Tiếng Việt lớp 5 bài 21B: Những công dân dũng cảm

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em thấy được sự dũng cảm của một người thương binh yêu nước, thương dân. Đồng thời, bài học này còn giúp các em biết cách kể một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 21B: Những công dân dũng cảm

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 32 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát tranh và cho biết những người trong tranh đang làm gì?

Hướng dẫn giải:

Quan sát tranh ta thấy phía trước mặt có một chú bộ đội mang một đôi chân giả đang được những người xung quanh vây lại tìm cách giúp đỡ, em nhỏ bên cạnh chính là người được chú bộ đội cứu ra từ đám cháy. Gần đó có một chiếc xe đạp với những chiếc bánh giò rơi ngổn ngang. Đó là tài sản của chú bộ đội. Phía xa xa là ngôi nhà bị cháy, người dân đang cùng nhau tìm cách giập lửa từ đám cháy.

1.2. Văn bản "Tiếng rao đêm"

Tiếng rao đêm

Gần như đêm nào tôi cũng nghe thấy tiếng rao ấy: “Bánh… giò…ò…ò…!”. Tiếng rao đều đều, khan khan kéo dài trong đêm khuya tĩnh mịch, nghe buồn não ruột.

Rồi một đêm, vừa thiếp đi, tôi bỗng giật mình vì những tiếng la: “Cháy! Cháy nhà!”…

Ngôi nhà đầu hẻm đang bốc lửa phừng phừng. Tiếng kêu cứu thảm thiết vọng lại. Trong ánh lửa, tôi thấy một bóng người cao, gầy, khập khiễng chạy tới ngôi nhà cháy, xô cánh cửa đổ rầm. Mấy người trong nhà vọt ra, khung cửa ập xuống, khói bụi mịt mù…

Rồi từ trong nhà, vẫn cái bóng cao, khập khiễng ấy lom khom như đang che chở vật gì, phóng thẳng ra đường. Qua khỏi thềm nhà, người đó vừa té quỵ thì một cây rầm sập xuống. Mọi người xô đến. Ai nấy bàng hoàng vì trong cái bọc chăn còn vương khói mà người ấy đang ôm khư khư là một đứa bé mặt mày đen nhẻm, thất thần, khóc không thành tiếng. Mọi người khiêng người đàn ông ra xa. Người anh mềm nhũn. Người ta cấp cứu cho anh. Ai đó thảng thốt kêu: “Ô… này!”, rồi cầm cái chân cứng ngắc của nạn nhân giơ lên: thì ra là một cái chân gỗ.

Người ta lần tìm tung tích nạn nhân. Anh công an tìm ra từ túi áo nạn nhân một mớ giấy tờ. Ai nấy bàng hoàng khi thấy trong xấp giấy một tấm thẻ thương binh. Bấy giờ người ta mới để ý đến chiếc xe đạp nằm lăn lóc ở góc tường và những chiếc bánh giò tung tóe… Thì ra người bán bánh giò là một thương binh. Chính anh đã phát hiện ra đám cháy, đã báo động và cứu một gia đình.

Vừa lúc đó, chiếc xe cấp cứu ào tới chở nạn nhân đi…

Theo Nguyễn Lê Tín Nhân

1.3. Nội dung chính của văn bản

Bài đọc nói về sự dũng cảm của một người thương binh. Anh đã hi sinh cho đất nước, mất một chân phải dùng chân giả, cuộc sống khó khăn, nhưng sẵn sàng cứu người khỏi đám cháy, không quản nguy hiểm tới tính mạng.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Té quỵ: ngã khuỵu xuống, không gượng dậy được.

- Rầm(rầm nhà): Thanh gỗ to hoặc thanh bê tông đặt ngang trên một số điểm tựa để đỡ mái nhà.

- Thất thần: Sắc mặt nhợt nhạt vì quá sợ hãi.

- Thoảng thốt: Ngạc nhiên và hoảng hốt.

- Tung tích: dấu vết giúp cho việc xác minh, tìm ra đối tượng.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Đám cháy xảy ra vào lúc nào?

Hướng dẫn giải:

Thời gian đám cháy xảy ra là vào "một đêm", khi mọi người sắp đi vào giấc ngủ sau một ngày lao động.

Câu 2: Người đã dũng cảm cứu em bé là ai? Con người và hành động của anh có gì đặc biệt?

Hướng dẫn giải:

Người dũng cảm cứu em bé là một anh thương binh yêu nước, mặc dù đôi chân đi lại rất khó khăn nhưng anh vẫn đi bán bánh giò hằng đêm để kiếm sống và dũng cảm lao vào đám cháy cứu em bé. Con người và hành động của anh rất đặc biệt: "Một bóng người cao gầy, khập khiễng chạy tới ngôi nhà cháy, xô cánh cửa đổ rầm". Đó là hành động khẩn trương cứu người trong cơn hoạn nạn, bất chấp hiểm nguy, không màng tới bước chạy của anh bị "khập khiễng". Rồi từ ngôi nhà "khói bụi mịt mù", anh phóng thẳng ra ngoài, trong tay ôm khư khư cái bọc chăn, trong đó là một đứa bé mặt mày đen nhẻm, thất thần, "khóc không thành tiếng" vừa lúc "một cây rầm sập xuống". Cả người anh ngã quỵ xuống, người mềm nhũn. Khi cấp cứu, người ta thảng thốt phát hiện một chân của anh là "một cái chân gỗ". Anh là một thương binh, đêm đêm đạp xe đi bán bánh giò để kiếm sống. Anh là người phát hiện ra đám cháy, báo động cho mọi người và cứu một gia đình qua cơn hoạn nạn.

Câu 3: Chi tiết nào trong câu chuyện gây bất ngờ cho người đọc?

Hướng dẫn giải:

Tác giả có cách dẫn dắt trực tiếp và ngắn gọn nên câu chuyện đã làm nổi bật hình ảnh nhân vật anh thương binh cứu người từ đám cháy. Người đọc ấn tượng sâu sắc nhân vật ấy, qua chi tiết:

- "Trong một đêm đi bán bánh giò, anh thương binh phát hiện ra đám cháy. Không ngần ngại anh lao vào chỗ có thể gây nguy hiểm cho tính mạng của anh, anh cứu được một em bé đang thất thần, không khóc được nữa".

- "Anh ngã quỵ vì mất sức. Người đến cấp cứu cho anh lại phát hiện điều bất ngờ: Anh là một thương binh và tài sản của anh thì chiếc xe đạp nằm lăn lóc ở góc tường và những chiếc bánh giò tung tóe. Anh xứng đáng là một chiến sĩ quân đội luôn biết hi sinh cho nhân dân của mình. Anh tuy tàn mà không phế".

Câu 4: Câu chuyện trên gợi cho em suy nghĩ gì về trách nhiệm công dân của mỗi người trong cuộc sống?

Hướng dẫn giải:

- Bằng khả năng của mình hãy luôn giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Luôn chia sẻ, gánh vác khó khăn trong cuộc sống với tất cả mọi người, với đồng bào ruột thịt của mình.

- Không so đo tính toán thiệt hơn quyền lợi với người mình vừa giúp đỡ. Sống hòa thuận, đoàn kết như anh em một nhà với mọi người xung quanh.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Lập chương trình cho một trong các hoạt động dưới đây (hoặc cho một hoạt động khác mà trường em dự kiến tổ chức) rồi dán lên tường lớp: Khi xây dựng chương trình công tác cua liên đội trong năm học. Ban chỉ huy liên đội trường em dự kiến tổ chức một số hoạt động sau:

(1) Thi nghi thức Đội.

(2) Quyên góp ủng hộ thiếu nhi và nhân dân các vùng bị thiên tai...

Hướng dẫn giải:

- Bài tham khảo số 1:

CHƯƠNG TRÌNH THI NGHI THỨC ĐỘI

 (Chi đội 5A, Trường Lê Hồng Phong)

1. Mục đích:

- Kỉ niệm ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.

- Động viên các bạn Đội viên tham gia sinh hoạt tập thể.

2. Phân công chuẩn bị:

- Ban giám khảo: Cô giáo chủ nhiệm lớp, chi đội trưởng, chi đội phó.

- Dẫn chương trình: bạn Diệu Hiền.

- Phổ biến nội dung cuộc thi: Chi đội trưởng.

- Chọn đội viên tham gia thi: Các phân đội trưởng.

- Chọn người tham gia cuộc thi của liên đội: Ban chỉ huy chi đội.

- Đội trưởng đội tuyển của chi đội: Nguyễn Huy Hoàng (chi đội trưởng).

3. Chương trình cụ thể:

- Họp chi Đội để phổ biến nội dung, phân công nhiệm vụ: Tiết sinh hoạt lớp trưa thứ sáu ngày 15/3/2013.

- Thi nghi thức Đội của chi đội: Chiều ngày 18/3/2013.

- 14 giờ đến 11 giờ 10 phút: Tuyên bố lí do (chi đội trưởng).

- 14 giờ 10 đến 15 giờ 30 phút: Thi nghi thức Đội (Chào cờ, tháo khăn quàng, thắt khăn quàng, đội hình đội ngũ, điều lệ Đội).

- 16 giờ: Công bố kết quả, phát thưởng.

- Bài tham khảo số 2:

Chương trình quyên góp ủng hộ thiếu nhi vùng lũ lụt

(Lớp 5A)

1. Mục đích:

Giúp đỡ các bạn thiếu nhi vùng lũ lụt, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách.

2. Các sự việc cụ thể, phân công nhiệm vụ:

- Họp lớp, thống nhất nhận thức, hành động: Lớp trưởng.

- Nhận quà: 4 tổ trưởng (ghi tên người, số lượng cụ thể rõ ràng).

- Đóng gói, chuyển quà lên nhà trường: Lớp trưởng và ban cán sự lớp.

3. Chương trình cụ thể:

Chiều thứ năm (12/2): Họp lớp:

- Phát biểu ý kiến, vận động cả lớp ủng hộ.

- Trao đổi ý kiến, thống nhất loại quà.

- Phân công cụ thể nhiệm vụ.

Sáng thứ 2 (16/2): Nhận quà ủng hộ của lớp.

Chiều thứ 2: Đóng gói, nộp lên nhà trường.

Câu 2: Chọn một trong các đề sau để chuẩn bị kể chuyện:

a. Đề 1: Kể một việc làm của những công dân nhờ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hóa.

b. Đề 2: Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

c. Đề 3: Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ.

Hướng dẫn giải:

a. Đề 1: Kể một việc làm của những công dân nhờ thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hóa:

- Thế nào là công trình công cộng và di tích lịch sử - văn hoá?

+ Công trình công cộng là những nơi được xây dựng để mọi người dùng chung như cung văn hóa, viện bảo tàng, rạp hát, công viên,...

+ Di tích lịch sử - văn hoá là những công trình hoặc những vật đời trước để lại, gắn với những sự kiện, những nhân vật nổi tiếng trong lịch sử hoặc có ý nghĩa, giá trị cao về văn hoá.

- Những việc làm thể hiện ý thức bảo vệ các công trình công cộng, các di tích lịch sử - văn hoá: giữ vệ sinh; không hái hoa; không leo trèo, nghịch ngợm; không viết, vẽ lên tường; phát hiện và ngăn chặn các hành vi phá hoại công trình,...

b. Đề 2: Kể một việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ:

- Luật Giao thông đường bộ gồm các quy định mà mỗi người dân phải tuân theo khi đi lại trên đường để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra tai nạn.

- Những việc làm thể hiện ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ: đi bộ trên vỉa hè; không chạy nhảy, nô đùa dưới lòng đường; đi xe ở bên phải đường; không đi xe hàng ba, hàng bốn trên đường; không vượt đèn đỏ; đấu tranh, ngăn chặn các hiện tượng vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

c. Đề 3: Kể một việc làm thể hiện lòng biết ơn các thương binh, liệt sĩ:

- Liệt sĩ và thương binh là những người đã dũng cảm hi sinh tính mạng hoặc một phần thân thể để bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc và cuộc sống của nhân dân.

- Các việc làm thể hiện lòng biết ơn thương binh, liệt sĩ: chăm sóc mộ liệt sĩ, thăm nom giúp đỡ các gia đinh liệt sĩ neo đơn, giúp đỡ các cô, chú thương binh gặp khó khăn,..

Câu 3: Nhớ lại câu chuyện. nhớ lại sự việc mà em đã chứng kiến hoặc tham gia và kể lại trong nhóm?

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Tháng 12 năm nay, trường em phát động đợt thi đua theo chủ đề "Uống nước nhớ nguồn" với mục tiêu mỗi thầy cô giáo, mỗi học sinh làm được một việc tốt có ý nghĩa để chào mừng ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng.

Có lớp tổ chức viết thư gửi các chú bộ đội đang công tác ở hải đảo, ở các chốt biên phòng xa xôi. Có lớp tỏa về các xóm để giúp các gia đình thương binh liệt sĩ. Có chi đội mang quà đến tặng các thương binh hiện đang điều trị tại gia đình. Riêng lớp 5E của chúng em lại đi chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ.

Sáng chủ nhật, chúng em theo cô giáo Thư và bạn Nga, bạn Thành trong Ban chỉ huy chi đội kéo đến Đồi Ây. Mỗi tổ được phân công mang theo một dụng cụ như cuốc, dao, liềm, chổi... Tổ em được chỉ định mang liềm.

Đúng 7 giờ rưỡi, 39 bạn và cô giáo đã hành quân tới Đồi Ây. Nắng mùa đông vàng nhạt. Gió thổi nhẹ nhưng khá lạnh. Hàng thông, hàng bạch đàn và những khóm liễu xung quanh nghĩa trang lao xao, thì thầm. Mộ 49 liệt sĩ được xây theo 7 hàng thẳng tắp. Đó là các chiến sĩ, cán bộ đơn vị pháo binh đã anh dũng hi sinh trong những trận chiến đấu bảo vệ cầu Thôn năm 1972, năm 1973. Ngôi mộ nào cũng có quốc huy với ngôi sao vàng năm cánh. Em và bạn Lộ, bạn Lan cắt cỏ, nhổ những cây hoang dại quanh từng nấm mồ. Bạn Hương, bạn Quỳnh, bạn Phương đi cắt tỉa các cành liễu bị gió làm gãy, bị sâu làm cho úa vàng. Bạn Trọng, Hùng, Cư đi thay cát mới, cát vàng vào các bình hương trên các mộ chí. Cô giáo chủ nhiệm và các bạn trong Ban chỉ huy đội đi kiểm tra, đôn đốc. Khi cỏ, cành cây được vun thành đống lấp đầy các hố phía cuối nghĩa trang, cô giáo Thư và tất cả chúng em đi thắp hương lên các ngôi mộ liệt sĩ.

Cô giáo Thư cho biết máy bay Mĩ đến ném bom cầu Thông 6 trận. Cầu bị đánh sập ta lại bắc, giặc lại phá, ta lại xây. Ba máy bay Mĩ bị quân ta bắn cháy. Dân quân, trai tráng, các mẹ trong vùng đều hăng hái, dũng cảm phục vụ chiến đấu viết nên bài ca anh hùng của quê hương.

49 liệt sĩ, mỗi người ở một miền quê xa xôi: Yên Bái, Cao Bằng, Thanh Hóa, Quảng Ngãi... đã yên nghỉ vĩnh viễn tại quê hương chúng em. Cầu Thông năm xưa nay đã được bắc lại bốn nhịp, kiên cố, hiện đại. Quê em đã đổi mới. Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân của chúng em đã được xây dựng thật khang trang. Đến thãm Đồi Ây, đọc tên các liệt sĩ, trở về em cứ nao nao, bồi hồi mãi. Nén hương thơm mà chúng em thắp lên nghĩa trang Đồi Ây mang nặng bao nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sĩ. Làng em cũng có 32 người con đi chiến đấu lại chiến trường miền Nam, đi mãi chưa về.

Sưu tầm

- Câu chuyện tham khảo số 2:

Chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ nhưng hậu quả của nó vẫn còn ghi dấu mãi. Để có được độc lập tự do hôm nay, bao thế hệ đã hi sinh. Họ là những thương binh, liệt sĩ. Học sinh chúng em luôn biết ơn những người anh hùng đó. Để tri ân các thương binh, liệt sĩ, em đã tham gia hoạt động tưởng niệm hàng năm.

Quê hương em là quê hương những anh hùng Cách mạng. Bao người con nơi đây đã ra đi để chiến đấu, để rồi hòa bình lập lại, người trở về người lại mãi mãi nằm  tại chiến trường. Hàng năm, địa phương em đều tổ chức hoạt động tri ân ngày 27 tháng 7, Em vẫn nhớ như in lần đầu tiên mình được tham gia hoạt động ý nghĩa đó. Chiều ngày 26 chúng em đã có mặt để làm cỏ, phát quang nghĩa trang liệt sĩ – nơi nhân dân xây dựng để tưởng niệm. Chúng em thắp hương, nhìn những bức ảnh và tên tuổi của họ, nỗi xúc động không thể kìm nén. Có những người hi sinh khi tuổi còn rất trẻ. Họ ra đi để lại cả tuổi trẻ còn đang dang dở.

Tối hôm ấy, cả nghĩa trang uy nghiêm và thiêng liêng biết mấy. Tốp học sinh chúng em được phân công cầm cờ, đốt nến và hương. Các anh trong Đoàn xã đọc diễn văn tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. Sau đó là văn nghệ. Ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” năm nào cũng vang lên như lời nhắc nhở thế hệ sau. Phần quan trọng nhất là lễ thắp nến tri ân. Trong không gian thiêng liêng, từng ánh nến lần lượt thắp lên, lung linh sáng rực. Đó là lời tri ân của tất cả những người đang sống tới những người đã ngã xuống cho độc lập tự do hôm nay. Họ ra đi để bảo vệ quê hương, để chiến đấu cho Tổ quốc thân yêu. Những người còn sống luôn biết ơn và ghi nhớ công lao của họ. Giây phút tưởng niệm, ai nấy đều xúc động cúi đầu. Có những giọt nước mắt không kìm nén được lặng lẽ rơi. Những người nằm tại nơi đây còn là người thân trong gia đình họ.

Buổi tượng niệm kết thúc, trên đường về lòng em vẫn bâng khuâng mãi. Sáng hôm sau đó, địa phương em tổ chức đến thăm và giúp đỡ những thương binh. Em cũng xin được tham gia. Men theo những con đường nhỏ, em cùng đoàn đến từng ngôi nhà nhỏ của các cựu chiến binh năm xưa, những người đã chịu tàn phá từ chiến tranh khốc liệt. Chúng em trao đi những món quà, giúp họ dọn dẹp nhà cửa, sân vườn và cùng nghe những câu chuyện kháng chiến. Mỗi câu chuyện lại gợi lên niềm xúc động, lòng biết ơn tha thiết với bao thế hệ cha anh đi trước. Họ không ngại mất mát, không ngại đau thương. Họ cho ra đi với tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Hiện tại, chiến tranh vẫn in hằn trên cơ thể họ với những nỗi đau thể xác và tinh thần không thể xóa nhòa. Nhưng họ nói không bao giờ hối hận vì sự lựa chọn năm xưa.

Hoạt động tri ân kết thúc để lại nhiều dư âm trong trái tim em. Từ tận đáy lòng mình, mỗi lần tri ân là một lần em thêm biết ơn những thương binh liệt sĩ. Không chỉ trân trọng quá khứ anh hùng mà em còn có ý thức hơn với tương lai của mình, tương lai của cả đất nước.

Sưu tầm

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Kể lại cho người thân nghe câu chuyện em đã kể trước lớp.

- Khi kể các em cần chú ý kể đúng nội dung câu chuyện. Ngắt, nghỉ phù hợp.

- Phát âm đúng chuẩn.

Câu 2: Trao đổi với người thân về một việc làm để giúp đỡ gia đình thương binh liệt sĩ.

Hướng dẫn giải:

Gần nhà em có bà Ba là bà mẹ Việt Nam anh hùng. Bà Ba có chồng và hai con đều là những anh hùng đã hy sinh trong chiến tranh. Hiện tại, bà Ba ở một mình trong căn nhà nhỏ đơn sơ, chân bà thường xuyên bị đau mỗi khi rái gió trở trời. Em đã bàn với ba mẹ sẽ mua một món quà nhỏ để đến thăm cụ vào tuần tới. Đồng thời, em cũng sẽ rủ thêm những bạn của mình thường xuyên tới giúp đỡ cụ những việc lặt vặt trong gia đình, trò chuyện với cụ để cụ có được niềm vui nhỏ của tuổi già. Ba em cùng với đoàn thanh niên đã có kế hoạch sẽ tới sửa chữa lại giúp bà căn nhà để bà có thể được sống trong một căn nhà khang trang, sạch sẽ.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Tiếng rao đêm".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM