 23- 6, hai anh em chú Phước và chú Thọ đang gặt lúa trên đồng, bỗng phát hiện một nhóm lâm tặc từ trong rẫy lật đật đi ra, một nhóm khác thì đang cưa gỗ nơi khu rừng một cách đầy lén lút , đây là khu rừng nguyên sinh ở hồ Đông Tiễn do nhà nước quản lý. Vì chúng quá đông, nên chưa làm gì được, hai chú ấy đành hô to để chúng bỏ chạy.

Lần theo đường đi của lâm tặc, họ tìm thấy một nơi tập kết gỗ rất lớn, vào khoảng gần 20 mét khối gỗ quý hiếm, những cây gỗ đã sống hàng chục năm trong rừng này. Hai anh em chú Phước ngăn chặn, không cho những người còn lại vận chuyển gỗ đi. Chúng bực mình, kéo thêm nhiều kẻ khác đến tấn công, hòng để doạ hai chú ấy, song các chú vẫn một mực đinh ninh, giữ vững, quyết không cho chúng rời bãi tập kết gỗ. Vừa ngăn cản, chú Phước vừa lấy điện thoại gọi báo về đồn kiểm lâm của tỉnh.Trong lúc chờ đợi người cán bộ từ trên xuống, dù rất đói và mệt song chú Phước và chú Thọ vẫn cố giữ số gỗ mặc cho nhiều kẻ vẫn ngang nhiên kéo đến để tẩu tán.

Khi lực lượng kiểm lâm tới, số gỗ được hai chú bàn giao cho các cán bộ tịch thu. Uỷ ban nhân dân huyện khen tặng thành tích chống phá rừng cho hai chú. Mọi người trong làng đều khâm phục trước tinh thần dũng cảm của chú Phước và chú Thọ.

Bài tham khảo 2:

Một hành động dũng cảm bảo vệ môi trường mà em được nghe là câu chuyện về chú kiểm lâm Hoàng Văn Cái, một người con sinh ra tại Quảng điền, Thừa Thiên Huế. Là một con người yêu thiên nhiên và mong muốn bảo vệ một môi trường trong lành, bảo vệ lá phổi của rừng xanh, anh luôn ý thức được trách nhiệm của mình trong công việc, tập trung cao độ và hoàn thành tốt những nhiệm vụ cấp bách , đặc biệt là trong công tác đối phó với nạn lâm tặc đang hoành hành.

Vào tháng 4 năm 2019, đội kiểm lâm do anh Cái chỉ huy đang trên đường tuần tra rừng thì phát hiện có đoàn người đang nhanh chóng vận chuyển hơn 30 mét khối gỗ trái phép từ thác Charmăng theo đường rừng để tẩu tán ra ngoài.

Lúc này, đội ta lực lượng rất ít, chỉ có ba người, vì vậy anh nhanh chóng gọi điện cho trạm kiểm lâm số 2 lên trợ giúp. Lần theo dấu vết của chúng, đến khi các đối tượng này sắp hoàn thành những bước cuối thì anh Cái chỉ đạo lực lượng ùa ra, tấn công bất ngờ khiến chúng hoang mang, không kịp bỏ chạy. Các chiến sĩ đội kiểm lâm số 2 lúc này chưa kịp tới, anh Cái tiếp tục ra lệnh cho anh em tập kết lại tất cả số gỗ mà bọn chúng đã vứt lại. Khoảng 30 phút sau, trong khi các anh kiểm lâm đang làm nhiệm vụ, vì bức xúc với hành động của kiểm lâm, bọn lâm tặc kéo theo người vào đe doạ, hòng cướp lại số gỗ bị thu hồi. Chúng dùng đá xán vào người rồi dọa nạt, khích tướng và lăng mạ các anh kiểm lâm. Giữ bình tĩnh, các anh đương đầu một cách đầy quả cảm đề bảo vệ số gỗ. Sự cương quyết và dũng cảm của lực lượng kiểm lâm đã khiến chúng chấp nhận đầu hàng và bỏ chạy. Số gỗ được giữ nguyên vẹn, song các anh đều bị thương, có người bị rách ở đầu phải khâu 2 , có người bị bầm tím ở tay và lưng, anh Cái bị rách tai, khâu 4 mũi.

Không chỉ là một người dũng cảm trong công việc của mình, anh Cái còn rất hài hước, luôn tạo tiếng cười cho mọi người bằng. Những câu chuyện vui vẻ của anh trên đường tuần tra luôn là liều thuốc làm vơi đi những khó nhọc, mệt mỏi cho các đồng nghiệp. Đặc biệt, anh Cái có năng khiếu âm nhạc nên thường dùng những lời hát, câu về độ mình tự sáng tác để tuyên truyền mọi người bảo vệ rừng và cảm hoá người dân về ý thức tránh chặt phá rừng làm nương rẫy.

Một con người mẫu mực như anh Cái luôn là tấm gương sáng cho chúng em nói theo. Em hy vọng rằng sẽ có nhiều người giỏi giang và trách nhiệm như anh Cái, để bảo vệ làng xóm quê hương mình mãi mãi xanh tươi.

Câu 6. Kể chuyện trong nhóm

Bình chọn bạn kể hay nhất: nội dung câu chuyện phải phù hợp với đề bài, lời kể lưu loát, giọng kể hấp dẫn, cử chỉ khi kể tự nhiên,...

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1.

Tìm đọc trong sách báo hoặc trên mạng in-tơ-nét để biết ở rừng ngập mặn có những loài cây nào, có những con vật sinh sống.

Hướng dẫn giải:

- Rừng ngập mặn có những loại cây: Mắm (hay Mấm), Đước, Vẹt, Bần, Dà 

- Những con vật sinh sống trong rừng ngập mặn: Heo rừng, Khỉ đuôi dài, Rái cá, các loài Mèo, Chồn, Nhím, Tê tê, Bồ nông, các loài Cú, Diệc, Nhan sen, Cốc, Cá Sấu hoa cà, Kỳ đà nước, Trăn, nhiều loài Rắn, Rùa biển 

Câu 2.

Trao đổi với người thân và bạn bè những việc cần tránh để không gây ô nhiễm môi trường.

Hướng dẫn giải:

Những việc làm cần tránh để không gây ô nhiễm môi trường đó là: trồng và chăm sóc cây xanh, không vứt rác bừa bãi, thu gom rác đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh môi trường, không chặt phá rừng bừa bãi, không săn bắn thú rừng trái phép.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung cơ bản của bài Tập đọc: "Trồng rừng ngập mặn".

- Phân tích đoạn văn Chú bé vùng biển.

- Lập dàn ý miêu tả ngoại hình người thầy.

- Tập kể chuyện theo chủ đề.

Ngày:12/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM