Tiếng Việt lớp 5 bài 24C: Ôn tập tả đồ vật

eLib xin gửi đến các em nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em biết cách lập dàn ý cho bài văn tả đồ vật. Từ đó, các em có thể tiến hành viết một bài văn tả đồ vật hay và sáng tạo nhất. Chúc các em học tập thật tốt nhé!

Tiếng Việt lớp 5 bài 24C: Ôn tập tả đồ vật

1. Hoạt động cơ bản

Câu 1: Cùng chơi: Đoán tên đồ vật: Một em nói một vài câu miêu tả đồ vật mà mình yêu thích. Bạn cùng chơi đoán xem đó là đồ vật nào.

Hướng dẫn giải:

- Đồ vật đó là chỗ để tôi sắp xếp tất cả sách vở của mình một cách ngăn nắp -> Giá sách.

- Đồ vật đó giúp tôi mang theo sách vở, đồ dùng học tập đến trường -> Cặp sách.

- Đồ vật này có ruột màu đen, khi nào cần vẽ tranh tôi đều dùng -> Bút chì.

- Đồ vật này có hình vuông hoặc hình chữ nhật. Là thiết bị thu phát âm thanh và hình ảnh -> Cái ti vi.

- Đồ vật này rất đáng yêu, tôi thường ôm nó khi đi ngủ -> Gấu bông.

Câu 2: Đọc thầm những kiến thức cần ghi nhớ khi miêu tả đồ vật.

1. Bài văn tả đồ vật có ba phần: mở bài, thân bài và kết bài. Có thể mở bài theo kiểu trực tiếp hoặc gián tiếp và kết bài theo kiểu không mở rộng hoặc mở rộng. Trong phần thân bài, trước hết, ta tả bao quát toàn bộ đồ vật rồi đi vào tả những bộ phận có đặc điểm nổi bật.

2. Muốn miêu tả một đồ vật, phải quan sát đồ vật theo trình tự hợp lí, bằng nhiều giác quan khác nhau (mắt nhìn, tai nghe, tay sờ,…). Chú ý phát hiện những đặc điểm riêng phân biệt đồ vật này với những đồ vật khác.

3. Có thể vận dụng các biện pháp nhân hoá, so sánh,… để giúp cho bài văn sinh động, hấp dẫn hơn.

Hướng dẫn giải:

Khi đọc các em cần chú ý:

- Ghi lại những nội dung quan trọng.

- Hiểu được cách miêu tả đồ vật.

Câu 3: Lập dàn ý miêu tả một trong các đồ vật sau:

a. Cái đồng hồ báo thức.

b. Một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.

Hướng dẫn giải:

a. Dàn bài về cái đồng hồ báo thức:

- Mở bài:

+ Đây là chiếc đồng hồ báo thức mà bố tặng cho em vào dịp sinh nhật.

+ Nó là một vật dụng vô cùng thân thiết, gắn bó với em mỗi ngày.

- Thân bài:

+ Miêu tả bao quát về chiếc đồng hồ.

  • Chiếc đồng hồ có hình tròn, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn.
  • Bao quanh là một màu xanh mát mắt và láng bóng.

+ Miêu tả chi tiết chiếc đồng hồ:

  • Chiếc đồng hồ gồm có bốn phần: tay cầm, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc phía bên trong.
  • Mặt đồng hồ: Được che bởi một tấm kính. Phía bên trong có kim ngắn, kim giờ, kim giây màu đen và kim báo thức màu vàng cùng với 12 con số. Đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, âm thanh tích tắc nghe rất vui tai.
  • Vỏ ngoài: Mặt đồng hồ được một lớp vỏ ngoài màu xanh lam bao quanh.
  • Tay cầm và chân: Tay cầm là một vòng tròn cuốn cong.

+ Tác dụng của đồng hồ:

  • Đồng hồ luôn nhắc nhở em đi học đúng giờ, thực hiện mọi việc theo kế hoạch.
  • Nhắc nhở em phải biết quý trọng, không được lãng phí thời gian.

- Kết bài: Em rất thích chiếc đồng hồ, nó là người bạn nhắc nhở em mỗi ngày không được lãng phí thời gian.

b. Dàn bài tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em:

- Mở bài:

+ Đó là chiếc cặp sách mà em vô cùng yêu thích.

+ Bố tặng khi em đạt danh hiệu học sinh xuất sắc.

- Thân bài:

+ Tả bao quát:

  • Cặp hình chữ nhật, được làm bằng da thuộc.
  • Cặp mới nguyên, khổ to và dày, màu da đen bóng.
  • Loại cặp có quai xách và dây mang.

+ Tả từng bộ phận:

  • Bên ngoài: Mặt cặp mịn, mềm, sờ êm và mát tay. Nắp cặp hình chữ nhật hơi vát ở hai bên. Trên mặt cặp có in hình hai chú chó trắng đang nô đùa trên thảm cỏ xanh.
  • Hai bên cặp có hai khoá mạ kền sáng bóng. Mỗi lần mở ra đóng vào nghe “tanh tách” thật vui tai.
  • Nắp cặp có gắn một quai xách bằng nhựa cong cong như một cái cầu.
  • Bên trong: Cặp gồm ba ngăn: Ngăn thứ nhất nhỏ, em dùng để cất các dụng cụ học tập. Ngăn thứ hai và ba to hơn, em làm phòng ở cho các cô cậu sách vở. Các ngăn đều làm bằng da đen mềm và mịn.

- Kết bài: Em thích cái cặp bố mua vì đây là một kỉ niệm đánh dấu những ngày tháng học tập với sức cố gắng của em. Em sẽ giữ mãi chiếc cặp thân thương này.

Câu 4: Nói về đồ vật mà em chọn.

Hướng dẫn giải:

- Bài văn tham khảo số 1:

Mỗi lần đọc tới bài thơ này là em lại nhớ tới chiếc đồng hồ báo thức của mình. Đây là món quà mà bố tặng cho em nhân dịp sinh nhật vừa rồi. Kể từ đó đến nay nó vẫn luôn là món đồ mà em vô cùng yêu thích.

Chiếc đồng hồ có hình  tròn, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn. Đặt trên bàn học của em thì vừa xinh. Bao quanh chiếc đồng hồ là một màu xanh mát mắt và láng bóng. Mỗi lúc học tập căng thẳng và mệt mỏi em thường nhìn vào chiếc đồng hồ để càm thấy được thư giãn và thoải mái hơn rất nhiều.

Chiếc đồng hồ gồm có bốn bộ phận: Tay cầm và chân, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc bên trong. Mặt đồng hồ được che bởi một tấm kính trong. Điều này khiến cho các bộ phận bên trong được bảo quản, giữ được độ bền lại không bị dính bụi. Bên trong là hệ thống các kim và các con số. Bao gồm 4 kim. Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút hai kim này đều có màu đen. Kim giây dài hơn hai kim kia và có màu đỏ bắt mắt. Ngoài ra còn có một cái kim báo thức màu vàng, ngắn hơn một chút. Các con số có màu đen,nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ nhìn với 12 con số. Kim giây của đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, tích tắc đêm ngày nghe rất vui tai. Kim phút và kim giờ cũng chậm dãi nhích theo.

Mặt đồng hồ được bao phủ bởi lớp vỏ ngoài màu xanh lam láng bóng. Ở trên đầu còn có hai chiếc chuông màu xanh nhỏ nhắn , xinh xắn. Ở giữa hai chiếc chuông là chốt báo thức. Đường nét bên ngoài bao quanh khiến cho chiếc đồng hồ trông mềm mại hơn rất nhiều. Phía trên cùng là tay cầm của đồng hồ. Đó là một vòng tròn nhỏ được uốn cong hình cánh cung, vô cùng thuận tiện để có thể xách đi mọi nơi. Phía cuối có hai chiếc chân nhỏ, ngăn ngắn xinh xinh chìa ra hai bên giữ cho đồng hồ có thể đứng được một cách vững chắc.

Để chiếc đồng hồ có thể hoạt động được thì bên trong có chứa một bộ phận máy móc. Các nút điều khiển được nhô lên, rất tiện lợi và dễ sử dụng. Bao gồm hai vòng tròn và một chốt báo thức. Hai vòng tròn một cái là để chỉnh thời gian, một cái là để chỉnh giờ báo thức còn chốt báo thức thì để tắt hoặc mở báo thức dùng khi có như cầu. Đồng hồ được chạy bằng pin. Đây chính là nguồn năng lượng dồi dào để đồng hồ có thể chạy tích tắc đêm ngày mà không biết mệt mỏi.

Mọi bộ phận của chiếc đồng hồ đều vô cùng quan trọng, chúng góp sức để tạo nên một chiếc đồng hồ miệt mài báo thời gian là vật dụng vô cùng hữu ích cho con người. Đồng hồ chạy tích tắc luôn nhắc nhở em làm mọi thứ phải theo kế hoạch, từ ngày có nó em đã không còn để tình trạng đi học muộn xảy ra nữa. Mỗi lần nghĩ đến nó em lại càng tự nhủ phải biết quý trọng thời gian và không được lãng phí, để thời gian trôi qua một cách vô ích.

Em rất thích chiếc đồng hồ này. Không chỉ bởi vì đó là món quà mà bố tặng cho em mà còn bởi vì nó là đồ vật vô cùng ý nghĩa. Em luôn trân trọng món quà mà bố tặng cũng như biết rằng phải trân trọng thời gian. Em sẽ giữ gìn nó cẩn thận để nó được bền, đẹp và tuổi thọ cao.

Sưu tầm

- Bài văn tham khảo số 2:

Em có một cây bút máy rất đẹp, đó là món quà em được tặng.

Trên thân bút còn có hình hai bé thơ, tóc cài nơ và dòng chữ “ Bút mài nét thanh nét đậm”. Dáng hình cái bút rất xinh, thon thon dài mười ba xăng-ti-mét. Cái nắp bút có cài bằng kim loại màu vàng nổi bật thêm màu xanh cánh trả lấp lánh. Ngòi bút hình mũi giáo màu vàng, nằm trên chiếc lưỡi gà màu đen bằng nhựa cứng. Ngòi bút và lưỡi gà cắm vào cổ bút bằng kim loại , nối liền với ruột bút là ống nhựa cứng màu đen để đựng mực.

Chị gái mua cây bút này tại siêu thị với giá 25.000 đồng tặng em, nhân ngày sinh nhật em tròn tám tuổi.

Em cũng như các bạn trong lớp đều dùng mực tím của nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà. Từ ngày dùng bút máy, chữ viết của em có nét thanh nét đậm, mỗi ngày một đẹp, mang nhãn hiệu nước ngoài, nhưng không có dòng chữ “ Bút mài nét thanh nét đậm” như chiếc bút của em.

Em giữ gìn rất cẩn thận, cây bút máy. Viết xong bài, em dùng giấy lau sạch ngòi bút, nắp bút lại, đặt vào hộp bút. Em xem nó như người bạn thân thiết quý mến của mình thời thơ bé. Em thầm hứa và nói nhỏ với nó: “ Bạn thân yêu ơi! Chúng mình nỗ lực phấn đấu giành được giải cao trong hội thi Vở sạch chữ đẹp cuối năm học nhé!”.

Sưu tầm

2. Hoạt động thực hành

Câu 1: Tìm các từ ngữ để nối các vế câu trong mỗi câu ghép dưới đây:

a. Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi.

b. Chiếc xe ngựa vừa đậu lại, tôi đã nghe tiếng ông từ trong nhà vọng ra.

c. Trời càng nắng gắt, hoa giấy càng bồng lên rực rõ.

Hướng dẫn giải:

a. chưa...đã.             

b. vừa...đã.         

c. càng...càng.        

Câu 2: Chọn các cặp từ thích hợp để hoàn chỉnh các câu ghép dưới đây:

(bao nhiêu… bấy nhiêu; càng…càng…; vừa….vừa…)

a. Mưa... to, gió... thổi mạnh.

b. Trời... hửng sáng, nông dân... ra đồng.

c. Thuỷ Tinh dâng nước cao..., Sơn Tinh làm núi cao lên...

Hướng dẫn giải:

a. càng...càng.

b. vừa...đã.

c. bao nhiêu...bấy nhiêu.

Câu 3: Đặt một câu ghép có cặp từ nối các vế câu như trên và viết vào vở.

Hướng dẫn giải:

- Trời càng mưa to bao nhiêu em càng lo lắng bấy nhiêu.

- Mẹ vừa mới ra khỏi nhà anh Long đã chạy tót đi chơi.

- Cuộc sống càng khó khăn, em càng phải nỗ lực hơn nữa.

3. Hoạt động ứng dụng

Câu 1: Nói với người thân về một đồ vật mà em yêu thích

Hướng dẫn giải:

- Chiếc đồng hồ đeo tay.

- Bình nước màu hồng.

- Cây bút máy.

Câu 2: Sưu tầm tranh ảnh về cảnh đẹp đất nước để mang đến lớp.

1. Hà Nội

2. Đà Lạt

4. Tổng kết

Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:

- Lập được dàn ý cho bài văn tả đồ vật.

- Biết cách viết bài văn tả đồ vật.

- Đặt được câu ghép có sử dụng từ nối.

Ngày:24/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM