Tiếng Việt lớp 5 bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ

Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được một số quyền và bổn phận cơ bản của trẻ em. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng Nghe - viết một văn bản cụ thể. Mời các em cùng tham khảo nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ

1. Hoạt động cơ bản

1.1. Giải câu 1 trang 152 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5

Câu 1: Mỗi em chọn một trong những bức ảnh sau, quan sát và trả lời câu hỏi: Bức ảnh đó nói lên điều gì về trẻ em?

Hướng dẫn giải:

- Trẻ em là những cô bé, cậu bé vô cùng hồn nhiên, đáng yêu và trong sáng, ngây thơ.

- Gia đình và xã hội cần quan tâm, chăm sóc, bảo vệ các em; tạo điều kiện cho các em được học tập, vui chơi theo đúng lứa tuổi của mình.

- Trẻ em cũng có bổn phận yêu quý kính trọng những người xung quanh, làm những việc vừa sức mình để giúp đỡ gia đình, học tập và rèn luyện bản thân mình,…

1.2. Văn bản "Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em"

Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em

(Trích)

Điều 15

1. Trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.

2. Trẻ em dưới sáu tuổi được chăm sóc sức khỏe ban đầu, được khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.

Điều 16

1. Trẻ em có quyền được học tập.

2. Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí.

Điều 17

Trẻ em có quyền vui chơi, giải trí lành mạnh, được hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi.

Điều 21

Trẻ em có bổn phận sau đây:

1. Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn; thương yêu em nhỏ; đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình.

2. Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường.

3. Yêu lao động, giúp đỡ gia đình làm những việc vừa sức mình.

4. Sống khiêm tốn, trung thực và có đạo đức; tôn trọng pháp luật; tuân theo nội quy của nhà trường; thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa; tôn trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

5. Yêu quê hương, đất nước, yêu đồng bào, có ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và đoàn kết quốc tế.

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung của điều 15, 16, 17 và 21 trong Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cho biết về quyền được bảo vệ, chăm sóc của trẻ em, quyền được đi học, quyền vui chơi giải trí. Và trẻ em cũng có những bổn phận phải hoàn thành.

1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài

- Quyền: những điều được hưởng, được làm, được yêu cầu theo quy ước chung trong cộng đồng và theo quy định của pháp luật.

- Chăm sóc sức khỏe ban đầu: hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân ở tuyến y tế cơ sở (hướng dẫn ăn ở sạch, tiêm chủng, chữa bệnh thông thường,..).

- Công lập: do Nhà nước lập ra và cấp tiền hoạt động.

- Bản sắc: đặc điểm riêng làm cho một sự vật phân biệt với sự vật khác.

1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi

Câu 1: Trao đổi, chọn câu trả lời ở cột B phù hợp với câu hỏi ở cột A:

Hướng dẫn giải:

Câu 2:

a. Nêu những bổn phận của trẻ em được quy định trong Luật.

b. Trả lời câu hỏi: Em đã thực hiện được những bổn phận gì của trẻ em? Còn những bổn phận gì cần tiếp tục cố gắng để thực hiện.

Hướng dẫn giải:

a. Những bổn phận của trẻ em được quy  định trong điều 21:

- "Yêu quý, kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ; đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu, người khuyết tật, tàn tật, người gặp hoàn cảnh khó khăn theo khả năng của mình".

- "Chăm chỉ học tập, giữ gìn vệ sinh, rèn luyện thân thể, thực hiện trật tự công cộng và an toàn giao thông, giữ gìn của công, tôn trọng tài sản của người khác, bảo vệ môi trường".

b. Em đã thực hiện được bổn phận của trẻ em là kính trọng, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; kính trọng thầy giáo, cô giáo; lễ phép với người lớn, thương yêu em nhỏ; đoàn kết với bạn bè; giúp đỡ người già yếu.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Em hiểu nghĩa của từ trẻ em như thế nào? Chọn ý đúng nhất:

a. Trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi.

b. Trẻ từ sơ sinh đến 11 tuổi.

c. Người dưới 16 tuổi.

d. Người dưới 18 tuổi.

Hướng dẫn giải:

Chọn c là ý đúng: Người dưới 16 tuổi được xem là trẻ em. 

Câu 2: Trong các từ dưới đây, từ nào đồng nghĩa với từ trẻ em?

Trẻ, trẻ con, con trẻ, trẻ thơ, thiếu niên, nhi đồng, thiếu nhi, con nít, trẻ ranh, nhóc con, tuổi thơ, cô gái, thiếu nữ, chàng trai, thanh niên, tuổi xuân.

Hướng dẫn giải:

Những từ đồng nghĩa với trẻ em đó là: Trẻ, trẻ con, con trẻ, trẻ thơ, thiếu niên, nhi đồng, thiếu nhi, con nít, trẻ ranh, nhóc con, tuổi thơ.

Câu 3: Tìm những hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em.

Hướng dẫn giải:

Những hình ảnh so sánh đẹp về trẻ em là:

- Trẻ con như hoa mới nở.

- Trẻ em như tờ giấy trắng.

- Trẻ em là mầm non của đất nước.

- Trẻ em là tương lai của Tổ quốc...

Câu 4: Nối từng thành ngữ, tục ngữ ở cột A với nghĩa thích hợp ở cột B. Viết kết quả vào vở.

Hướng dẫn giải:

Câu 5: Nghe – viết bài thơ sau:

Trong lời mẹ hát

Tuổi thơ chở đầy cổ tích

Dòng sông lời mẹ ngọt ngào

Đưa con đi cùng đất nước

Chòng chành nhịp võng ca dao.

 

Con gặp trong lời mẹ hát

Cánh cò trắng, dải đồng xanh

Con yêu màu vàng hoa mướp

“Con gà cục tác lá chanh”.

 

Thời gian chạy qua tóc mẹ

Một màu trắng đến nôn nao

Lưng mẹ cứ còng dần xuống

Cho con ngày một thêm cao.

 

Mẹ ơi, trong lời mẹ hát

Có cả cuộc đời hiện ra

Lời ru chắp con đôi cánh

Lớn rồi con sẽ bay xa.

Trương Nam Hương

Hướng dẫn giải:

Khi viết các em cần chú ý:

- Viết đúng chính tả.

- Đặt dấu câu phù hợp.

Câu 6:

a. Chép vào vở các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn sau:

Công ước về quyền trẻ em

Công ước về quyền trẻ em là văn bản quốc tế đầu tiên đề cập toàn diện các quyền của trẻ em trên cơ sở thừa nhận trẻ em có quyền được chăm sóc, bảo vệ và giúp đỡ đặc biệt.

Việc soạn thảo Công ước được tiến hành từ năm 1979. Nhóm công tác của Liên hợp quốc đặc trách việc soạn thảo gồm đại diện của 43 nước thành viên Ủy ban nhân quyền Liên hợp quốc và một số cơ quan thuộc hệ thống Liên hợp quốc như Tổ chức Nhi đồng Liên hợp quốc., Tổ chức Lao động Quốc tế cùng khoảng 50 tổ chức phi chính phủ như  Tổ chức Quốc tế về bảo vệ trẻ em, Liên minh Quốc tế Cứu trợ trẻ em, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Cứu trợ trẻ em của Thụy Điển,…

Sau 10 năm soạn thảo, sửa đổi, ngày 20-11-1989, Công ước được Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức thông qua. Từ ngày 2-9-1990, Công ước có hiệu lực, trở thành luật quốc tế. Đến tháng 12-1996, đã có 187 quốc gia tham gia Công ước.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên của châu Á và là nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em.

Theo Vũ Ngọc Bình

b. Tên các cơ quan, tổ chức trên được viết như thế nào?

Hướng dẫn giải:

a. Tên các cơ quan, tổ chức có trong đoạn văn:

- Liên hợp quốc.

- Ủy ban / Nhân quyền / Liên hợp quốc.

- Tổ chức / Nhi đồng / Liên hợp quốc.

- Tổ chức / Quốc tế / về bảo vệ trẻ em .

- Liên minh / Quốc tế / Cứu trợ trẻ em.

- Tổ chức / Ân xá / Quốc tế.

- Tổ chức / Cứu trợ trẻ em / của Thụy Điển.

- Đại hội đồng / Liên hợp quốc.

b. Cách viết hoa:

- Viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó!

- Bộ phận thứ ba là tên địa lí nước ngoài (Thụy Điển - phiên âm theo âm Hán việt - viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên đó (viết như viết tên riêng Việt Nam).

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Đọc cho người thân nghe những thành ngữ, tục ngữ em vừa học.

Hướng dẫn giải:

a. Tre già măng mọc: Lớp trước già đi, có lớp sau thay thế.

b. Tre non dễ uốn: Dạy trẻ từ lúc còn nhỏ dễ hơn.

c. Trẻ người non dạ: Còn ngây thơ, dại dột, chưa biết suy nghĩ chín chắn.

d. Trẻ lên ba, cả nhà học nói: Trẻ lên ba đang học nói, khiến cả nhà vui vẻ nói theo.

Câu 2: Cùng người thân tìm một câu chuyện nói về việc gia đình, nhà trường và xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc trẻ em thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội.

Hướng dẫn giải:

- Câu chuyện tham khảo số 1:

Người mẹ hiền

1. Giờ ra chơi, Minh thầm thì với Nam: "Ngoài phố có gánh xiếc. Bọn mình ra xem đi!"

Nghe vậy, Nam không nén nổi tò mò. Nhưng cổng trường khóa, trốn ra sao được. Minh bảo:

- Tớ biết có một chỗ tường thủng.

2. Hết giờ ra chơi, hai em đã ở bên bức tường. Minh chui đầu ra. Nam đẩy Minh lọt ra ngoài. Đến lượt Nam đang cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới, nắm chặt hai chân em: "Cậu nào đây? Trốn học hả?" Nam vùng vẫy. Bác nắm chặt cổ chân Nam. Sợ quá, Nam khóc toáng lên.

3. Bỗng có tiếng cô giáo:

- Bác nhẹ tay kẻo cháu đau. Cháu là học sinh lớp tôi.

Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại rồi đỡ em ngồi dậy. Cô phủi đất cát lấm lem trên người Nam và đưa em về lớp.

4. Vừa đau vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào, nghiêm giọng hỏi:

- Từ nay các em có trốn học đi chơi nữa không?

Hai em cùng đáp:

- Thưa cô, không ạ. Chúng em xin lỗi cô.

Cô hài lòng, bảo hai em về chỗ, rồi tiếp tục giảng bài.

 - Câu chuyện tham khảo số 2:

Trận bóng dưới lòng đường

1. Trận đấu vừa bắt đầu thì Quang cướp được bóng. Quang bấm nhẹ bóng sang cánh phải cho Vũ. Vũ dẫn bóng lên. Bốn, năm cầu thủ đội bạn lao đến. Vũ ngần ngừ giây lát. Chợt nhận ra cánh trái trống hẳn đi, Vũ chuyền bóng cho Long. Long như chỉ đợi có vậy, dốc bóng nhanh về phía khung thành đối phương. Cái đầu húi cua của cậu bé chúi về phía trước. Bỗng một tiếng "kít... ít" làm cậu sững lại. Chỉ chút nữa thì cậu đã tông phải xe gắn máy. Bác đi xe nổi nóng làm cả bọn chạy tán loạn.

2. Nhưng chỉ được một lát, bọn trẻ hết sợ, lại hò nhau xuống lòng đường. Lần này, Quang quyết định chơi bóng bổng. Còn cách khung thành chừng năm mét, em co chân sút rất mạnh. Quả bóng vút lên, nhưng lại đi chệch lên vỉa hè và đập vào đầu một cụ già. Cụ lảo đảo, ôm lấy đầu và khuỵu xuống. Một bác đứng tuổi vội đỡ lấy cụ. Bác quát to:

- Chỗ này là chỗ chơi bóng à?

Đám học trò hoảng sợ bỏ chạy.

3. Từ một gốc cây, Quang lén nhìn sang. Bác đứng tuổi xuýt xoa, hỏi han ông cụ. Một chiếc xích lô xịch tới. Bác đứng tuổi vừa dìu ông cụ lên xe, vừa bực bội:

- Thật là quá quắt!

Quang sợ tái cả người. Bỗng cậu thấy cái lưng còng của ông cụ sao giống lưng ông nội thế. Cậu bé vừa chạy theo chiếc xích lô, vừa mếu máo:

- Ông ơi... cụ ơi...! Cháu xin lỗi cụ.

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em".

- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.

- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.

Ngày:26/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM