Tiếng Việt lớp 5 bài 20C: Hoạt động tập thể

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về câu ghép. Đồng thời, bài học này còn giúp các em biết cách lập kế hoạch cho một hoạt động cụ thể. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 20C: Hoạt động tập thể

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Cùng chơi: Ai tài lắp ghép?

Hai nhóm chơi, một bạn ở nhóm A nói một vế câu có từ “nếu”, ví dụ: “Nếu tôi là bác sĩ”, một bạn ở nhóm B phải nói vế câu tiếp theo có từ “thì”, ví dụ “thì tôi sẽ chữa bệnh cho trẻ em nghèo không lấy tiền”. Sau đó, đổi lượt, một bạn ở nhóm B sẽ nói vế câu có từ “nếu”, một bạn ở nhóm A sẽ nói vế câu có từ “thì”. Nhóm nào có người không nói được thì sẽ thua cuộc.

Hướng dẫn giải:

Một số mẫu câu nếu thì:

- Nếu bố đồng ý thì tôi sẽ đăng ký thi.

- Nếu trời mưa thì tôi sẽ nghỉ học.

- Nếu Long đến sớm thì mọi chuyện đã không kết thúc như vậy.

- Nếu tôi là giáo viên thì tôi sẽ dạy học miễn phí cho học sinh nghèo.

- Nếu tôi có tiền thì tôi sẽ giúp đỡ những người nghèo.

- Nếu tôi cố gắng thì tôi đã đạt được phần thưởng đó.

Câu 2: Tìm hiểu cách nối các vế câu ghép bằng quan hệ từ:

a. Tìm câu ghép trong đoạn văn dưới đây và ghi lên bảng theo mẫu:

Trong hiệu cắt tóc, anh công nhân I-va-nốp đang chờ tới lượt mình thì cửa phòng lại mở một người nữa tiến vào... Một lát sau, I -va-nốp đứng dậy nói: "Đồng chí Lê Nin, giờ đã đến lượt tôi.  Tuy đồng chí không muốn làm mất trật tự, nhưng tôi có quyền nhường chỗ và đổi chỗ cho đồng chí. Đó là quyền của tôi".

Mọi người đều cho là I-va-nốp nói rất đúng. Lê-nin không tiện từ chối, đồng chí cảm ơn I-va-nốp rồi ngồi vào ghế cắt tóc.

Theo HỒ LÃNG

b. Cách nối các vế câu trong những câu ghép trên có gì khác nhau?

Hướng dẫn giải:

a. Các câu ghép:

b. Cách nói các vế câu ghép:

- Câu 1: Vế 1 và 2 nối với nhau bằng quan hệ từ thì - vế 2 và 3 nối với nhau trực tiếp (giữa 2 vế có dấu phẩy).

- Câu 2: Vế 1 và 2 nối với nhau bằng quan hệ từ tuy... nhưng.

- Câu 3: Vế 1 và 2 nối trực tiếp (giữa 2 vế có dấu phẩy).

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Viết vào vở quan hệ từ hoặc cặp quan hệ từ nối các vế câu trong các câu ghép dưới đây:

a. Nếu trong công tác, các cô, các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu thì nhất định các cô, các chú thành công.

b. Tuy rái cá là loài thú nhưng chúng bơi rất giỏi để săn bắt cá.

Hướng dẫn giải:

a. Nếu trong công tác, các cô, các chú được nhân dân ủng hộ, làm cho dân tin, dân phục, dân yêu / thì nhất định các cô, các chú thành công.

-> Cặp quan hệ từ trong câu là: nếu... thì.

b. Tuy rái cá là loài thú / nhưng chúng bơi rất giỏi để săn bắt cá.

-> Quan hệ từ: nhưng.

Câu 2: Tìm quan hệ từ thích hợp với mỗi chỗ trống rồi viết lại các câu ghép vào vở:

a. Ông đã nhiều lần can gián... vua không nghe.

b. Mình đến nhà bạn ... bạn đến nhà mình?

c. ... vòi voi chỉ là một ống dài và thuôn ... nó biết làm nhiều việc khéo léo như một bàn tay. 

Hướng dẫn giải:

a. Ông đã nhiều lần can gián nhưng vua không nghe.

b. Mình đến nhà bạn hay bạn đến nhà mình?

c. Tuy vòi voi chỉ là một ống dài và thuôn nhưng nó biết làm nhiều việc khéo léo như một bàn tay. 

Câu 3: Kể những việc cần làm của một trong các hoạt động sau:

a. Lễ kết nạp đội viên mới.

b. Hội thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11 của trường em.

c. Hội thi Thiếu nhi kế chuyện Bác Hồ chào mừng sinh nhật Bác của trường em.

d. Buổi lao động chăm vườn hoa của lớp em.

Hướng dẫn giải:

Những việc cần làm trong một hoạt động đó là: Lập chương trình hoạt động để có kế hoạch chuẩn bị và tổ chức, trong đó bao gồm các nội dung sau:

- Nêu rõ mục đích của hoạt động.

- Nội dung các công việc trong hoạt động.

- Phân công cụ thể công việc cho từng người phụ trách.

- Tiến trình hoạt động được diễn ra.

Câu 4: Đọc câu chuyện "Một buổi sinh hoạt tập thể" dưới đây và trả lời câu hỏi:

Một buổi sinh hoạt tập thể

Sắp tới ngày Nhà giáo Việt Nam 20 - 11, lớp tôi bàn việc chúc mừng thầy cô. Có bạn đề nghị liên hoan tại lớp. Có bạn nói đi cắm trại cùng thầy cô sẽ vui hơn. Ồn ào một hồi, chẳng ai nghe ai.

Cuối cùng, lớp trưởng Thủy Minh lên tiếng. Lớp trưởng có khác, nói nghe rất được. Để hòa vào không khí vui chung của toàn trường, chúng tôi sẽ không đi cắm trại xa mà tổ chức ngay tại lớp một buổi liên hoan thật rôm rả. Sẽ có hoa quả, bánh kẹo, có báo tường và một chương trình văn nghệ "cây nhà lá vườn".

Việc chuẩn bị hoa quả, bánh kẹo, chén đĩa,… được giao hoàn toàn cho các bạn nữ. Bạn Tâm, bạn Phượng sẽ chỉ huy chuyện bếp núc này. Nhóm các bạn Trung, Nam, Sơn lo trang trí lớp học. Báo tường thì ai cũng phải viết, vẽ hoặc sưu tầm. Lớp trưởng là chủ bút cùng nhóm biên tập lo ra báo. Các tiết mục văn nghệ cũng được phân công cụ thể cho từng người, từng nhóm.

Buổi liên hoan diễn ra thật vui vẻ. Lớp học được trang hoàng đẹp và đầm ấm. Thu Hương dẫn chương trình rất có duyên. Tuấn Béo diễn kịch câm làm ai nấy cười rũ. Còn Huyền Phương, hằng ngày bẽn lẽn là thế, nhưng hôm đó kéo đàn thật sành điệu. Thầy chủ nhiệm rất cảm động. Thầy khen báo tường của lớp hay, khen các tiết mục biểu diễn rất tự nhiên, khen buổi sinh hoạt đã được tổ chức chu đáo.

Trên đường về, chúng tôi không ngớt lời bàn tán về buổi liên hoan. Ai cũng hài lòng, cảm thấy gắn bó với nhau hơn sau thành công của buổi sinh hoạt tập thể lần đầu tiên do chính chúng tôi tự tổ chức.

a. Các bạn trong lớp tổ chức buổi liên hoan văn nghệ nhằm mục đích gì?

b. Để tổ chức buổi liên hoan, cần chuẩn bị những việc gì ? Chủ tịch hội đồng tự quản đã phân công như thế nào?

c. Hãy thuật lại diễn biến của buổi liên hoan.

Hướng dẫn giải:

a. Các bạn trong lớp tổ chức buổi liên hoan văn nghệ nhằm mục đích chúc mừng các thầy cô giáo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, bày tỏ lòng biết ơn với thầy, cô.

b. Để tổ chức buổi liên hoan cần chuẩn bị:

- Bánh kẹo, hoa quả, chén đĩa...

- Báo tường.

- Chương trình văn nghệ hân công:

+ Bánh kẹo, hoa quả, chén đĩa: Tâm, Phượng và các bạn nữ.

+ Trang trí lớp học: Trung, Nam, Sơn.

- Các tiết mục (dẫn chương trình Thu Hương):

+ Kịch câm - Tuấn.

+ Kéo đàn - Huyền Phương.

c. Thuật lại diễn biến buổi liên hoan: Buổi liên hoan diễn ra rất vui vẻ. Mở đầu là chương trình văn nghệ. Thu Hương dẫn chương trình, Tuấn Béo biểu diễn kịch câm, Huyền Phượng kéo đàn... Cuối cùng thầy chủ nhiệm phát biểu khen báo tường của lớp hay, khen các tiết mục biểu diễn tự nhiên, buổi liên hoan tổ chức chu đáo.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu hỏi: Cùng người thân lập chương trình hoạt động của gia đình (ví dụ: tổ chức sinh nhật,…).

Hướng dẫn giải:

- Kế hoạch tham khảo số 1:

KẾ HOẠCH CẮM TRẠI HỒ ĐẠI LẢI

1. Mục đích

- Nghỉ ngơi, vui chơi.

- Gắn kết các thành viên trong gia đình.

2. Chuẩn bị

- Lều trại: bố và em Minh.

- Đồ ăn: Mẹ và Ngọc.

- Dụng cụ thể thao (bóng đá, cầu lông, cờ vua): em Minh.

- Túi thuốc, bông băng, truyện, báo: mẹ và Ngọc.

3. Chương trình cụ thể

- 8h Khởi hành đến hồ.

- 9h30 có mặt tại hồ, ăn nhẹ.

- 9h30 – 10h30: Dựng trại, dọn dẹp, sắp xếp đồ.

- 10h30 – 12h: Thể thao, văn nghệ.

- 12h – 14h: Ăn trưa, nghỉ trưa.

- 14h – 16h: Đi dạo, thăm quan hồ Đại Lải, mua quà về cho gia đình.

- 16h – 17h30: Trở về đến nhà.

Người lên kế hoạch

Ngọc

Nguyễn Minh Ngọc

- Kế hoạch tham khảo số 2:

KẾ HOẠCH TỔ CHỨC SINH NHẬT CHO BỐ

- Mục đích: Chúc mừng ngày sinh nhật người bố của con, người chồng yêu quý của mẹ.

- Phân công công việc:

+ Chọn quà và bánh sinh nhật: Hai mẹ con.

+ Mua đồ ăn: Mẹ.

+ Trang trí bàn ăn: Con.

+ Dọn dẹp nhà và nấu ăn: hai mẹ con.

- Chương trình cụ thể:

+ Tuyên bố lí do tổ chức bữa tiệc nhỏ.

+ Cả nhà cùng thắp nên hát bài "chúc mừng sinh nhật" và gửi lời chúc đến bố.

+ Hai mẹ con tặng quà cho bố.

+ Cả nhà cùng quây quần và nhập tiệc.

+ Sau khi dùng bữa xong, cả nhà ra phòng khách hát karaoke và ăn hoa quả.

Người lên kế hoạch

Minh

Nguyễn Ngọc Minh

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được cách nối các vế câu trong câu ghép.

- Lập được kế hoạch cho một hoạt động cụ thể.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM