Tiếng Việt lớp 5 bài 22A: Giữ biển trời Tổ quốc

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được ý nghĩa quan trọng của công cuộc xây dựng đất nước "Lập làng giữ biển". Từ đó, các em có thái độ yêu quý quê hương, đất nước của mình hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 22A: Giữ biển trời Tổ quốc

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 39 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu hỏi: Quan sát các bức ảnh dưới đây và trả lời câu hỏi: Mỗi bức ảnh cho em biết điều gì?

Hướng dẫn giải:

- Ảnh 1: Buổi luyện tập của cảnh sát biển Việt Nam, luôn cầm chắc tay súng, sẵn sàng bảo vệ Tổ Quốc bất cứ lúc nào.

- Ảnh 2: Cảnh sát biển Việt Nam tuần tra trên biển bất kể ngày đêm.

- Ảnh 3: Tàu thuyền đánh bắt hải sản tấp nập trên vùng biển quê hương.

- Ảnh 4: Ngư dân hăng hái kéo lưới đánh bắt hải sản.

1.2. Văn bản "Lập làng giữ biển"

Lập làng giữ biển

Nhụ nghe bố nói với ông:

- Lần này con sẽ họp làng để đưa đàn bà và trẻ con ra đảo. Con sẽ đưa thằng Nhụ ra trước. Rồi nhà con cũng ra. Ông cũng sẽ ra.

- Tao chết ở đây thôi. Sức không còn chịu được sóng.

- Ngay cả chết, cũng cần ông chết ở đấy.

Ông đứng lên, tay giơ ra như cái bơi chèo:

- Thế là thế nào? - Giọng ông bỗng hổn hển. Người ông bỗng tỏa ra hơi muối.

Bố Nhụ vẫn nói rất điềm tĩnh:

- Ở đấy đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần. Chả còn gì hay hơn cho một làng biển. Ngày xưa, lúc nào cũng mong có đất để dân chài phơi được một vàng lưới, buộc được một con thuyền. Bây giờ đất đấy, rộng hết tầm mắt. Đất của nước mình, mình không đến ở thì để cho ai?

Ông Nhụ bước ra võng. Cái võng làm bằng lưới đáy vẫn buộc lưu cữu ở ngoài hàng hiên. Ông ngồi xuống võng vặn mình. Hai má phập phồng như người súc miệng khan. Ông đã hiểu những ý tưởng hình thành trong suy tính của người con trai ông quan trọng nhường nào.

- Để có một ngôi làng như một ngôi làng ở trên đất liền, rồi sẽ có chợ, có trường học, có nghĩa trang…

Bố Nhụ nói tiếp như trong một giấc mơ, rồi bất ngờ, vỗ vào vai Nhụ:

- Thế nào con, đi với bố chứ?

- Vâng! Nhụ đáp nhẹ.

Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi. Đã có một làng Bạch Đằng Giang do những người dân chài lập ra ở đảo Mõm Cá Sấu. Hòn đảo đang bồng bềnh đâu đó ở mãi tận chân trời…

TRẦN NHUẬN MINH

1.3. Nội dung chính của văn bản

Văn bản "Lập làng giữ biển" thể hiện tình yêu quê hương, đất nước của người dân thông qua công cuộc xây dựng đất nước "Lập làng giữ biển", cụ thể văn bản nói về ý chí lập làng giữ biển đảo quê hương của bố Nhụ. Phải có người tiên phong ra đảo sinh sống mới thuyết phục được nhiều người cùng ra, rồi sẽ hình thành một làng chài trên đảo, khi đó đảo mới trở thành đất của Việt Nam.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Ngư trường: Vùng biển có nhiều tôm cá, thuận tiện cho việc đánh bắt.

- Vàng lưới: Bộ lưới gồm nhiều tấm, có phao, chì, dùng để đánh bắt cá và các hải sản khác.

- Lưới đáy: Lưới đánh cá ăn chìm ở dưới đáy sông, vùng giáp biển.

- Lưu cữu: Để cố định đã lâu, không thay đổi.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

1. Bài văn có những nhân vật nào?

a. Chỉ có hai bố con Nhụ.

b. Chỉ có bố Nhụ và ông Nhụ.

c. Có cả Nhụ, bố Nhụ và ông Nhụ.

-> Chọn đáp án c: Có cả Nhụ, bố Nhụ và ông Nhụ.

2. Bố và ông của Nhụ bàn với nhau việc gì?

a. Họp làng để di dân ra đảo, đưa dần cả nhà ra đảo.

b. Sức khoẻ của ông rất yếu, ông sẽ ở lại làng trên đất liền.

c. Ông muốn mất ở làng cũ, ông không muốn mất ở đảo.

-> Chọn đáp án a: Họp làng để di dân ra đảo, đưa dần cả nhà ra đảo.

3. Việc lập làng mới ngoài đảo có lợi gì?

a. Làng mới trên đảo đã có sẵn nhiều vàng lưới, nhiều thuyền.

b. Làng mới có đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần.

c. Làng mới đã có chợ, trường học, nghĩa trang - không như làng ở đất liền.

-> Chọn đáp án b: Làng mới có đất rộng, bãi dài, cây xanh, nước ngọt, ngư trường gần.

4. Đoạn cuối nói lên suy nghĩ gì của Nhụ?

a. Kế hoạch của bố đã được quyết định, một làng đảo sẽ được lập ra.

b. Những người dân chài dũng cảm sẽ làm thay đổi đảo Mỏm Cá Sấu.

c. Hòn đảo bồng bềnh phía chân trời là mơ ước xa xôi của Nhụ.

-> Chọn đáp án a: Kế hoạch của bố đã được quyết định, một làng đảo sẽ được lập ra.

5. Bài văn nói lên điều gì?

a. Đất nước còn nhiều hòn đảo giàu tiềm năng, cần được khai thác, khám phá.

b. Những khó khăn đang đợi những người xây dựng cuộc sông mới trên đảo Mõm Cá Sâu.

c. Ca ngợi những dân chài táo bạo, dám rời mảnh đất quen thuộc tới hòn đảo ngoài biển đế lập làng, giữ một vùng biển của Tổ quốc.

-> Chọn đáp án c: Ca ngợi những dân chài táo bạo, dám rời mảnh đất quen thuộc tới hòn đảo ngoài biển đế lập làng, giữ một vùng biển của Tổ quốc.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Điền cặp quan hệ từ thích hợp với mỗi chỗ trống để tạo các câu ghép:

a. ... chủ nhật này trời đẹp ... chúng ta sẽ đi cắm trại.

b. ... bạn Nam phát biếu ý kiến ... cả lớp lại trầm trồ khen ngợi.  

c. ... ta chiếm được ngọn đồi này ... trận đánh sẽ rất thuận lợi.

Nếu … thì…; nếu mà … thì ...; hễ … thì ...; hễ mà …. thì…; giá mà… thì…

Hướng dẫn giải:

a. Nếu chủ nhật này trời đẹp thì chúng ta sẽ đi cắm trại.

b. Hễ bạn Nam phát biếu ý kiến thì cả lớp lại trầm trồ khen ngợi.  

c. Nếu mà ta chiếm được ngọn đồi này thì trận đánh sẽ rất thuận lợi.

Câu 2: Thêm vào mỗi chỗ trống một quan hệ từ và về câu thích hợp để tạo thành câu ghép:

a. Hễ em làm xong các bài tập Tiếng Việt ...

b. Nếu chúng ta chu quan ...

c. ... thì Hồng đã có nhiều tiến bộ trong học tập.

Hướng dẫn giải:

a. Hễ em làm xong các bài tập Tiếng Việt thì Ngọc lại mượn vở của em.

b. Nếu chúng ta chủ quan thì chúng ta sẽ chuốc lấy thất bại.

c. Nếu mà Hồng chăm chỉ hơn thì Hồng đã có nhiều tiến bộ trong học tập.

Câu 3:

a. Nghe thầy cô đọc, viết vào vở bài thơ sau:

Hà Nội

(Trích)

Hà Nội có chong chóng

Cứ tự xoay trong nhà

Không cần trời nổi gió

Không cần bạn chạy xa

 

Hà Nội có Hồ Gươm

Nước xanh như pha mực

Bên hồ ngọn Tháp Bút

Viết thơ lên trời cao.

 

Mấy năm giặc bắn phá

Ba Đình vẫn xanh cây

Trăng vàng chùa Một Cột

Phủ Tây Hồ hoa bay

Trần Đăng Khoa

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết hoa tên người, tên địa danh.

- Viết đúng chính tả.

- Đặt dấu câu thích hợp.

Câu 4: Đọc đoạn văn và thực hiện yêu cầu ở dưới:

Vậy là việc đã quyết định rồi. Nhụ đi và sau đó cả nhà sẽ đi. Đã có một làng Bạch Đằng Giang do những người dân chài lập ra ở đảo Mõm Cá Sấu. Hòn đảo đang bồng bềnh đâu đó ở mãi phía chân trời...

Theo TRẦN NHUẬN MINH

a. Tìm trong đoạn văn và viết lại vào vở:

- Danh từ riêng là tên người.

- Danh từ riêng là tên địa lí.

b. Nhắc lại quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam

Hướng dẫn giải:

a. Danh từ:

- Danh từ riêng là người: Nhụ.

- Danh từ riêng là tên địa lí: Bạch Đằng Giang, Mõm Cá Sấu.

b. Quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam: Khi viết tên người, tên địa lí Việt Nam, cần phải viết hoa chữ cái đầu tiên của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó.

Câu 5: Viết vào phiếu học tập một số tên người, tên địa lí mà em biết (chia sẻ với bạn trong nhóm về kết quả của em).

Hướng dẫn giải:

- Tên người: Hồ Chí Minh, Trần Quốc Toản, Trường Chinh,...

- Tên địa lí: Đà Lạt, Hà Nội, Sài Gòn, Huế, Quảng Trị,...

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Đọc cho người thân nghe bài Lập làng giữ biển. Nói với người thân về ý nghĩa của bài văn.

Hướng dẫn giải:

- Đọc lưu loát, rõ ràng toàn văn bản.

- Ý nghĩa của bài Lập làng giữ biển: Ca ngợi những người dân chài táo bạo, dám rời mảnh đất quê hương quen thuộc tới lập làng ở một hòn đảo ngoài biển khơi để xây dựng cuộc sống mới, giữ một vùng biển trời Tổ quốc.

Câu 2: Hỏi người thân tên một số địa danh của địa phương em và viết vào vở.

Hướng dẫn giải:

Em sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, một số địa danh ở địa phương em là: Hồ Gươm, chùa Một Cột, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cầu Long Biên,…

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Lập làng giữ biển".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Biết cách kể lại một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.

Ngày:23/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM