Tiếng Việt lớp 5 bài 5A: Tình hữu nghị

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung cơ bản của bài Tập đọc: "Một chuyên gia máy xúc" và ôn tập lại từ đồng nghĩa. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé. Chúc các em học tập tốt!

Tiếng Việt lớp 5 bài 5A: Tình hữu nghị

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 48 SGK VNEN Tiếng Việt 5

- Cầu Long Biên là cây cầu bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên của Hà Nội. Cầu do Pháp xây dựng (1898-1902), đặt tên là cầu Doumer, theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Hiện trên đầu cầu vẫn còn tấm biển kim loại có khắc chữ ghi thời gian thi công và nhà thầu xây dựng: “1899 -1902 - Daydé & Pillé - Paris. Cầu Long Biên là cầu bắc qua sông Hồng, cầu thép, cầu dài nhất đầu tiên ở Việt Nam.

- Nhà máy Thuỷ điện Hoà Bình là nhà máy lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á do Liên Xô (Nga) giúp đỡ xây dựng và vận hành, có công suất sản sinh điện năng rất lớn.

- Đường hầm Thủ Thiêm là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á, gồm sáu làn xe được dìm dưới lòng sông Sài Gòn. Đây là nguồn vốn đầu tư từ Hỗ trự phát triển chính thức của chính phủ Nhật Bản, do các nhà thầu Nhật Bản thi công. 

- Cầu Nhật Tân - cây cầu dây văng lớn nhất Việt Nam hiện nay bắc qua sông Hồng nối hai bờ phường Phú Thượng (quận Tây Hồ) và nút giao với đường Nam Hồng (huyện Đông Anh) là một món quà của nhân dân Nhật Bản dành tặng Việt Nam nhân kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2014). Để ghi lại mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản, Bộ GTVT và TP. Hà Nội thống nhất dưới tên chính là cầu Nhật Tân sẽ có thêm phần tiếng Anh là "cầu Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản".

1.2. Văn bản "Một chuyên gia máy xúc"

Một chuyên gia máy xúc

Đó là một buổi sáng đầu xuân. Trời đẹp. Gió nhẹ và hơi lạnh. Ánh nắng ban mai nhạt loãng rải trên một vùng đất đỏ công trường tạo nên một hòa sắc êm dịu.

Chiếc máy xúc của tôi hối hả "điểm tâm" những gầu chắc và đầy. Chợt lúc quay ra, qua khung cửa kính buồng máy, tôi nhìn thấy một người ngoại quốc cao lớn, mái tóc vàng óng ửng lên một mảng nắng. Tôi đã từng gặp nhiều người ngoại quốc đến tham quan công trường. Nhưng người ngoại quốc này có một vẻ gì nổi bật lên khác hẳn các khách quan khác. Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe, khuôn mặt to chất phác... tất cả gợi lên ngay từ phút đầu những nét giản dị, thân mật.

Đoàn xe tải lần lượt ra khỏi công trường. Tôi cho máy xúc vun đất xong đâu vào đấy, hạ tay gầu rồi nhảy ra khỏi buồng lái. Anh phiên dịch giới thiệu: "Đồng chí A-lếch-xây, chuyên gia máy xúc!".

A-lếch-xây nhìn tôi bằng đôi mắt sâu và xanh, mỉm cười, hỏi:

- Đồng chí lái máy xúc bao nhiêu năm rồi?

- Tính đến nay là năm thứ mười một. - Tôi đáp.

Thế là A-lếch-xây đưa bàn tay vừa to vừa chắc ra nắm lấy bàn tay dầu mỡ của tôi lắc mạnh và nói:

- Chúng mình là bạn đồng nghiệp đấy, đồng chí Thủy ạ!

Cuộc tiếp xúc thân mật ấy đã mở đầu cho tình bạn thắm thiết giữa tôi và A-lếch-xây.

                                                        Theo Hồng Thủy

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài "Một chuyên gia máy xúc" là: Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ của một người thợ máy xúc và một chuyên gia người ngoại quốc. Ấn tượng để lại với người thợ Việt Nam là sự giản dị, gần gũi và thân thiết của vị chuyên gia. Qua đó, thể hiện vẻ đẹp tình cảm hữu nghị giữa các dân tộc.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Công trường: nơi tập trung người, dụng cụ, máy móc,… để thực hiện việc xây dựng hoặc khai thác.

- Hoà sắc: sự phối hợp màu sắc.

- Điểm tâm: ăn lót dạ.

- Chất phác: thật thà, mộc mạc.

- Phiên dịch: dịch từ ngôn ngữ dân tộc này sang ngôn ngữ dân tộc khác.

- Chuyên gia: ở đây chỉ cán bộ kĩ thuật nước ngoài sang giúp nước ta.

- Đồng nghiệp: những người cùng làm một nghề.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. a) Chọn lời giải nghĩa ở cột B phù hợp với từ ngữ ở cột A

- Cột A:

1. Hòa sắc

2. Điểm tâm.

3. Chất phác

4. Đồng nghiệp

- Cột B:

a. thật thà, mộc mạc.

b. phối hợp màu sắc.

c. ăn lót dạ.

d. người cùng làm một nghề.       

b) Đọc từ ngữ và lời giải nghĩa

Chuyên gia: ở đây chỉ cán bộ kĩ thuật nước ngoài sang giúp nước ta.

Công trường: nơi tập trung người, dụng cụ, máy móc,… để thực hiện việc xây dựng hoặc khai thác.

Phiên dịch: dịch từ ngôn ngữ dân tộc này sang ngôn ngữ dân tộc khác.

Hướng dẫn giải:

a)

1 – b: Hoà sắc – phối hợp màu sắc

2 – c: Điểm tâm – ăn lót dạ

3 – a: Chất phác – thật thà, mộc mạc

4 – d: Đồng nghiệp – người cùng làm một nghề.

Câu 2. Bài đọc có những nhân vật nào?

Hướng dẫn giải:

Bài đọc có sự xuất hiện của những nhân vật: Anh A-lếch-xây, anh Thuỷ, người phiên dịch.

Câu 3. Anh Thuỷ gặp anh A - lếch - xây ở đâu?

Hướng dẫn giải:

Anh Thủy gặp anh A-lếch-xây ở công trường xây dựng.

Câu 4. Cảnh vật hôm đó có gì đẹp?

Hướng dẫn giải:

Những nét đẹp của cảnh thiên nhiên hôm đó là:

- Đó là một buổi sáng đầu xuân.

- Trời đẹp.

- Gió nhẹ và hơi lạnh.

- Ánh nắng ban mai nhạt loãng rải trên vùng đất đỏ công trường tạo nên một hòa sắc êm dịu.

Câu 5.

Dáng vẻ của A-lếch-xây có gì đặc biệt khiến anh Thuỷ chú ý?

Hướng dẫn giải:

Dáng vẻ của anh A-lếch-xây có những điểm đặc biệt khiến anh Thủy chú ý là:

- Một người ngoại quốc cao lớn, mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng.

- Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe , khuôn mặt to chất phác.

Câu 6. Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đồng nghiệp (anh Thuỷ và anh A-lếch-xây) diễn ra như thế nào?

Hướng dẫn giải:

(1). Bài đọc có anh phiên dịch, anh Thuỷ và anh A-lếch-xây.

(2). Anh Thuỷ gặp anh A-lếch-xây ở công trường xây dựng.

(3). Cảnh vật hôm đó là một buổi sáng đầu xuân, trời đẹp, gió nhẹ và hơi lạnh. Ánh nắng nhạt loãng trên vùng đất đỏ tạo nên một hoà sắc êm dịu.

(4). Dáng vẻ của A-lếch-xây có những điểm đặc biệt: Vóc người cao to, mái tóc vàng ửng lên như một mảng nắng, thân hình khỏe trong bộ áo xanh công nhân, khuôn mặt to chất phác… Dáng vẻ đó gợi lên nét giản dị, thân mật.

(5). Cuộc gặp gỡ giữa hai người bạn đồng nghiệp diễn ra giản dị, chân thành và thân thiết.

Sự thân mật khi A-lếch-xây hỏi anh Thủy:

A-lếch-xây nhìn tôi bằng đôi mắt sâu và xanh, mỉm cười hỏi:

- Đồng chí lái máy xúc bao nhiêu năm rồi?

- Tính đến nay là năm thứ mười một – tôi đáp.

Sự thân thiết thể hiện qua cái bắt tay nồng ấm: A-lếch-xây đã nắm lấy bàn tay anh Thủy đầu dầu mỡ, thể hiện sự thân mật, gần gũi giữa những người đồng nghiệp.

Câu 7. Mỗi em phát biểu ý kiến riêng của mình: Chi tiết nào trong bài khiến em nhớ nhất? Vì sao?

Hướng dẫn giải:

Đọc xong bài "Một chuyên gia máy múc", em cảm thấy chi tiết ấn tượng nhất đó chính là cái bắt tay thân mật của A-lếch-xây với anh Thủy. Đó là cái bắt tay thể hiện sự thân mật, gần gũi, chân thành giữa một chuyên gia nước ngoài với người dân Việt Nam. Qua đó, thể hiện vẻ đẹp tình cảm hữu nghị giữa các dân tộc.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

a) Nghe thầy cô đọc và viết vào vở bài Một chuyên gia máy xúc (từ Qua khung cửa kính đến những nét giản dị, thân mật)

b) Đổi bài với bạn để sửa lỗi

(Em chủ động hoàn thành bài tập này)

Qua khung cửa kính buồng máy, tôi nhìn thấy một người ngoại quốc cao lớn, mái tóc vàng óng ửng lên như một mảng nắng. Tôi đã từng gặp nhiều người ngoại quốc tới tham quan công trường. Nhưng người ngoại quốc này có một vẻ gì nổi bật lên khác hẳn các khách tham quan khác. Bộ quần áo xanh màu công nhân, thân hình chắc và khỏe, khuôn mặt to chất phác…, tất cả gợi lên ngay từ phút ban đầu những nét giản dị, thân mật.

Câu 2. 

Viết vào vở những tiếng có uô hoặc ua trong bài văn dưới đây:

Anh hùng Núp tại Cu-ba

Năm 1964, Anh hùng Núp tới thăm đất nước Cu-ba theo lời mời của Chủ tịch Phi-đen Cát-xtơ-rô. Người Anh hùng Tây Nguyên được đón tiếp trong tình anh em vô cùng thân mật. Anh Núp thấy người Cu-ba giống người Tây Nguyên mình quá, cũng mạnh mẽ, sôi nổi, bụng dạ hào phóng như cánh cửa bỏ ngỏ, thích nói to và đặc biệt là thích nhảy múa. Tới chỗ đông người nào, sau một lúc chuyện trò, tất cả lại cùng nhảy múa. Bị cuốn vào những cuộc vui ấy, anh Núp thấy như đang sống giữa buôn làng Tây Nguyên muôn vàn yêu dấu của mình.

Theo Nguyễn Khắc Trường

b. Nêu cách nhận xét về cách ghi dấu thanh ở các tiếng có uô và ua.

Hướng dẫn giải:

- Những tiếng có uô: cuốn, cuộc, buôn, muôn.

- Những tiếng có ua: của, cửa, múa, giữa.

b. Nhận xét:

Các tiếng có ua thì ghi dấu thanh ở chữ cái đầu vì không có âm cuối.

Các tiếng có uô thì ghi dấu thanh ở chữ cái thứ hai vì có âm cuối.

Câu 3. 

Tìm tiếng có chứa uô hoặc ua thích hợp với mỗi chỗ trống trong các thành ngữ, tục ngữ dưới đây rồi ghi vào vở

a. ....... người như một        b. Chậm như ..........          c. Ngang như ...........

d. Cày sâu ........ bẫm           e. ....... trống gõ mõ           g. Đói ăn rau, đau uống ........

Hướng dẫn giải:

a. Muôn người như một

b. Chậm như rùa

c. Ngang như cua

d. Cày sâu cuốc bẫm

e. Khua trống gõ mõ

g. Đói ăn rau, đau uống thuốc

Câu 4. 

 Dòng nào dưới đây nếu đúng nghĩa của từ "hoà bình"

a. Trạng thái bình thản.

b. Trạng thái không có chiến tranh.

c. Trạng thái hiền hoà, yên ả.

Hướng dẫn giải:

Nghĩa của từ "hoà bình" là:

Đáp án: b. Trạng thái không có chiến tranh.

Câu 5.

Tìm từ đồng nghĩa với từ hoà bình

- Nhóm trưởng nhận bộ thẻ từ.

- Cả nhóm tìm các thẻ có chứa từ đồng nghĩa với từ hoà bình

- Nhóm nào tìm đúng, đủ và nhanh nhất là nhóm thắng cuộc.

Hướng dẫn giải:

Những từ đồng nghĩa với từ "hoà bình" là: bình yên, Thanh bình, Thái bình.

Câu 6. Mỗi em đặt một câu có từ đồng nghĩa với từ hoà bình

Hướng dẫn giải:

- Miền quê em rất thanh bình.

- Nơi mà tôi đang sống rất bình yên.

- Đất nước đã được thái bình.

Câu 7. Viết đoạn văn (từ 2 đến 3 câu) miêu tả cảnh thanh bình của bức tranh làng quê dưới đây.

Hướng dẫn giải:

Bức tranh thiên nhiên vẻ lại phong cảnh làng quê thật bình yên. Nhìn bức tranh tôi hình dung ra quê hương tôi, đó là một miền quê nằm bên con sông Hồng hiền hoà. Chiều chiều, đi học về chúng tôi cùng nhau ra bờ sông thả diều. Những cánh đồng lúa chín vàng rộng mênh mông, bát ngát. Đàn cò trắng rập rờn bay lượn. Bên bờ sông, đàn trâu thung thăng gặm cỏ. Nằm trên bờ sông mượt mà cỏ xanh thậtdễ chịu. Tôi ngước nhìn những con diều giấy đủ màu sắc, đủ hình dáng và thầm nghĩ có phải cánh diều đang mang những giấc mơ của chúng tôi bay lên cao mãi, cao mãi.

3. Hoạt động ứng dụng

Sưu tầm truyện, tranh (ảnh) nói về cuộc sống thanh bình, lao động sản xuất của nhân dân ta.

Hướng dẫn giải:

Quang cảnh làng mạc ngày mùa

Mùa đông, giữa ngày mùa, làng quê toàn màu vàng - những màu vàng rất khác nhau.

Có lẽ bắt đầu từ những đêm sương sa thì bóng tối đã hơi cứng và sáng ngày ra thì trông thấy màu trời có vàng hơn thường khi. Màu lúa chín dưới đồng vàng xuộm lại. Nắng nhạt ngả màu vàng hoe. Trong vườn, lắc lư những chùm quả xoan vàng lịm không trông thấy cuống, như những chuỗi tràng hạt bồ đề treo lơ lửng. Từng chiếc lá mít vàng ối. Tàu đu đủ, chiếc lá sắn héo lại mở năm cánh vàng tươi. Buồng chuối đốm quả chín vàng. Những tàu lá chuối vàng ối xõa xuống như những đuôi áo, vạt áo. Nắng vườn chuối đương có gió lẫn với lá vàng như những vạt áo nắng, đuôi áo nắng,  vẫy vẫy. Bụi mía vàng xọng, đốt ngầu phấn trắng. Dưới sân, rơm và thóc vàng giòn. Quanh đóm con gà, con chó cũng vàng mượt. Mái nhà phủ một màu rơm vàng mới. Lác đác cây lụi có mấy chiếc lá đỏ. Qua khe giậu, ló ra mấy quả ớt đỏ chói. Tất cả đượm một màu vàng trù phú, đầm ấm lạ lùng. Không còn có cảm giác héo tàn hanh hao lúc sắp bước vào mùa đông. Hơi thở của đất trời, mặt nước thơm thơm, nhè nhẹ. Ngày không nắng, không mưa, hồ như không ai tưởng đến ngày hay đêm, mà chỉ mải miết đi gặt, kéo đá, cắt rạ, chia thóc hợp tác xã. Ai cũng vậy, cứ buông bát đũa lại đi ngay, cứ trở dậy là ra đồng ngay.

TÔ HOÀI

Cảnh làng quê

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung cơ bản bài Tập đọc: "Một chuyên gia máy xúc"

- Trả lời những câu hỏi SGK và giải bài tập về từ đồng nghĩa.

Ngày:07/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM