Tiếng việt lớp 5 bài 2A: Sắc màu Việt Nam

Bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung của bài Tập đọc: "Sắc màu em yêu" và tìm hiểu thêm được nhiều vị anh hùng lịch sử của dân tộc Việt Nam. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt.

Tiếng việt lớp 5 bài 2A: Sắc màu Việt Nam

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 20 SGK VNEN Tiếng việt 5

Chơi trò chơi : Thi tìm nhanh tên 7 sắc cầu vồng

Hai nhóm chơi. Từng người của mỗi nhóm lần lượt lên bảng viết tên gọi một màu trong 7 sắc cầu vồng. Nhóm nào viết đúng, đủ 7 từ trước thì thắng cuộc.

Hướng dẫn giải:

7 màu trong bảy sắc cầu vồng đó là: đỏ, da cam, vàng, lục, lam, chàm, tím

1.2. Văn bản "Sắc màu em yêu"

Sắc màu em yêu

Em yêu màu đỏ:

Như máu con tim,

Lá cờ Tổ quốc,

Khăn quàng đội viên.

 

Em yêu màu xanh:

Đồng bằng, rừng núi,

Biển đầy cá tôm, 

Bầu trời cao vợi.

 

Em yêu màu vàng:

Lúa đồng chín rộ,

Hoa cúc mùa thu,

Nắng trời rực rỡ.

 

Em yêu màu trắng:

Trang giấy tuổi thơ,

Đóa hoa hồng bạch,

Mái tóc của bà.

 

Em yêu màu đen:

Hòn than óng ánh,

Đôi mắt bé ngoan,

Màn đêm yên tĩnh.

 

Em yêu màu tím:

Hoa cà, hoa sim,

Chiếc khăn của chị,

Nét mực chữ em.

 

Em yêu màu nâu:

Áo mẹ sờn bạc,

Đất đai cần cù, 

Gỗ rừng bát ngát.

 

Trăm nghìn cảnh đẹp

Dành cho bé ngoan.

Em yêu tất cả

Sắc màu Việt Nam.

PHẠM ĐÌNH ÂN

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài Tập đọc "Sắc màu em yêu" thể hiện nội dung chính là: Nói về những cảm nhận của bạn nhỏ về màu sắc, cảnh vật, con người xung quanh. Thông qua đó, nói lên tình cảm của bạn nhỏ với những sắc màu, những con người và sự vật xung quanh, qua đó thể hiện tình yêu của bạn với quê hương, đất nước.

1.4. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Bạn nhỏ trong bài thơ yêu những sắc màu nào?

Hướng dẫn giải:

- Những màu sắc mà bạn nhỏ yêu thích: Đỏ, xanh, vàng, tím, trắng, nâu, đen.

Câu 2. Mỗi màu sắc gợi ra ttrong trí tưởng tượng của bạn nhỏ những hình ảnh gì?

Hướng dẫn giải:

- Mỗi sắc màu gợi ra những hình ảnh:

+ Màu đỏ: màu máu, màu cờ, màu khăn quàng đỏ.

+Màu xanh: Đồng bằng, rừng núi; biển; bầu trời.

+ Màu vàng: Đồng lúa chín, hoa cúc, nắng trời.

+ Màu tím: Hoa cà, hoa sim, chiếc khăn của chị, nét mực của em.

+ Màu trắng: Trang giấy, đóa hoa hồng bạch, mái tóc của bà.

+ Màu nâu: Chiếc áo sờn bạc của mẹ, màu đất, gỗ rừng.

+ Màu đen: Hòn than, đôi mắt bé ngoan, màn đêm.

Câu 3. Bài thơ cho ta biết tình cảm của bạn nhỏ với quê hương, đất nước như thế nào?

Hướng dẫn giải:

- Tình cảm của bạn nhỏ đối với quê hương, đất nước

Vì các sắc màu đều gắn với những sự vật, những cảnh, những con người mà bạn nhỏ yêu quý. Nên bạn nhỏ yêu những màu đó cũng là yêu quê hương, đất nước.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1. Dựa vào dàn ý đã lập ở bài tập 1C, em hãy viết một đoạn văn  tả cảnh một buổi sáng (hoặc trưa, chiều) trong vườn cây (hay trong công viên, trên đường phố, trên cánh đồng, nương rẫy…)

Hướng dẫn giải:

Tả cảnh bình minh trên biển:

Buổi bình minh trên biển khiến mỗi chúng ta vô cùng thoải mái và bình yên đến lạ kì. Trời còn tờ mờ sáng em đã cùng với chị gái đi dạo bên bờ biển. Từ phía xa xa, mặt trời đã thức giấc, vén mình sau những đám mây để ban phát những tia nắng xuống thế gian. Từng chú chim từ phía đằng chân trời bắt đầu bay liệng thành đàn. Bầu trời dường như cũng cao, trong và xanh hơn. Mặt biển lúc này được những tia nắng chiếu xuống, long lanh, lấp lánh như được trải một lớp bạc. Một ngày mới đã chuẩn bị bắt đầu. Trên bờ biển đã xuất hiện một vài bóng người. Em cùng chị đang đi dạo dọc bờ biển, từng con sóng thi nhau xô vào bờ, bọt trắng xóa. Nghe trong gió có hương vị mặn mòi của biển, bỗng lại cảm thấy bình yên đến kì lạ.

Câu 2. Kể một câu chuyện em đã nghe hay đọc về một anh hùng hoặc danh nhân của nước ta.

Hướng dẫn trả lời:

1. Ngô Quyền

Ngô Quyền sinh ra ở châu Đường Lâm. Ông còn được biết đến với tên gọi Tiền Ngô Vương ,là vị vua đầu tiên của nhà Ngô trong lịch sử Việt Nam. Năm 937 Dương Đình Nghệ bị Kiều Công Tiễn sát hại, Ngô Quyền đem quân ra đánh. Công Tiễn sợ hãi, cho người sang cầu cứu nhà Nam Hán. Năm 938, Ngô Quyền đem quân ra đánh chiếm thành Đại La, giết chết Kiều Công Tiễn.

Một trong những chiến tích đáng nể nhất của Ngô Quyền chính là trận đánh quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng. Lợi dụng thủy triều lên xuống, ông cho đóng cọc gỗ bịt sắt xuống lòng sông, chuẩn bị chờ giặc sa lưới. Kết quả trận đánh này thì ai cũng rõ, quân Nam Hán thất bại tan tát. Tướng Lưu Hoàng Tháo cùng với hơn nửa binh lính của mình đã bỏ mạng.

Sau khi đánh bại nhà Nam Hán, Ngô Quyền lên làm vua, kết thúc 1000 năm Bắc thuộc, mở ra thời đại phong kiến đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.

2. Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt họ Ngô tên Tuấn, tự là Thường Kiệt, sinh năm Kỷ Mùi 1019, quê ở phủ Thái Hoà, thành Thăng Long (Hà Nội). Từ nhỏ, Ông đã có chí hướng, ham đọc sách, say sưa nghiên cứu binh thư, luyện tập võ nghệ. Ông có tài văn, võ. Năm 23 tuổi, ông được bổ nhiệm làm quan theo hầu vua Lý Thái Tông. Trải qua 3 triều vua: Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông. Lý Thường Kiệt là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đem quân sang Bắc phạt.

Năm 1061, các tù trưởng ở miền Thanh Hoá, Nghệ An nổi lên quấy rối, chống lại triều đình. Vua Lý Thánh Tông cử Ông giữ chức Kinh phòng sứ, sau một thời gian Ông đã đem lại trật tự yên vui cho miền này. Vua rất quý Ông và ban cho Quốc tính. Từ đó, Ông mang họ Lý. Lịch sử cũng đã lưu lại tư tưởng quân sự vô cùng táo bạo và thần tốc của Ông: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của giặc”. Ông đã chỉ huy quân đội nhanh chóng đánh chiếm hai Châu Khâm, Liêm, rồi hạ thành Ung Châu của giặc Tống, phá tan các vị trí tập kết quân và lương thảo chuẩn bị xâm lược nước ta.

Tháng 4.1076 , Ông rút quân về lập phòng tuyến sông Cầu. Tại khúc sông Như Nguyệt thuộc phòng tuyến này, ở vào lúc gay go nhất, Ông đã làm một bài thơ “Nam Quốc sơn hà” bất hủ, cổ vũ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân ta. Bài thơ khẳng định quyền độc lập dân tộc tự chủ thiêng liêng của Tổ quốc. Bài thơ đã đi vào lịch sử của dân tộc ta như một bản tuyên ngôn độc lập thứ nhất.

Năm Ất Dậu 1105, Lý Thường Kiệt mất, Ông thọ 86 tuổi, đựoc truy tặng Kiểm hiệu Thái Uý Việt Quốc Công.

3. Trần Hưng Đạo

Ông tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh Vương Trần Liễu, cháu vua Trần Thái Tông, quê làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Hà Nam Ninh(nay thuộc tỉnh Nam Định). Năm sinh của ông không rõ ràng, có tài liệu cho là năm 1228, có tài liệu thì cho là năm 1230 hay 1232.

Ông có vốn tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên – Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Đặc biệt ở kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Nhân Tông phong làm Tiết chế các đạo quân thủy bộ. Dưới tài lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi giặc ra khỏi nước, được phong tước Hưng Đạo Vương.

Sau khi kháng chiến chống Nguyên – Mông lần thứ 3 thành công, ông về trí sĩ ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp. Tuy nhiên, các vua Trần vẫn thường xuyên đến vấn kế sách.

Ông mất ngày 20 tháng 8 năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9 năm 1300), thọ 74 tuổi. Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là Đền Kiếp Bạc.

4. Quang Trung

Nguyễn Huệ (1753 – 1792), còn được biết đến là Quang Trung Hoàng đế hay Bắc Bình Vương, là vị hoàng đế thứ 2 của nhà Tây Sơn, bên cạnh Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông không những là một trong những vị tướng lĩnh quân sự xuất sắc mà còn là một nhà cai trị tài giỏi, đưa ra nhiều cải cách kinh tế, xã hội nổi bật trong lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Huệ và hai người anh em của ông, được biết đến với tên gọi Anh em Tây Sơn, là những lãnh đạo của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã chấm dứt cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Trịnh ở phía bắc và Nguyễn ở phía nam, lật đổ hai tập đoàn này cùng nhà Hậu Lê. Ngoài ra, Nguyễn Huệ còn là người đánh bại các cuộc xâm lược Đại Việt củaXiêm La từ phía nam, của Đại Thanh từ phía bắc; đồng thời còn là người đề ra nhiều kế hoạch cải cách tiến bộ xây dựng Đại Việt.

Năm 1788, vua Càng Long đem 20 vạn quân Mãn Thanh sang đánh nước ta. Quang Trung kéo 10 vạn quân thần tốc ra Bắc nhằm đón đánh quân xâm lược trước khi chúng tiến vào nước ta. Trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa, quân Thanh đại bại, xác chất cao hơn núi. Số còn lại bỏ chạy tán loạn, 20 vạn quân Thanh bị phục kích truy sát chết gần hết.

Lịch sử ghi nhận Quang Trung chưa từng thất bại trong bất kỳ lần cầm quân đánh giặc nào. Là một người hùng của dân tộc nhưng Quang Trung mất sớm bỏ lại bao dự định quy hoạch về tương lai đất nước.

Câu 3. Trao đổi với các bạn về ý nghĩa của câu chuyện

Hướng dẫn giải:

Đọc các câu chuyện ta thấy: các câu chuyện ca ngợi sự tài giỏi, văn võ song toàn, tài đi liền đức của các vị anh hùng dân tộc Việt Nam. Đó là những con người có lòng yêu nước, ý chí căm thù giặc sâu sắc, anh dũng, hiên ngang, quyết tâm bảo vệ độc lập chủ quyền dân tộc.

Qua đó, chúng ta cảm ơn, trân trọng và khâm phục các vị anh hùng của dân tộc.

3. Hoạt động ứng dụng

Kể cho người thân nghe về một anh hùng, danh nhân của nước ta

Hướng dẫn giải:

Trần Quốc Toản là một quý tộc nhà Trần, sống ở thời vua Trần Nhân Tông. Ông là người có công trong Kháng chiến chống quân Mông - Nguyên xâm lược lần thứ hai. Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện " Bóp nát quả cam" về Trần Quốc Toản. Lúc ấy, Trần Quốc Toản mới chỉ là một thiếu niên, mắt thấy giặc Nguyên cho sứ giả mượn đường xâm chiếm nước ta, nghênh ngang đi lại, Trần Quốc Toản vô cùng căm tức.

Vào một buổi sáng, Trần Quốc Toản nghe tin vua cho họp bàn việc nước ở dưới thuyền Rồng liền quyết đợi được vua để nói hai tiếng "Xin đánh". Vậy nhưng đợi từ sáng đến trưa vẫn chưa thể gặp được vua Trần Nhân Tông, Trần Quốc Toản liều chết xô mấy người lính rồi xăm xăm bước xuống thuyền Rồng. Lính gác thấy thế ập đến ngăn lại, Trần Quốc Toản mặt đỏ bừng bừng rút gươm quát lớn : "

- Ta xuống xin bệ kiến Vua, không kẻ nào được giữ ta lại!

Vừa lúc đó, cuộc họp dưới thuyền Rồng tạm nghỉ, vua cùng các quan đại thần bước ra mui thuyền. Thấy vậy, Trần Quốc Toản chạy đến, quỳ xuống tâu:

- Cho giặc mượn đường là mất nước, xin bệ hạ cho đánh!

Sau đó, Trần Quốc Toản tự đặt thanh gươm lên gáy, xin chịu tội. Vua truyền Trần Quốc Toản đứng dậy, ôn tồn bảo:

- Quốc Toản làm trái phép nước, lẽ ra phải trị tội. Nhưng ta thấy ngươi còn nhỏ mà đã có lòng yêu nước, ta có lời khen.

Sau đó ban cho Trần Quốc Toản một quả cam. Trần Quốc Toản tạ ơn vua, bước lên bờ mà lòng vẫn ấm ức vì bị vua xem là trẻ con, không cho dự bàn việc nước. Nghĩ đến việc quân giặc đang lăm le đè đầu cưỡi cổ dân mình, ông nghiến răng, hai bàn tay siết chặt. Lúc ông trở ra, mọi người đều ùa đến hỏi thăm, Trần Quốc Toản xòe tay ra cho mọi người xem quả cam quý vua ban thì nó đã nát từ bao giờ. Sau đó, ông trở về huy động gia nô và người dân sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, thêu lên cờ sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân".

Qua câu chuyện trên chúng ta đã thấy tinh thần yêu nước của Trần Quốc Toản. Ông đã không ngần ngại phạm vào phép nước để có thể xin vua cho dự bàn việc nước. Trần Quốc Toản khi ấy tuổi còn nhỏ nhưng đã có lòng yêu nước, căm thù quân giặc. Đó là một phẩm chất rất đáng quý ở con người ông.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung chính của bài Tập đọc "Sắc màu em yêu".

- Vận dụng giải bài tập SGK.

Ngày:06/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM