Tiếng Việt lớp 5 bài 31B: Lời tâm tình của người chiến sĩ

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em cảm nhận được tâm tình của người chiến sĩ dành cho người mẹ của mình. Đồng thời, bài học này còn giúp các em biết cách lập dàn ý cho bài văn tả cảnh. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 31B: Lời tâm tình của người chiến sĩ

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 137 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát các bức tranh và đọc lời gợi ý dưới tranh, cùng đoán xem đó là bài thơ hoặc câu chuyện nào em đã học.

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1: Câu chuyện “Người mẹ”.

- Tranh 2: Bài thơ Mẹ ốm.

1.2. Văn bản "Bầm ơi"

Bầm ơi

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm…

 

Bầm ơi có rét không bầm?

Heo heo gió núi, lâm thâm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần.

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!

 

Bầm ơi, sớm sớm chiều chiều

Thương con, bầm chớ lo nhiều bầm nghe!

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi.

 

Con ra tiền tuyến xa xôi

Thương bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền.

TỐ HỮU

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài thơ nói về nỗi nhớ của người chiến sĩ ngoài mặt trận, nhớ về người mẹ ở quê nhà. Anh thương mẹ già vẫn phải làm lụng vất vả khi trời rét, phải lo lắng cho đàn con đi chiến đấu. Tình thương dành cho mẹ hòa cùng tình thương dành cho đất nước.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Đon: bó (dùng trong các trường hợp: đon mạ, đon lúa, đon củi).

- Khe: đường nước chảy hẹp giữa hai vách núi hoặc sườn dốc.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Điều gì gợi cho anh chiến sĩ nhớ tới mẹ? Anh nhớ hình ảnh nào của mẹ?

Hướng dẫn giải:

Anh chiến sĩ ở xa đang làm nhiệm vụ lớn lao lại nhớ tới người mẹ ở quê nhà thông qua cảnh chiều vào một buổi mùa đông có mưa phùn nhè nhẹ, gió bấc làm anh chiến sĩ thầm nhớ tới người mẹ nơi quê nhà. Anh nhớ hình ảnh mẹ lội ruộng cấy mạ non, mẹ run vì rét quá.

Câu 2: Những hình ảnh so sánh thể hiện tình cảm mẹ con thắm thiết, sâu nặng?

Hướng dẫn giải:

Những hình ảnh so sánh thể hiện tình cảm mẹ con thắm thiết, sâu nặng đó là:

- "Mạ non bầm cấy mấy đon/ Ruột gan bầm lại thương con mấy lần".

- "Mưa phùn ướt áo tứ thân/Mưa bao nhiêu hạt, thương bầm bấy nhiêu!".

-> Có thể nhận thấy trong văn bản "Bầm ơi" hiện lên tình cảm mẹ con vô cùng thiêng liêng, cao cả và đáng để ngợi ca, hình ảnh người mẹ hiện về trong tâm trí người con. Bên cạnh đó thì tình cảm mẹ dành cho con dạt dào, đong đầy hơn cả những bó mạ mẹ cấy xuống ruộng, mỗi một đám mạ mẹ nâng niu, vất vả, khó nhọc, trân trọng cấy xuống ruộng ấy cũng là tình cảm mẹ dành cho con. Tình cảm con dành cho mẹ chẳng thể đếm hết được giống như những hạt mưa phùn, nhỏ bé mà thấm đẫm, thấm sâu, sâu nặng.

Câu 3: Anh chiến sĩ đã dùng cách nói như thế nào để làm yên lòng mẹ?

Hướng dẫn giải:

Anh chiến sĩ trong bài thơ "Bầm ơi" sợ mẹ lo lắng cho mình nên đã bày tỏ những cảm xúc tình cảm của bản thân để hi vọng rằng ở quê nhà mẹ đừng lo lắng nhiều cho con, những việc con đang làm không thể so sánh với những vất vả, khó nhọc của mẹ nơi quê nhà.

Câu 6: Qua lời tâm tình của anh chiến sĩ, em nghĩ gì về người mẹ của anh? Viết tiếp vào chỗ trống dưới đây để trả lời:

Qua lời tâm tình của anh chiến sĩ, em cảm nhận được mẹ của anh là một điển hình cho người phụ nữ Việt Nam: hiền hậu, ….

Hướng dẫn giải:

Qua lời tâm tình của anh chiến sĩ, em cảm nhận được mẹ của anh là một điển hình cho người phụ nữ Việt Nam: hiền hậu, chịu thương, chịu khó, yêu thương con.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Liệt kê những bài văn tả cảnh đã học trong học kì I.

Hướng dẫn giải:

- Quang cảnh làng mạc ngày mùa.

- Hoàng hôn trên sông Hương.

- Nắng trưa.

- Buổi sớm trên cánh đồng.

- Rừng trưa.

- Vịnh Hạ Long.

- Kì diệu rừng xanh.

- Bầu trời mùa thu.

- Đất Cà Mau.

Câu 2: Viết vào vở dàn ý của một trong các bài văn trên.

Hướng dẫn giải:

Dàn ý bài: Hoàng hôn trên sông Hương:

a. Mở bài: Giới thiệu Huế đặc biệt yên tĩnh lúc hoàng hôn.

b. Thân bài: Tả sự thay đổi sắc màu của sông Hương và hoạt động của con người bên sông lúc hoàng hôn:

- Đoạn 1: Tả sự đổi sắc của sông Hương từ lúc bắt dầu hoàng hôn đến lúc tối hẳn.

- Đoạn 2: Tả hoạt động của con người bên bờ sông, trên mặt sông từ lúc hoàng hôn đến lúc thành phố lên đèn.

c. Kết bài: Sự thức dậy của Huế sau hoàng hôn.

Câu 3: Đọc thầm bài văn sau và  trả lời câu hỏi:

Buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh

Một ngày mới bắt đầu.

Mảng thành phố hiện ra trước mắt tôi đã biến màu trong bước chuyển huyền ảo của rạng đông. Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toàn nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét. Màn đêm mờ ảo đang lắng dần rồi chìm vào đất. Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương. Trời sáng có thể nhận rõ từng phút một. Những vùng cây xanh bỗng òa tươi trong nắng sớm. Ánh đèn từ muôn vàn ô vuông cửa sổ loãng đi rất nhanh và thưa thớt tắt. Ba ngọn đèn đỏ trên tháp phát sóng Đài Truyền hình thành phố có vẻ như bị hạ thấp và kéo gần lại. Mặt trời dâng chầm chậm, lơ lửng như một quả bóng bay mềm mại.

Đường phố bắt đầu hoạt động và huyên náo. Những chiếc xe tải nhỏ, xe lam, xích lô máy nườm nượp chở hàng hóa và thực phẩm từ những vùng ngoại ô về các chợ Bến Thành, Cầu Muối,… đánh thức cả thành phố dậy bởi những tiếng máy nổ giòn.

Thành phố mình đẹp quá! Đẹp quá đi!

Theo Nguyễn Mạnh Tuấn

a. Bài văn miêu tả buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh theo trình tự nào?

b. Tìm những chi tiết cho thấy tác giả quan sát cảnh vật rất tinh tế.

c. Hai câu cuối bài "Thành phố mình đẹp quá! Đẹp quá đi!" thể hiện tình cảm gì của tác giả đối với cảnh được miêu tả?

Hướng dẫn giải:

a. Bài văn miêu tả buổi sáng ở Thành phố Hồ Chí Minh theo trình tự thời gian từ lúc trời hửng sáng đến lúc sáng rõ.

b. Những chi tiết cho thấy tác giả quan sát cảnh vật rất tinh tế, đó là:

- Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những tòa nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét.

- Màn đêm mờ ảo đang lắng dần rồi chìm vào đất.

- Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương. Những vùng cây xanh bỗng òa tươi trong nắng sớm/ Ánh đèn từ muôn vàn ô cửa sổ loãng đi rất nhanh và thưa thớt tắt.

- Ba ngọn đèn đỏ trên tháp phát sóng Đài Truyền hình thành phố có vẻ như bị hạ thấp và kéo gần lại/ Mặt trời dâng chầm chậm, lơ lửng như một quả bóng bay mềm mại (khi nêu những chi tiết thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả, học sinh khá, giỏi có thể giải thích thêm vì sao em thấy sự quan sát đó rất tinh tế.

c. Hai câu cuối bài: “Thành phố mình đẹp quá! Đẹp quá đi!” là câu cảm thán thể hiện tình cảm tự hào, ngưỡng mộ, yêu quý của tác giả với vẻ đẹp của thành phố.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Tìm hiểu, quan sát cảnh một ngày mới bắt đầu ở quê em (hoặc cảnh một đêm trăng đẹp; cảnh trường em trước buổi học; cảnh một khu vui chơi, giải trí) và viết lại kết quả quan sát.

Hướng dẫn giải:

Viết lại kết quả quan sát:

Một ngày mới bắt đầu trên quê em:

- Tiếng gà gáy lảnh lót rồi vang vọng khắp thôn xóm.

- Phía đằng đông, ánh mặt trời rạng dần rồi toả sáng.

- Trâu, bò trong chuồng đã thức dậy.

- Gà, vịt kéo nhau ra sân, ra vườn.

- Vòm trời xanh trong, gió thổi mát rượi.

- Cây cối tươi tắn, những giọt sương đêm nhấp nháy trên cành cây, kẽ lá.

- Khói lam đã lảng vảng trên các mái nhà.

- Các bà, các chị chuẩn bị cho bữa ăn sáng.

- Các âm thanh vang vọng khắp xóm thôn.

- Ngoài đường đông người qua lại, nhịp sống nhộn nhịp hơn.

Một đêm trăng đẹp:

- Lúc xẩm tối:

+ Màn đêm dần buông, bầu trời thăm thẳm, lấp lánh ánh sao.

+ Trăng lấp ló thấp thoáng sau lũy tre làng.

+ Gió thổi mát rượi.

+ Làng xóm rộn rã nhộn nhịp tiếng nói cười.

- Lúc trăng lên:

+ Mặt trăng tròn vành vạnh như một chiếc đĩa lơ lửng giữa không trung.

+ Ánh trăng vằng vặc soi sáng xuống sân nhà, nhà cửa, ruộng đồng,..

+ Trên đường làng trẻ em nối đuôi nhau chơi rước đèn, ca hát rộn ràng.

+ Cảnh phá cỗ vui vẻ giữa sân đình.

Cảnh trường em trước buổi học:

Bên ngoài:

+ Tấm biển mang tên trường mới tinh trên đầu hai trụ cổng.

+ Cổng sắt đồ sộ, được mở rộng.

- Bên trong:

+ Sân trường sạch sẽ.

+ Hàng cây xanh trong sân trường đã thức giấc, cành lá vươn cao trong nắng sớm.

+ Những giậu hoa nhiều màu sắc rập rờn dưới hàng hiên.

+ Sương đêm còn đọng trên cành cây, kẽ lá.

+ Trụ cờ sừng sững, lá cờ phần phật trong gió sớm.

+ Các phòng học sạch sẽ, bàn ghế kê ngay ngắn.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Bầm ơi".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách lập dàn ý cho bài văn tả cảnh.

Ngày:25/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM