Tiếng Việt lớp 5 bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung chính của bài Tập đọc "Lòng dân" và biết cách lập dàn ý một bài văn miêu tả. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 3B: Góp phần xây dựng quê hương

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 30 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Quan sát bức tranh sau và cho biết mỗi nhân vật trong vở kịch Lòng dân đang làm gì:

Hướng dẫn giải:

Tên lính chĩa súng về ba người để đe doạ, tên cai cầm trên tay giấy tờ tuỳ thân của chồng dì Năm. Cai và lính đang tra khảo chú cán bộ và hai mẹ con dì Năm.  Đồng thời bắt đầu tra khảo chú cán bộ, chỉ cần chú nói sai thông tin thì ngay lập tức có thể bị chúng bắt đi.

1.2. Văn bản "Lòng dân"

Lòng dân

(Tiếp theo)

Cai:       - Hừm! Thằng nhỏ, lại đây. Ông đó phải tía mầy không? Nói dối tao bắn.

An:        - Dạ, hổng phải tía...

Cai:       - (hí hửng) Ờ giỏi! Vậy là ai nào?

An:        - Dạ, cháu ... kêu bằng ba, chứ hổng phải tía.

Cai:       - Thằng ranh! (ngó chú cán bộ) Giấy tờ đâu, đưa coi!

Cán bộ: - (Giọng miễn cưỡng) Để tôi đi lấy (chú toan đi, cai cản lại)

Cai:        - Để chị này đi lấy. (Quay sang lính). Mở trói tạm cho chị. (Dì Năm vào buồng)

Dì Năm: - (Nói vọng ra) Ba nó để chỗ nào?

Cán bộ:  - Thì coi đâu đó.

Cai:        -Trời ơi, con ruồi bay qua là tao biết ngay con đực hay cái mà. Qua mặt tao không nổi đâu!

Cán bộ : - Có không, má thằng An?

Dì Năm: - Chưa thấy.

Cai:        - Thôi trói lại dẫn đi

Dì Năm: - Đây rồi nè. Mấy cậu coi. Làng này ai hổng biết Lâm Văn Nên, 31 tuổi, con ông Dừa (đưa giấy cho cai, cai chuyển cho lính)

Cai:        - Nè đọc coi! - Lính (đọc): Anh tên ...

Cán bộ: - Lâm Văn Nên, 31 tuổi, con ông ...

Cai (vẻ ngượng ngập): Thôi... thôi được rồi. (ngó dì Năm) Nhà có gà vịt gì không chị Hai? Cho một con nhậu chơi hà!

Theo Nguyễn Văn Xe

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài tập đọc "Lòng dân" là: Ngợi ca tấm lòng của hai mẹ con dì Năm đã cứu cán bộ cách mạng thông qua hành động dũng cảm và mưu trí trong cuộc đấu trí để lừa giặc. Vở kịch nói lên tấm lòng sắt son của người dân Nam Bộ đối với cách mạng. Đồng thời thể hiện tấm lòng tin yêu cách mạng, sẵn sàng xả thân để bảo vệ cách mạng. Lòng dân là chỗ dựa vững chắc nhất của Cách mạng.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong văn bản

- Tía (tiếng Nam Bộ): cha.

- Chỉ (tiếng Nam Bộ): chị ấy.

- Nè (tiếng Nam Bộ): này.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. An đã làm cho bọn giặc mừng hụt như thế nào?

Hướng dẫn giải:

An đã làm cho bọn giặc mừng hụt như sau: Khi bọn giặc hỏi An “Ông đó có phải tía mày không?” An trả lời “Hổng phải tía” khiến bọn giặc hí hửng tưởng An sợ phải khai thật. Không ngờ An thông minh làm bọn chúng mừng hụt “Cháu gọi bằng ba chú không phải tía”

Câu 2. Chi tiết nào thể hiện rõ nhất sự ứng xử thông minh của dì Năm?

Em chọn ý đúng để trả lời:

a. Hỏi chú cán bộ chỗ để giấy tờ để đánh lừa bọn địch.

b. Đọc to tên tuổi của chồng, bố chồng để chú cán bộ nói theo cho đúng.

c. Kéo dài thời gian tìm giấy tờ để có cơ hội suy tính.

Hướng dẫn giải:

2) Chi tiết thể hiện rõ nhất sự ứng xử thông minh của dì Năm đó là:

b. Đọc to tên tuổi của chồng, bố chồng để chú cán bộ nói theo cho đúng.

Câu 3. Em suy nghĩ về hành động của những người dân trong truyện đối với chú cán bộ

Hướng dẫn giải:

Vở kịch được đặt tên là Lòng dân vì: Thể hiện tấm lòng của người dân đối với cách mạng. Người dân tin yêu cách mạng, sẵn sàng xả thân để bảo vệ cách mạng. Lòng dân là chỗ dựa vững chắc nhất của Cách mạng.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Đọc bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Mưa rào

Một buổi có những đám mây lạ bay về. Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời. Mây tản ra từng nắm nhỏ rồi san đều trên một nền đen xám xịt. Gió nam thổi giật mãi. Gió bỗng đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước. Từ phía nam bỗng nổi lên một hồi khua động dạt dào. Mưa đã xuống bên kia sông: gió càng thêm mạnh, mặc sức điên đảo trên cành cây.
Mưa đến rồi lẹt đẹt….lẹt đẹt…mưa giáo đầu. Những giọt nước lăn xuống mái phên nứa: mưa thực rồi. Mưa ù xuống khiến cho mọi người không tưởng được là mưa lại kéo đến chóng thế. Lúc nãy là mấy giọt lách tách, bây giờ bao nhiêu nước tuôn rào rào. Nước xiên xuống, lao xuống, lao vào bụi cây. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà sống ướt lướt thướt tìm chỗ trú. Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. Trong nhà bỗng tối sầm, một mùi nồng ngai ngái, cái mùi xa lạ, man mác của những trận mưa đầu mùa. Mưa rào rào trên sân gạch. Mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối. Tiếng giọt tranh đổ ồ ồ…

Nước chảy đỏ ngòm bốn bề sân, cuồn cuộn dồn vào các rãnh cống đổ xuống ao chuôm. Mưa xối nước được một lúc lâu thì bỗng trong vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm. Tiếng sấm, tiếng sấm của mưa mới đầu mùa…

Mưa đã ngớt. Trời rạng dần. Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran. Mưa tạnh, phía đông một mảng trời trong vắt. Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh.

(Theo Tô Hoài)

a) Những dấu hiệu nào báo hiệu cơn mưa sắp đến?

b) Những từ ngữ nào tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa?

c) Những từ ngữ nào tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau cơn mưa?

d) Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng những giác quan nào?

Hướng dẫn giải:

a) Những dấu hiệu báo cơn mưa sắp đến là:

- Có những đám mây bay về.­­­

- Những đám mây lớn, nặng và đặc xịt lổm ngổm đầy trời; tản ra rồi san đều trên nền trời đen xám xịt.

- Gió thổi giật mãi rồi bỗng đổi mát lạnh, nhuốm hơi nước.

- Một hồi khua động dào dạt ở phía nam.

b) Những từ ngữ diễn tả tiếng mưa và hạt mưa từ lúc bắt đầu đến lúc kết thúc cơn mưa: lẹt đẹt, lách tách, rào rào, sầm sập, đồm độp, bùng bùng, ồ ồ, ục ục, ì ầm,

- Tiếng mưa: lẹt đẹt, sầm sập, rào rào, đồm độp, bùng bùng,

- Hạt mưa: lách tách, rào rào

c) Những từ ngữ miêu tả cây cối, con vật, bầu trời trong và sau cơn mưa là:

- Trong cơn mưa:

+ Lá đào, lá na, lá sói: vẫy tay run rẩy

+ Con gà sống ướt lướt thướt ngật ngưỡng tìm chỗ trú

+ Vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm

- Sau cơn mưa:

+ Trời rạng dần

+ Mấy con chim chào mào từ hốc cây nào đó bay ra hót râm ran.

+ Mưa tạnh, phía đông một mảnh trời trong vắt.

+ Mặt trời ló ra, chói lọi trên những vòm lá bưởi lấp lánh

d) Tác giả đã quan sát cơn mưa bằng những giác quan:

- Thính giác: Nghe thấy tiếng mưa: lách tách, rào rào, lẹt đẹt,…

- Thị giác: Nhìn thấy sự thay đổi màu sắc trên bầu trời: nền trời đen xám xịt, vòm trời tối thẫm, mảng trời trong vắt,..

- Khứu giác: Ngửi thấy mùi nồng nồng, ngai ngái trong nhà,..

Câu 2. Lập dàn ý cho bài văn miêu tả một cơn mưa

Hướng dẫn giải:

a. Mở bài: Nêu thời gian hoàn cảnh, thời gian đổ cơn mưa rào. cơn mưa vào buổi sáng hay trưa, chiều, tối?

b. Thân bài: Tả cơn mưa theo trình tự.

- Quang cảnh trước khi mưa

+ Lúc sắp mưa, cảnh vật xung quanh em (bầu trời, nắng, gió, chim chóc,…) có những dấu hiệu gì khác thường?

+ Khí trời, cảnh vật, con người… khi chưa có cơn mưa.

+ Dấu hiệu báo cơn mưa đến: mây, bầu trời, sấm chớp, gió, loài vật, …..

- Khi cơn mưa đến: tả chi tiết cơn mưa từ nhỏ đến lớn:

+ Lúc cơn mưa bắt đầu diễn ra, những giọt nước rơi xuống ra sao? Không khí lúc đó như thế nào?

+ Hạt mưa to và thưa.

+ Mưa như trút nước, sấm chớp vang trời.

+ Mưa càng to gió cáng lơn, câu cối nghiêng ngã.

+ Con người trú mưa hai bên đường .

+ Các loài vật tìm chỗ trú mưa…..

- Quang cảnh sau cơn mưa

+ Cơn mưa kết thúc thế nào? Cảnh vật và con người sau cơn mưa có những biểu hiện gì thay đổi so với trước cơn mưa?

+ Mưa nhỏ dần rồi tạnh hẳn, bầu trời trong xanh trở lại.

+ Mọi người tiếp tục công việc của mình, cây cối hả hê…….

c. Kết bài: Cảm nghĩ của em về cơn mưa rào. Cơn mưa đem lại cho em cảm giác thế nào?

Câu 3. Chuẩn bị kể một việc làm tốt.

Hướng dẫn giải:

- Em kể về bác Nam, bí thư xã em. Bác rất tập trung trong việc vận động từng gia đình tham gia xây dựng đời sông văn hóa ở khu dân cư.

- Em kể về chú Minh là bộ đội xuất ngũ. Chú đã vận động từng gia đình tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

- Em kể về cô Mai. Cô là chi hội trưởng hội phụ nữ phường em. Cô đi vận động từng gia đình thực hiện việc giữ gìn vệ sinh đường phố.

Bài tham khảo:

Tôi xin kể cho các bạn nghe câu chuyện của ở khu phố tôi hưởng ứng khẩu hiệu “sạch nhà đẹp phố” do ủy ban Nhân dân thị xã phát động tuần trước. Chuyện như thế này.

Sáng chủ nhật hôm ấy, mọi người trong khu phố không hiểu sao tụi nhỏ lại ra đường sớm thế. Trên tay đứa nào đứa nấy đều cầm một cái chổi tàu cau và que gắp, tập trung ở đầu ngõ. Bác Khánh - trưởng khu phố - đi ngang qua hỏi: “Các cháu làm gì mà đứng ở đây?” Tôi nhanh nhẹn trả lời: “Chúng cháu làm vệ sinh khu phố bác ạ!” Bác khen chúng tôi: “Các cháu giỏi quá. Nhớ cẩn thận đừng để xảy ra tai nạn nhé!” Con đường vào khu phố của chúng tôi dài khoảng hai trăm mét. Đứa dùng que gắp các bịch mủ, đứa cầm chổi quét rác vun vào một đống, bỏ vào thùng rác công cộng. Vừa làm chúng tôi vừa chuyện trò rôm rã. Chỉ hơn một tiếng đồng hồ sau, con đường Trâm Bầu đi qua khu phố tôi sạch bóng. Các cô các chú đi ngang qua, ai cũng buông một lời khen: “Tụi nhỏ khu phố mình ngoan thật!” Đứa nào đứa mấy nhìn nhau mỉm cười. Anh Thành học trên tôi một lớp tập trung chúng tôi lại nói: “Từ đây trở đi, đúng vào sáng chủ nhật hàng tuần, mời các bạn tập trung ở đầu ngõ với dụng cụ lao động mà các bạn có hôm nay, chúng ta làm vệ sinh đường phố của mình như hôm nay”

Chuyện làm “sạch nhà đẹp phố” của chúng tôi là thế đấy.Chuyện cũng đơn giản thôi nhưng lại khiến tôi nhớ mãi. Khi được góp một phần công sức bé nhỏ làm việc có ích cho xã hội trong lòng cảm thấy sung sướng, lâng lâng đến kì lạ.

3. Hoạt động ứng dụng

Đề bài

Cùng người thân tìm hiểu thêm những việc làm tốt nơi em ở

Hướng dẫn giải:

- Trồng cây và hoa ven đường.

- Thu gom rác thải.

- Tham gia vận động các gia đình cho các em nhỏ tới trường đi học, phổ cập giáo dục.

- Mở lớp dạy học miễn phí giúp đỡ các em nhỏ.

- Thăm nom, quét dọn sạch sẽ nghĩa trang liệt sĩ.

- Tuyên truyền bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

- Nhổ cỏ, quét dọn sạch sẽ trường lớp, đường làng.

- Không xả rác bừa bãi.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung bài Tập đọc "Lòng dân"

- Trả lời câu hỏi SGK một cách nhanh chóng.

- Biết cách lập dàn ý cho một bài văn miêu tả.

Ngày:07/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM