Tiếng Việt lớp 5 bài 33B: Em đã lớn
eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu được nội dung của bài thơ "Sang năm con lên bảy". Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng kể một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 159 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi: Nói về bản thân em.
Hướng dẫn giải:
- Năm nay em 10 tuổi.
- Em thích đọc sách, xem phim, nghe nhạc.
- Lớn lên em muốn trở thành giáo viên, dạy chữ cho các em nhỏ, trở thành người có ích cho xã hội.
- Để thực hiện được ước mơ đó, trước tiên em phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện chính mình.
- So với hồi học lớp Một, hiện tại em đã khôn lớn hơn rất nhiều, em đã tự giác hoàn thành công việc của mình mà không cần đợi bố mẹ nhắc nhở, em đã có thể giúp đỡ bố mẹ nhiều công việc trong gia đình.
- Kỉ niệm đáng nhớ nhất những ngày đầu vào lớp Một đó là: Em chưa quen với việc cả ngày ở trên trường mà không có bố mẹ bên cạnh, thế nhưng có cô giáo luôn luôn động viên, yêu thương và chăm sóc em, có bạn bè luôn ở bên cạnh nên em đã dần dần quen và cảm thấy yêu trường, yêu lớp, yêu bạn bè hơn rất nhiều.
1.2. Văn bản "Sang năm con lên bảy"
Sang năm con lên bảy
(Trích)
Sang năm con lên bảy
Cha đưa con tới trường
Giờ con đang lon ton
Khắp sân trường chạy nhảy
Chỉ mình con nghe thấy
Tiếng muôn loài với con.
Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa.
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con.
VŨ ĐÌNH MINH
1.3. Nội dung chính của văn bản
Bài thơ "Sang năm con lên bảy" mang đến cho bạn đọc những lời nhắn nhủ đầy ý nghĩa của người cha dành cho đứa con của mình, lời nhắn nhủ ấy chính là khi con lên bảy tuổi, con sẽ đi học, những truyện cổ tích và thế giới trẻ thơ sẽ nhường bước cho một thế giới mới, nhiều khó khăn nhưng cũng đầy thú vị mà tự con sẽ khám phá.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
- Lon ton: hành động nhí nhảnh, hồn nhiên.
- Đại bàng: một loài vật có cánh.
1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi
Câu 1: Những câu thơ nào cho thấy tuổi thơ rất vui và đẹp?
Hướng dẫn giải:
Những câu thơ cho thấy tuổi thơ rất vui và đẹp đó là:
- Giờ con đang lon ton/Khắp sân vườn chạy nhảy.
- Chỉ mình con nghe thấy/Tiếng muôn loài với con.
- Những câu thơ trong bài thơ "Sang năm con lên bảy" đã mở ra một bức tranh về tuổi thơ rất vui và rất đẹp, nói về ngày mai theo cách ngược lại với thế giới tuổi thơ. Trong thế giới tuổi thơ cây, gió và muôn loài đều biết nói, suy nghĩ và hành động như con người:
"Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa".
Câu 2: Thế giới tuổi thơ thay đổi như thế nào khi ta lớn?
a. Khi lớn lên, con vẫn sống trong thế giới cổ tích nhưng không còn nghe thấy tiếng của muôn loài.
b. Khi lớn lên, con sẽ sống trong đời thật, nghe tiếng mọi người nói với con.
c. Khi lớn lên, dù nhiều điều đã thay đổi thì con vẫn sống trong thế giới cổ tích kì diệu.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: b. Khi lớn lên, con sẽ sống trong đời thật, nghe tiếng mọi người nói với con.
Câu 3: Từ giã tuổi thơ, con người tìm thấy hạnh phúc ở đâu?
a. Trong đời thực, một cách khó khăn, bằng hai bàn tay mình.
b. Ở trong cuộc sống, một cách dễ dàng, bằng hai bàn tay.
c. Ở trong thế giới cổ tích, một cách dễ dàng, trong những giấc mơ
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: a. Trong đời thực, một cách khó khăn, bằng hai bàn tay mình.
Câu 4: Qua bài thơ, nhà thơ muốn nói với em điều gì?
a. Hãy sống mãi trong thế giới kì diệu của tuổi thơ.
b. Hãy từ giã, đừng tiếc nuối tuổi thơ.
c. Từ giã tuổi thơ, ta sẽ sống cuộc sống hạnh phúc thật sự do mình tạo nên.
Hướng dẫn giải:
Chọn đáp án: c. Từ giã tuổi thơ, ta sẽ sống cuộc sống hạnh phúc thật sự do mình tạo nên.
2. Hoạt động thực hành
Câu 1: Lập dàn ý chi tiết cho một trong các đề bài sau:
a. Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp.
b. Tả một người ở nơi em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ trưởng dân phố, bà cụ bán hàng,...).
c. Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc.
Hướng dẫn giải:
a. Tả cô giáo (hoặc thầy giáo) đã từng dạy em và để lại cho em nhiều tình cảm tốt đẹp:
- Mở bài: Cô giáo Hạnh là người đã để lại cho em nhiều ấn tượng sâu sắc nhất. Cô đã dạy em ở năm học lớp Bốn.
- Thân bài:
+ Ngoại hình:
- Cô đã bốn mươi tuổi.
- Dáng người cân đối, thường mặc những bộ quần áo sẫm màu.
- Làn da ngăm ngăm.
- Mái tóc điểm bạc.
- Khuôn mặt tròn phúc hậu, đã có những vết nhăn.
- Cặp mắt sâu mà sáng, thường nhìn chúng em bằng cái nhìn trìu mến.
- Khi cô mỉm cười, hàm răng trắng nõn lộ ra, ánh mắt dịu hiền khó tả.
- Đôi bàn tay xương xương, cô chấm bài nhanh thoăn thoắt.
+ Tính tình:
- Quan tâm đến học sinh.
- Giúp đỡ đồng nghiệp.
- Tận tụy với nghề.
- Tận tình dạy bảo trẻ thơ.
- Mong chúng em học giỏi thành đạt.
- Kết bài:
+ Em luôn nhớ về cô.
+ Em luôn nhớ ơn cô đã dắt dìu em khôn lớn, nên người.
+ Em ra sức học tập để xứng đáng với sự dạy bảo của cô.
b. Tả một người ở nơi em sinh sống (chú công an phường, chú dân phòng, bác tổ truờng dân phố, bà cụ bán hàng,...):
- Mở bài: Giới thiệu người em định tả: chú công an phường (Tên gì? Bao nhiêu tuổi?).
- Thân bài:
+ Tả ngoại hình:
- Vóc dáng: cao, gầy (hoặc thấp, đậm người, vạm vỡ...), nước da rám nắng, hồng hào, khoẻ mạnh.
- Khuôn mặt: cằm vuông, khuôn mặt chữ điền, mắt sáng, mũi cao.
- Phục sức: chú mặc bộ quân phục màu xanh rêu, đồng phục của công an hành chính quận. Túi áo ngực có thêu tên, ve áo đính phù hiệu cấp bậc.
+ Tả hoạt động, tính cách:
- Chú công an phường trực ban để bảo vệ an ninh trật tự của khu phố.
- Ghú hướng dẫn nhân dân các thủ tục hành chính về nhân khẩu, tạm trú, thường trú tại khu vực thuộc phường em đang sinh sống.
- Chú vui vẻ hoà nhã với nhân dân, ân cần hướng dẫn nhân dân mọi thủ tục cần thiết.
- Nhờ có chú công an, khu phố có an ninh trật tự ổn định, hạn chế được tình trạng mất trộm tài sản, gây gổ, đánh nhau.
- Kết bài: Nêu tình cảm của em đối với chú công an: biết ơn, quý mến.
c. Tả một người em mới gặp một lần nhưng để lại cho em những ấn tượng sâu sắc:
- Mở bài: Giới thiệu người em định tả: (Gặp ở đâu? Tên gì? Làm nghề gì?) cô bác sĩ của đoàn y tế khám bệnh cho dân nghèo theo công tác từ thiện của Hội Chữ thập đỏ.
- Thân bài:
+ Tả ngoại hình:
- Vóc dáng: gầy gầy, dong dỏng cao, nước da trắng hồng, nhanh nhẹn nhưng điềm đạm, từ tốn.
- Khuôn mặt: thon, hình trái xoan, mắt to và đẹp, miệng tươi, môi đỏ như son.
- Mái tóc: dài, búi gọn trong kẹp lưới thành một búi nhỏ xinh xắn. Đầu đội mũ trắng có huy hiệu của Hội Chữ thập đỏ.
- Phục sức: cô bác sĩ mặc áo choàng trắng, túi áo có thêu tên: Bác sĩ Phương. Cô mặc quần dài cũng màu trắng, Khi tiếp xúc với bệnh nhân cô mang khẩu trang y tế màu xanh, chỉ để lộ đôi mắt đẹp với hàng mi cong, thanh tú.
+ Tả hoạt động:
- Bác sĩ khám sức khoẻ cho dân nghèo: dùng ống nghe để nghe mạch tim, phổi. Cô vạch nhẹ mi mắt của bệnh nhân, hỏi han tận tình mới đọc tên thuốc cho cô y tá phụ việc ghi. Bệnh nhân cầm phiếu đi nhận thuốc ở quầy thuốc ở trạm xá.
- Bác sĩ làm việc liên tục nhưng vẫn hoà nhã, ân cần với nhân dân, dịu dàng với đồng sự và y tá phụ việc.
+ Ấn tượng với em:
- Bác sĩ rất trẻ, dịu dàng đáng mến.
- Bác sĩ từ tốn, nghiêm nghị nhưng thực lòng yêu thương dân nghèo.
- Bác sĩ không ngại việc khó, tận tình lau rửa vết thương cho em bé mười tuổi và phát thuốc.
- Kết bài:
+ Nêu tình cảm của em đối với người mới gặp: cảm phục khả năng làm việc nhanh chóng, kĩ lưỡng của bác sĩ, em có tình cảm mến mộ trước cô bác sĩ khả ái, duyên dáng, từ tâm.
+ Ước mơ khi lớn lên em cũng học ngành Y để cống hiến sức mình cho Tổ quốc.
Câu 2: Dựa theo dàn ý đã lập, trình bày miệng (trong nhóm, trước lớp) một đoạn trong bài (đoạn mở bài, đoạn kết bài, hoặc một đoạn của thân bài):
Hướng dẫn giải:
- Đoạn mở bài tham khảo cho đề tả cô giáo:
“Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con”
Giọng đọc bài thơ ấy luôn ghi sâu trong trái tim và tâm trí của tôi, đó là một giọng đọc vô cùng trầm ấm, truyền cảm của cô Dung ngày hôm ấy khi dạy bài tập đọc Sang năm con lên bảy lại thi thoảng lại vang lên trong tâm trí em. Cô Dung là cô giáo dạy em môn Tiếng Việt từ hồi lớp 4 cho tới bây giờ. Mỗi một bài giảng của cô đều khiến chúng em hiểu bài một cách sâu sắc và thêm yêu văn chương. Ở trường cô là người mà em vô cùng yêu quý, là người mẹ thứ hai của em.
- Đoạn kết bài tham khảo cho đề tả cô giáo:
Giờ đây, dù chúng em đã xa cô, xa mái trường cấp 1 thân yêu để lên học cấp 2. Chúng em mãi mãi vẫn còn nhớ như in gương mặt, dáng đi, giọng nói, tiếng cười thân yêu của cô giáo Nga ngày nào. Sau này, khi em đã khôn lớn và biết nghĩ, em càng quý, càng trân trọng tình thương cô đã dành cho chúng em, đám học trò nhỏ chưa ngoan lắm! Cô ơi, em xin hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, thật chăm và ngoan hơn để không phụ lòng mong mỏi của cô đối với chúng em.
Câu 3: Kể một câu chuyện em đã nghe hay đã đọc về việc gia đình, nhà trường và xã hội chăm sóc, giáo dục trẻ em hoặc trẻ em thực hiện bổn phận với gia đình, nhà trường và xã hội.
Hướng dẫn giải:
Người mẹ hiền
Chắc hẳn chúng ta đều đã từng được nghe câu chuyện “Người mẹ hiền”. Đó là câu chuyện mà chúng ta đã được học trong chương trình Tiếng việt lớp 2, tập một. Câu chuyện kể về hai cậu học sinh Minh và Nam trốn học đi chơi và lòng vị tha, nhân hậu của cô giáo. Câu chuyện như sau:
Giờ ra chơi, Minh thầm thì với Nam:
- Ngoài phố có gáng xiếc, tụi mình đi xem đi.
Nghe vậy, Nam không ngăn nổi sự tò mò
- Nhưng cổng trường khóa, trốn ra sao được?
Minh bảo:
- Tôi biết có một chỗ tường thủng.
Hết giờ ra chơi, hai em đã ở bên bức tường. Minh chui đầu ra, Nam đẩy Minh lọt ra ngoài. Đến lượt Nam cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới, chặt hai chân em.
Cậu nào đây, trốn học hả. Nam vùng vẫy bác càng nắm chặt cổ chân Nam hơn. Sợ quá Nam khóc toáng lên.
Bỗng có tiếng cô giáo:
- Bác nhẹ tay, kẻo cháu đau, cháu này là học sinh lớp tôi.
Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại rồi đỡ em ngồi dậy, cô phủi đất cát lấm lem trên người Nam và đưa em về lớp.
Vừa đau, vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào nghiệm giọng hỏi:
- Từ nay, các em có trốn học đi chơi nữa không?
Hai em cùng đáp:
- Thưa cô, không ạ! Chúng em xin lỗi cô.
Cô hài lòng bảo hai em về chỗ rồi tiếp tục giảng bài.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được sự bao dung, yêu thương và đầy lòng vị tha của cô giáo. Không những cô không mắng nhiếc mà còn lo lắng quan tâm cho Nam và Minh. Cô xứng đáng như một người mẹ hiền giống như tựa đề của câu chuyện vậy.
Câu 4: Thi kể chuyện trước lớp, trao đổi về nội dung, ý nghĩa câu chuyện.
Hướng dẫn giải:
Ý nghĩa của câu chuyện trên: Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được sự bao dung, yêu thương và đầy lòng vị tha của cô giáo. Không những cô không mắng nhiếc mà còn lo lắng quan tâm cho Nam và Minh. Cô xứng đáng như một người mẹ hiền giống như tựa đề của câu chuyện vậy.
3. Hoạt động ứng dụng
Câu hỏi: Kể lại cho người thân nghe câu chuyện em vừa kể ở lớp.
Hướng dẫn giải:
Chắc hẳn chúng ta đều đã từng được nghe câu chuyện “Người mẹ hiền”. Đó là câu chuyện mà chúng ta đã được học trong chương trình Tiếng việt lớp 2, tập một. Câu chuyện kể về hai cậu học sinh Minh và Nam trốn học đi chơi và lòng vị tha, nhân hậu của cô giáo. Câu chuyện như sau:
Giờ ra chơi, Minh thầm thì với Nam:
- Ngoài phố có gáng xiếc, tụi mình đi xem đi.
Nghe vậy, Nam không ngăn nổi sự tò mò
- Nhưng cổng trường khóa, trốn ra sao được?
Minh bảo:
- Tôi biết có một chỗ tường thủng.
Hết giờ ra chơi, hai em đã ở bên bức tường. Minh chui đầu ra, Nam đẩy Minh lọt ra ngoài. Đến lượt Nam cố lách ra thì bác bảo vệ vừa tới, chặt hai chân em.
Cậu nào đây, trốn học hả. Nam vùng vẫy bác càng nắm chặt cổ chân Nam hơn. Sợ quá Nam khóc toáng lên.
Bỗng có tiếng cô giáo:
- Bác nhẹ tay, kẻo cháu đau, cháu này là học sinh lớp tôi.
Cô nhẹ nhàng kéo Nam lùi lại rồi đỡ em ngồi dậy, cô phủi đất cát lấm lem trên người Nam và đưa em về lớp.
Vừa đau, vừa xấu hổ, Nam bật khóc. Cô xoa đầu Nam và gọi Minh đang thập thò ở cửa lớp vào nghiệm giọng hỏi:
- Từ nay, các em có trốn học đi chơi nữa không?
Hai em cùng đáp:
- Thưa cô, không ạ! Chúng em xin lỗi cô.
Cô hài lòng bảo hai em về chỗ rồi tiếp tục giảng bài.
Qua câu chuyện trên, chúng ta thấy được sự bao dung, yêu thương và đầy lòng vị tha của cô giáo. Không những cô không mắng nhiếc mà còn lo lắng quan tâm cho Nam và Minh. Cô xứng đáng như một người mẹ hiền giống như tựa đề của câu chuyện vậy.
4. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của bài thơ "Sang năm con lên bảy".
- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.
- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.
- Kể lại được một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32A: Em yêu đường sắt quê em
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32B: Ước mơ của em
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32C: Viết bài văn tả cảnh
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 33C: Giữ gìn những dấu câu
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 34A: Khát khao hiểu biết
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 34B: Trẻ em sáng tạo tương lai
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 34C: Nhân vật em yêu thích