Tiếng Việt lớp 5 bài 5C: Tìm hiểu về từ đồng âm
Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được những kiến thức cơ bản về từ đồng âm. Từ đó vận dụng vào giải bài tập SGK một cách nhanh chóng và chính xác nhất. eLib mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
Câu 1.
a) Đọc truyện vui dưới đây
Tiền tiêu
Nam: - Cậu có biết không, ba mình mới chuyển sang ngân hàng làm việc đấy.
Bắc: - Sao cậu bảo bố cậu là bộ đội?
Nam: - Đúng rồi, thư trước ba mình báo tin: "Ba đang ở hải đảo." Nhưng thư này ba mình nói là ba đang giữ tiền tiêu cho Tổ quốc.
Bắc: !!!
b. Vì sao Nam tưởng ba mình đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng?
Hướng dẫn giải:
Nam tưởng ba mình đã chuyển sang làm việc tại ngân hàng là vì Nam đã nhầm lẫn từ tiêu trong cụm từ tiền tiêu (tiền để chi tiêu) với tiếng tiêu trong từ đồng âm: tiền tiêu (vị trí quan trọng, nơi có bố trí canh gác ở phía trước khu vực trú quân, hướng về phía địch)
Câu 2. Tìm hiểu về từ đồng âm
a. Trong hai câu sau có từ nào được viết giống nhau nhưng có nghĩa hoàn toàn khác nhau
- Mặt trời mọc ở đằng đông.
- Đường phố rất đông người.
b. Nêu ý nghĩa của các từ tìm được
Hướng dẫn giải:
a) Trong hai câu trên, có từ “đông” được viết giống nhau nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau.
b) Nghĩa của từng từ như sau:
- “Đông” trong câu thứ nhất: chỉ một trong 4 phương hướng chính
- “Đông” trong câu thứ hai: chỉ trường hợp nhiều người cùng tự tập lại
---> Ghi nhớ: Là từ giống nhau về âm nhưng khác hẳn nhau về nghĩa
2. Hoạt động thực hành
Câu 1. Thực hiện các yêu cầu trong phiếu học tập:
1) Nối ô có từ đồng âm được in đậm (ở ô chữ bên trái) với nghĩa thích hợp (ở ô chữ bên phải)
Hướng dẫn giải:
1 - b
2 - c
3 - a
2) Tra từ điển rồi viết nghĩa của các từ đồng âm (được in đậm) trong mỗi câu:
a) Ba và má tôi về quê thăm ngoại tôi.
b) Em tôi năm nay mới ba tuổi.
Hướng dẫn giải:
a) Ba trong ba và má có nghĩa là người thân trong gia đình, đồng nghĩa với bố, cha, tía,…
b) Ba trong ba tuổi có nghĩa là số tiếp theo số 2 trong dãy số tự nhiên
3) Viết từ đồng âm có các nghĩa dưới đây:
a) …… : chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, thường thành từng tảng, từng hòn.
b) …… : đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho xa ra hoặc làm cho tổn thương.
Hướng dẫn giải:
a) Đá: chất rắn cấu tạo nên vỏ trái đất, thường thành từng tảng, từng hòn.
b) Đá: đưa nhanh chân và hất mạnh nhằm làm cho xa ra hoặc làm cho tổn thương.
Câu 2. Đặt câu để phân biệt các từ đồng âm bàn, cờ, nước
Hướng dẫn giải:
Bàn:
- Anh em vừa mới sắm cho nhà em một bộ bàn ghế rất đẹp
(Từ bàn trong bộ bàn ghế nghĩa là một vật dụng bằng gỗ, nhôm, sắt,… có bề mặt rộng để đặt các đồ vật lên trên.)
- Mọi người bàn luận cả buổi chiều mà vẫn chưa thống nhất ý kiến của cả nhóm.
(Từ bàn trong câu có nghĩa là thảo luận, trao đổi về một vấn đề gì đó)
Cờ:
- Dưới hồ nước chú cá cờ đang đớp mồi.
(Từ cờ trong câu có nghĩa chỉ một loài cá nhỏ, thường sống trong các ao, mương, khe nước,..)
- Anh ấy là là một cao thủ chơi cờ đáng khâm phục.
(Từ cờ trong câu có nghĩa là chỉ một trò chơi, bao gồm bàn cờ và quân cờ.)
Nước:
- Trong cơ thể người nước chiếm vai trò quan trọng rất lớn
(Từ nước trong câu có nghĩa chỉ một loại chất lỏng không màu, không mùi, không vị tồn tại trong tự nhiên)
- Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước.
(Từ nước trong câu chỉ một miền đất trong đó có nhiều dân tộc cùng sống chung.
Câu 3.
Đố vui
Hai cây cùng có một tên
Cây xoè mặt nước, cây lên chiến trường
Cây này bảo vệ quê hương
Cây kia hoa nở soi gương mặt hồ.
(Là cây gì?)
(Theo Lê Như Sâm)
Hướng dẫn giải:
Đáp án là cây súng
3. Hoạt động ứng dụng
Câu 1. Tìm thêm một số từ đồng âm và ghi lại.
Đông (một mùa) - Đông (đông lạnh)
Mực (con mực) – mực ( mực bút)
Quốc (con quốc) – quốc (cái quốc)
Bánh (bánh kẹo) – bánh (bánh xe)
Ba (số ba) - ba (người sinh thành)
Thu (một mùa) - thu (thu giữ)
Nước (đất nước) – nước (nước uống)
Đồng (đồng lúa) – đồng (đồng chí)
Đường (con đường) – đường (gia vị đường)
Lợi (lợi ích) – lợi (răng lợi)
Bay (chim bay) -bay (cái bay)
Đá (hòn đá) – đá (đá bóng)
Hồ (keo dán) - hồ (chứa nước)
Đậu (thi đậu) - đậu (hạt đậu)
Lồng (lồng chim) - lồng (hoạt động)
Thu (một mùa) - thu (thu giữ)
Đất (Đất nước) - Đất (Đất sét)
Câu 2. Tìm đọc và chép 1 – 2 đoạn văn tả cảnh vào vở hoặc sổ tay học tập
Hướng dẫn giải:
Tả cảnh biển:
Buổi sáng cảnh biển thật khiến người ta cảm thấy thư thái, thoải mái. Trời còn tờ mờ sáng em đã cùng với chị gái đi dạo bên bờ biển. Từ phía xa xa, mặt trời đã thức giấc, vén mình sau những đám mây để ban phát những tia nắng xuống thế gian. Từng chú chim từ phía đằng chân trời bắt đầu bay liệng thành đàn. Bầu trời dường như cũng cao, trong và xanh hơn. Mặt biển lúc này được những tia nắng chiếu xuống, long lanh, lấp lánh như được trải một lớp bạc. Một ngày mới đã chuẩn bị bắt đầu. Trên bờ biển đã xuất hiện một vài bóng người. Em cùng chị đang đi dạo dọc bờ biển, từng con sóng thi nhau xô vào bờ, bọt trắng xóa. Nghe trong gió có hương vị mặn mòi của biển, bỗng lại cảm thấy bình yên đến kì lạ.
Tả cảnh cơn mưa
Mưa rào
Mưa đến rồi, lẹt đẹt... lẹt đẹt... mưa giáo đầu. Những giọt nước lăn xuống mái phên nứa: mưa thực rồi. Mưa ù xuống khiến cho mọi người không tưởng được là mưa lại kéo xuống chóng thế. Lúc nãy là mấy giọt lách tách, bây giờ bao nhiêu nước tuôn rào rào. Nước xiên xuống, lao xuống, lao vào trong bụi cây. Lá đào, lá na, lá sói vẫy tai run rẩy. Con gà sống ướt lướt thướt ngật ngưỡng tìm chỗ trú. Mưa xuống sầm sập, giọt ngã, giọt bay, bụi nước tỏa trắng xóa. Trong nhà bỗng tối sầm, một mùi nồng ngai ngái, cái mùi xa lạ, man mác của trận mưa mới đầu mùa. Mưa rào rào trên sân gạch. Mưa đồm độp trên phên nứa, đập bùng bùng vào lòng lá chuối. Tiếng giọt tranh đổ ồ ồ...
Nước chảy đỏ ngòm bốn bề sân, cuồn cuộn dồn vào các rãnh cống đổ xuống ao chuôm. Mưa xối nước được một lúc lâu thì bỗng trong vòm trời tối thẫm vang lên một hồi ục ục ì ầm. Tiếng sấm, tiếng sấm của mưa rào đầu mùa...
(Theo Tô Hoài)
4. Tổng kết
Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:
- Phân biệt được từ đồng âm.
- Giải bài tập SGK một cách nhanh chosnh và chính xác nhất.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 4A: Hòa bình cho thế giới
- doc Tiếng Việt lớp 5 Bài 4B: Trái đất là của chúng mình
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 4C: Cảnh vật quanh em
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 5A: Tình hữu nghị
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 5B: Đấu tranh vì hòa bình
- doc Tiếng VIệt lớp 5 bài 6A: Tự do và công lí
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 6B: Đoàn kết đấu tranh vì hòa bình
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 6C: Sông, suối, biển, hồ