Tiếng Việt lớp 5 bài 34A: Khát khao hiểu biết
eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em thấy được sự hiếu học của nhân vật Rê-mi trong văn bản "Lớp học trên đường". Từ đó, các em có thái độ học tập tốt hơn. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 165 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi: Quan sát tranh, trả lời câu hỏi:
a. Bức tranh vẽ quang cảnh ở đâu?
b. Trên mặt đất, trước mặt các nhân vật là những gì?
c. Mỗi người, mỗi con vật trong tranh đang làm gì? (Ông cụ làm gì? Con khỉ ngồi ở đâu? Cậu bé đang làm gì? Chú chó trông thế nào?)
d. Bức ảnh gợi cho em những suy nghĩ gì? (Về tình cảm của những người trong tranh, nguyện vọng được học, quyền được học của trẻ em?)
Hướng dẫn giải:
a. Bức tranh vẽ quang cảnh ở trên đường.
b. Trên mặt đất, trước mặt các nhân vật là những mảnh gỗ mỏng nhỏ được cắt vuông vức và có khắc các chữ cái lên đó.
c. Ông cụ đang dạy cậu bé học, con khỉ ngồi lên chân ông cụ, cậu bé đang học chữ cái, chú chó đang háo hức nghe những lời ông cụ nói.
d. Chúng ta có thể nhận thấy bức ảnh có một cụ già đang dạy hai em bé học chữ, đó là sự gắn bó khăng khít và thân thiết của ông lão với cậu bé và hai con vật khỉ, chó. Đồng thời cũng thấy được khát khao học tập của cậu bé, khắc phục hoàn cảnh, học tập ở bất kì đâu có thể.
1.2. Văn bản "Lớp học trên đường"
Lớp học trên đường
Cụ Vi-ta-li nhặt trên đường một mảnh gỗ mỏng, dính đầy cát bụi. Cắt mảnh gỗ thành nhiều miếng nhỏ, cụ bảo:
- Ta sẽ khắc trên mỗi miếng gỗ một chữ cái. Con sẽ học nhận mặt từng chữ, rồi ghép các chữ ấy lại thành tiếng.
Từ hôm đó, lúc nào túi tôi cũng đầy những miếng gỗ dẹp. Không bao lâu, tôi đã thuộc tất cả các chữ cái. Nhưng biết đọc là một chuyện khác. Không phải ngày một ngày hai mà đọc được.
Khi dạy tôi, thầy Vi-ta-li nghĩ rằng nghĩ rằng cùng lúc có thể dạy cả chủ chó Ca-pi để làm xiếc. Dĩ nhiên, Ca-pi không đọc lên được những chữ nó thấy vì nó không biết nói, nhưng nó biết lấy ra những chữ mà thầy tôi đọc lên.
Buổi đầu, tôi học tấn tới hơn Ca-pi nhiều. Nhưng nếu tôi thông minh hơn nó, thì nó cũng có trí nhớ tốt hơn tôi. Cái gì đã vào đầu nó rồi thì nó không bao giờ quên.
Một hôm tôi đọc sai, thầy tôi nói:
- Ca-pi sẽ biết đọc trước Rê-mi.
Con chó có lẽ hiểu nên đắc chí vẫy vẫy cái đuôi.
Từ đó, tôi không dám sao nhãng một phút nào. Ít lâu sau, tôi đọc được, trong khi con Ca-pi đáng thương chỉ biết “viết” tên nó bằng cách rút những chữ gỗ trong bảng chữ cái.
Cụ Vi-ta-li hỏi tôi:
- Bây giờ con có muốn học nhạc không?
- Đấy là điều con thích nhất. Nghe thầy hát, có lúc con muốn cười,có lúc lại muốn khóc. Có lúc tự nhiên con nhớ đến mẹ con và tưởng như đang trông thấy mẹ con ở nhà.
Bằng một giọng cảm động, thầy bảo tôi:
- Con thật là một đứa trẻ có tâm hồn.
Theo HÉC-TO MA-LÔ
1.3. Nội dung chính của văn bản
Văn bản "Lớp học trên đường" mang đến cho người đọc một câu chuyện vừa ý nghĩa vừa cảm động, cụ thể là câu chuyện kể về cụ Vi-ta-li dạy nhân vật Tôi học chữ. Tôi đã vượt qua khó khăn của việc hay quên để học và biết đọc thành thạo. Cụ muốn dạy cho Tôi cả âm nhạc nữa. Cụ khen nhân vật Tôi là đứa trẻ có tâm hồn, vì nghe hiểu được nhạc cụ chơi.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
- Ngày một ngày hai: Nhanh chóng, có kết quả ngay.
- Tấn tới: tiến bộ, đạt nhiều kết quả.
- Đắc chí: tỏ ra thích thú vì đạt được mong muốn.
- Sao nhãng: quên đi, không để tâm vào việc phải làm.
1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi
Câu 1: Trình bày những hiểu biết về tác phẩm "Không gia đình" và đoạn trích "Lớp học trên đường".
Hướng dẫn giải:
Không gia đình là tác phẩm được trẻ em và người lớn trên toàn thế giới yêu thích. Mẩu chuyện trên được trích từ tiểu thuyết Không gia đình của nhà văn Pháp Héc-to Ma-lô, viết về cuộc đời lưu lạc của chú bé Rê-mi. Bị bắt cóc và vứt ra lề đường từ lúc mới sinh, Rê-mi được một gia đình nghèo nuôi, rồi được chủ một gánh xiếc rong là cụ Vi-ta-li dìu dắt nên người. Trải qua bao thăng trầm, cuối cùng cậu đã tìm được gia đình và sống hạnh phúc bên những người ruột thịt. Đoạn trích Lớp học trên đường kể chuyện Rê-mi biết chữ nhờ khát khao học hỏi, nhờ sự dạy bảo tận tình của thầy Vi-ta-li trên quãng đường hai thầy trò đi hát rong kiếm sống.
Câu 2: Luyện đọc toàn bộ đoạn trích "Lớp học trên đường".
Hướng dẫn giải:
Khi đọc các em cần chú ý:
- Phát âm đúng chuẩn.
- Đọc to, rõ ràng và rành mạch.
- Ngắt, nghỉ phù hợp.
Câu 3: Chọn ý kiến đúng trong những ý kiến sau:
a. Rê-mi học chữ trên đường, hai thầy trò đi hát rong kiếm sống.
b. Lớp học của Rê-mi rất ngộ nghĩnh: Trò là Rê-mi và chó Ca-pi; sách là những miếng gỗ mỏng khắc chữ, học ở trên đường đi.
c. Ca-pi biết đọc những chữ mà thầy lấy ra, có trí nhớ tốt như Rê-mi.
d. Từ lúc bị thầy chê, Rê-mi đã quyết chí học nên đã biết đọc, trong khi Ca-pi chỉ biết viết tên mình bằng cách rút những chữ gỗ.
e. Rê-mi hiếu học, túi luôn đầy những miếng gỗ đẹp. Bị thầy chê cậu không một chút sao nhãng. Biết chữ cậu lại muốn học nhạc.
g. Câu chuyện cho thấy trẻ em nghèo bị bắt buộc mới thực hiện quyền học tập.
h. Truyện ca ngợi sự quan tâm giáo dục trẻ của cụ già nhân hậu Vi-ta-li và lòng khao khát học tập, hiểu biết của cậu bé nghèo Rê-mi.
Hướng dẫn giải:
Những ý kiến đúng là:
a. Rê-mi học chữ trên đường, hai thầy trò đi hát rong kiếm sống.
b. Lớp học của Rê-mi rất ngộ nghĩnh: Trò là Rê-mi và chó Ca-pi; sách là những miếng gỗ mỏng khắc chữ, học ở trên đường đi.
d. Từ lúc bị thầy chê, Rê-mi đã quyết chí học nên đã biết đọc, trong khi Ca-pi chỉ biết viết tên mình bằng cách rút những chữ gỗ.
e. Rê-mi hiếu học, túi luôn đầy những miếng gỗ đẹp. Bị thầy chê cậu không một chút sao nhãng. Biết chữ cậu lại muốn học nhạc.
h. Truyện ca ngợi sự quan tâm giáo dục trẻ của cụ già nhân hậu Vi-ta-li và lòng khao khát học tập, hiểu biết của cậu bé nghèo Rê-mi.
Câu 4: Đọc truyện theo cách phân vai.
Hướng dẫn giải:
- Luyện đọc trong nhóm theo 3 vai (người dẫn chuyện, cụ Vi-ta-li, Rê-mi). Đọc phân biệt lời các nhân vật:
+ Người dẫn chuyện: Giọng kể chậm dãi, từ tốn.
+ Lời cụ Vi-ta-li khi ôn tồn, điềm đạm; khi nghiêm khắc (lúc khen Ca-pi, tỏ ý chê Rê-mi); lúc nhân từ, cảm động (khi khen Rê-mi có tâm hồn).
+ Lời Rê-mi dịu dàng, đầy cảm xúc.
- Từng tốp 3 học sinh thi đọc theo cách phân vai trước lớp.
2. Hoạt động thực hành
Câu 1: Nhớ - viết: Sang năm con lên bảy (từ Mai rồi con lớn khôn …. Đến hết):
Mai rồi con lớn khôn
Chim không còn biết nói
Gió chỉ còn biết thổi
Cây chỉ còn là cây
Đại bàng chẳng về đây
Đậu trên cành khế nữa
Chuyện ngày xưa, ngày xửa
Chỉ là chuyện ngày xưa
Đi qua thời ấu thơ
Bao điều bay đi mất
Chỉ còn trong đời thật
Tiếng người nói với con
Hạnh phúc khó khăn hơn
Mọi điều con đã thấy
Nhưng là con giành lấy
Từ hai bàn tay con.
Hướng dẫn giải:
Khi viết các em cần chú ý:
- Viết đúng chính tả.
- Đặt dấu câu phù hợp.
- Xuống dòng đúng cách.
Câu 2: Viết vào vở tên các cơ quan, tổ chức trong đoạn văn sau cho đúng:
Ngay sau khi kí Công ước về quyền trẻ em, Chính phủ nước ta đã tổ chức Hội nghị quốc gia vì trẻ em Việt Nam, thông qua Chương trình hành động vì trẻ em 1991-2000, thành lập Uỷ ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam. Chính phủ phân công trách nhiệm cho các bộ, ngành cụ thể như sau :
- Uỷ ban bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam chỉ đạo, phối hợp hành động, tổ chức thực hiện, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chuơng trình.
- Bộ y tế tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho trẻ em.
- Bộ giáo dục và Đào tạo thực hiện các nhiệm vụ về phổ cập giáo dục tiểu học, xoá mù chữ cho trẻ em.
- Bộ lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm về chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
- Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, đoàn thể có liên quan tổ chức dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, hướng dẫn cha mẹ nuôi dạy con.
Theo VŨ NGỌC BÌNH
Hướng dẫn giải:
- Tên chưa đúng:
+ Ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Việt Nam.
+ Ủy ban / bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.
+ Bộ / y tế.
+ Bộ / giáo dục và Đào tạo.
+ Bộ / lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Hội / liên hiệp phụ nữ Việt Nam.
- Sửa lại:
+ Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.
+ Ủy ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam.
+ Bộ Y tế.
+ Bộ Giáo dục và Đào tạo.
+ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
+ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Câu 3: Viết tên một cơ quan, xí nghiệp, công ti,... ở địa phương em.
Hướng dẫn giải:
Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội, Công ti bánh kẹo Kinh Đô,...
3. Hoạt động ứng dụng
Câu hỏi: Tìm hiểu thực tế địa phương về việc gia đình, nhà trường và xã hội đã chăm sóc, bảo vệ thiếu nhi hoặc chuyện em đã tham gia công tác xã hội như thế nào.
Hướng dẫn giải:
- Hội Liên hiệp Phụ nữ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, tọa đàm, truyền thông vận động xã hội tham gia thực hiện quyền của trẻ em nhằm phát huy vai trò người bà, người mẹ trong giáo dục, chăm sóc con cháu; duy trì hoạt động của 125 câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ nuôi dạy con tốt tại cộng đồng theo nhóm đối tượng; giúp các ông bố, bà mẹ có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong việc nuôi dạy con tốt, trẻ vị thành niên được tiếp cận kiến thức với sức khỏe sinh sản, giáo dục kỹ năng sống... Sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần thực hiện tốt mục tiêu, chỉ tiêu của công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
- Đặc biệt, với mục tiêu tạo cơ hội cho mọi trẻ em được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, từng bước tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng cao, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý cho trẻ, giảm tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng cả về chiều cao, cân nặng, thời gian qua, ngành Y tế đã tăng cường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, thực hiện Chương trình bổ sung vitamin A cho trẻ em, phụ nữ sau sinh trong “Ngày vi chất dinh dưỡng”. Những năm qua, Chương trình bổ sinh vitamin A, tỷ lệ trẻ từ 06 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A đạt chỉ tiêu đề ra; chất lượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm Y tế và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em đạt yêu cầu. Trẻ khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, chỉnh hình và phục hồi chức năng; 100% trẻ dưới 06 tuổi được cấp Thẻ Bảo hiểm Y tế kịp thời; kiểm soát tốc độ tăng dân số, giảm dần tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh, đảm bảo cung ứng đủ thuốc, vắc xin, vật tư y tế.
4. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Lớp học trên đường".
- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.
- Trau dồi thêm một số từ ngữ phong phú.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32A: Em yêu đường sắt quê em
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32B: Ước mơ của em
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 32C: Viết bài văn tả cảnh
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 33A: Vì hạnh phúc trẻ thơ
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 33B: Em đã lớn
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 33C: Giữ gìn những dấu câu
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 34B: Trẻ em sáng tạo tương lai
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 34C: Nhân vật em yêu thích