Tiếng Việt lớp 5 bài 7B: Âm thanh cuộc sống

Nội dung bài học dưới đây giúp các em nắm được nội dung cơ bản bài Tập đọc: "Tiếng đàn ba - la - lai - ca trên sông Đà" và biết thêm về câu chuyện "Cây cỏ nước Nam". eLib đã biên soạn nội dung bài này bám sát chương trình SGK Tiếng Việt 5 VNEN. Mời các em tham khảo bài học dưới đây nhé, chúc các em học tập tốt.

Tiếng Việt lớp 5 bài 7B: Âm thanh cuộc sống

1. Hoạt động cơ bản 

1.1. Câu 1 trang 72 SGK VNEN Tiếng Việt 5

Quan sát bức tranh về đập thuỷ điện Hoà Bình dưới đây:

1.2. Văn bản "Tiếng đàn ba - la - lai - ca trên sông Đà"

Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà

(Trích)

Trên sông Đà

Một đêm trăng chơi vơi

Tôi đã nghe tiếng đàn Ba-la-lai-ca

Một cô gái Nga mái tóc màu hạt dẻ

Ngón tay đan trên những sợi dây đồng.

 

Lúc ấy

Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ

Chỉ còn tiếng đàn ngân nga

Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

 

Ngày mai

Chiếc đập lớn nối liền hai khối núi

Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên

Sông Đà gửi ánh sáng đi muôn ngả

Từ công trình thuỷ điện lớn đầu tiên.

                                         QUANG HUY

1.3. Nội dung chính của văn bản

Nội dung chính của bài "Tiếng đàn ba-la-lai-ca trên sông Đà" là: Hướng đến miêu tả cảnh công trường thủy điện sông Đà về đêm, cùng với cảnh ấy chính là hình ảnh khi cô gái chơi đàn ba-la-lai-ca, cảnh vật ngủ say chờ đón ngày mai thiên nhiên đổi mới, tươi đẹp hơn do bàn tay con người.

1.4. Giải thích các cụm từ khó

- Xe ben: xe tải, thùng xe có thể được điều khiển cho dốc hẳn xuống để đổ vật liệu.

- Sông Đà: sông chảy qua tỉnh Hoà Bình (trên sông này, tại khu vực thị xã Hoà Bình, các chuyên gia Liên Xô đã giúp chúng ta xây dựng một công trình thuỷ điện lớn).

- Ba-la-lai-ca: tên một loại đàn 3 dây của người Nga.

1.5. Câu hỏi và hướng dẫn giải

Câu 1. Quan sát tranh và đọc lời giải nghĩa dưới đây:


Xe ben: Xe tải, thùng xe có thể được điều khiển cho dốc hẳn xuống để đổ vật liệu.

Sông Đà: sông chảy qua tỉnh Hoà Bình (trên sông này, tại khu vực thị xã Hoà Bình, câu chuyện gia Liên Xô đã giúp chúng ta xây dựng một công trình thuỷ điện lớn)

Ba-la-lai-ca: tên một loại đàn 3 dây của người Nga.

Câu 2. Những chi tiết trong bài thơ gợi lên hình ảnh một đêm trăng rất tĩnh mịch?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết trong bài gợi tả hình ảnh đêm trăng trong bài thơ rất tĩnh mịch là:

- Cả công trường đang say ngủ cạnh dòng sông.

- Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

- Những xe ủi xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ

Câu 3. Chi tiết nào cho thấy đêm trăng rất tĩnh mịch nhưng vẫn sinh động, vẫn dạt dào sức sống?

Hướng dẫn giải:

Những chi tiết nào trong bài vừa gợi tả hình ảnh đêm trăng trên công trường vừa tĩnh mịch vừa sinh động đó là:

- Có tiếng đàn ba-la-lai-ca của cô gái Nga

- Có dòng sông lấp loáng dưới ánh trăng

- Có những sự vật được tác giả miêu tả bằng biện pháp nhân hóa: công trường say ngủ, tháp khoan bận ngẫm nghĩ, xe ủi xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ.

Những sự vật này tưởng như tĩnh lặng nhưng nhờ có phép nhân hóa, liên tưởng thú vị của tác giả mà chúng dường như cũng đang hoạt động, tồn tại cùng với tiếng đàn ba-la-lai-ca của cô gái Nga khiến cho đêm trăng trên công trường vừa tĩnh lặng lại vừa sinh động.

Câu 4. Những hình ảnh nào trong bài thơ thể hiện sự gắn bó giữa con người với thiên nhiên trong đêm trăng trên sông Đà?

Hướng dẫn giải:

“Chỉ còn tiếng đàn ngân nga

Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà”

- Đây là hình ảnh đẹp

- Thể hiện sự gắn bó, hòa quyện giữa con người với thiên nhiên, giữa ánh trăng với dòng sông.

- Tiếng đàn ngân lên, lan tỏa… vào dòng sông lúc này như một “dòng trăng” lấp loáng

Câu 5. Tìm những câu thơ sử dụng biện pháp nhân hoá. Nêu tác dụng của biện pháp nhân hoá trong việc tả cảnh.

Hướng dẫn giải:

Những câu sử dụng biện pháp nhân hóa là:

Cả công trường đang say ngủ cạnh dòng sông

Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ

Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ

Biển sẽ nằm bỡ ngỡ giữa cao nguyên

Sông Đà chia ánh sáng đi muôn ngả

Tác dụng:

Việc sử dụng biện pháp nhân hóa trong bài có  tác dụng gợi tả hình ảnh sinh động, gần gũi với con người, khiến cho những sự vật trong bài như xe ben, xe ủi, tháp khoan,… những vật cồng kềnh xa lạ bỗng trở nên gần gũi như con người. Đồng thời chúng cũng khiến cho đêm trăng trên sông đà vừa mang sự tĩnh mịch lại vừa gợi sự sinh động.

2. Hoạt động thực hành

Câu 1.

Đọc bài văn sau và trả lời các câu hỏi:

Vịnh Hạ Long

Vịnh Hạ Long là một thắng cảnh có một không hai của đất nước Việt Nam.

Cái đẹp của Hạ Long trước hết là sự kì vĩ của thiên nhiên. Trên một diện tích hẹp mọc lên hàng nghìn đảo nhấp nhô khuất khúc như rồng chầu phượng múa. Đảo có chỗ sừng sững chạy dài như bức tường thành vững chãi, ngăn khơi với lộng, nối mặt biển với chân trời. Có chỗ đảo dàn ra thưa thớt, hòn này với hòn kia biệt lập, xa trông như quân cờ bày chon von trên mặt biển. Tùy theo sự phân bố của đảo, mặt vịnh Hạ Long lúc tỏa mênh mông, lúc thu hẹp lại thành ao, thành vũng, lúc bị kẹp giữa hai triền đảo như một dòng suối, lúc uốn quanh chân đảo như dải lụa xanh.

Thiên nhiên Hạ Long chẳng những kì vĩ mà còn duyên dáng. Nét duyên dáng của Hạ Long chính là cái tươi mát của sóng nước, cái rạng rỡ của đất trời. Sóng nước Hạ Long quanh năm trong xanh. Đất trời Hạ Long bốn mùa sáng nắng. Bốn mùa Hạ Long mang trên mình một màu xanh đằm thắm: xanh biếc của biển, xanh lam của núi, xanh lục của trời. Màu xanh ấy như trường cửu, lúc nào cũng bát ngát, cũng trẻ trung, cũng phơi phới.

Tuy bốn mùa là vậy, nhưng mỗi mùa Hạ Long lại có những nét riêng biệt, hấp dẫn lòng người. Mùa xuân của Hạ Long là mùa sương và cá mực. Mùa hè của Hạ Long là mùa mùa gió nồm nam và cá ngừ, cá vược. Mùa thu của Hạ Long là mùa trăng biển và tôm he… Song quyến rũ hơn cả vẫn là mùa hè của Hạ Long. Những ngày hè đi bên bờ biển Hạ Long ta có cảm giác như đi trước cửa gió. Ngọn gió lúc êm ả như ru, lúc phần phật như quạt, mang cái trong lành, cái tươi mát của đại dương vào đất liền, làm sảng khoái tâm hồn ta. Trong tiếng gió thổi, ta nghe tiếng thông reo, tiếng sóng vỗ, tiếng ve ran và cả tiếng máy, tiếng xe, tiếng cần trục từ trên các tầng than, bến cảng vòng lại. Những âm thanh của sự sống trăm ngả tụ về, theo gió ngân lên vang vọng.

Núi non, sóng nước tươi đẹp của Hạ Long là một bộ phận của non sông Việt Nam gấm vóc mà nhân dân ta đời nọ tiếp đời kia mãi mãi giữ gìn.

Theo Thi Sảnh

- Kì vĩ: lớn lao lạ thường

- Khơi: vùng biển xa bờ

- Lộng: vùng biển gần bờ

a) Xác định phần mở bài, thân bài, kết bài của bài văn trên.

b) Phần thân bài gồm có mấy đoạn? Mỗi đoạn miêu tả những gì?

c) Những câu in đậm có vai trò gì trong mỗi đoạn văn và trong cả bài?

Hướng dẫn giải:

a. Các phần mở bài, thân bài và kết bài của đoạn văn trên là:

  • Mở bài: Từ "Vịnh Hạ Long là một .... đất nước Việt Nam".

  • Thân bài: Từ "Cái đẹp của Hạ Long .... ngân lên vang vọng".

  • Kết bài: Từ "Núi non, sóng nước .... mãi mãi giữ gìn".

b. Phần thân bài gồm 3 đoạn. Mỗi đoạn miêu tả một đặc điểm của cảnh Hạ Long

- Đoạn 1: từ "Cái đẹp của Hạ Long ... dải lụa xanh."

=> Đoạn văn tả sự kì vĩ của thiên nhiên đã làm nên vẻ đẹp độc đáo của Vịnh Hạ Long.

- Đoạn 2: "Thiên nhiên Hạ Long ... cũng phơi phới".

=> Miêu tả vẻ đẹp duyên dáng của Hạ Long.

- Đoạn 3: "Tuy bốn mùa … ngân lên vang vọng."

=> Miêu tả những nét riêng biệt và hấp dẫn lòng người qua mỗi mùa của Hạ Long.

c. Các câu văn in đậm có vai trò mở đầu mỗi đoạn, là câu chủ đề của toàn đoạn có ý nghĩa bao trùm cả đoạn văn.

Câu 2. Chọn câu mở đoạn cho sẵn phù hợp với đoạn văn sau:

[...] Phần phía nam của dải Trường Sơn nằm ở đây với nhiều ngọn núi cao từ 2000 đến 2600 mét, quanh năm mây trắng phủ đầu. Bên những chóp núi cao là những thảm rừng dày. Có nhiều khu rừng nguyên sinh từ bao đời nay chưa in dấu chân người.

- Câu mở đoạn:

a. Tây Nguyên là miền đất núi non điệp trùng.

b. Tây Nguyên có núi cao chất ngất, có rừng cây đại ngàn.

c. Đến với Tây Nguyên là đến với mảnh đất của những cánh rừng hoang sơ.

Hướng dẫn giải:

Câu mở đầu phù hợp nhất cho đoạn văn trên là:

Đáp án: b. Tây Nguyên có núi cao chất ngất, có rừng cây đại ngàn.

Ta được đoạn văn hoàn chỉnh là:

Tây Nguyên có núi cao chất ngất, có rừng cây đại ngàn. Phần phía nam của dải Trường Sơn nằm ở đây với nhiều ngọn núi cao từ 2000 đến 2600 mét, quanh năm mây trắng phủ đầu. Bên những chóp núi cao là những thảm rừng dày. Có nhiều khu rừng nguyên sinh từ bao đời nay chưa in dấu chân người.

Câu 3.

Viết câu mở đoạn cho đoạn văn trên theo ý của riêng em:

Hướng dẫn giải:

Nói đến Tây Nguyên ắt hẳn ai cũng sẽ nghĩ ngay đến một vùng núi cao với những cánh rừng xanh bạt ngàn. Phần phía nam của dải Trường Sơn nằm ở đây với nhiều ngọn núi cao từ 2000 đến 2600 mét, quanh năm mây phủ trắng đầu. Bên những chóp núi cao là những thảm rừng dày. Có nhiều khu nguyên sinh từ bao đời nay chưa in dấu chân người.

Câu 4.

Nghe thầy cô kể chuyện Cây cỏ nước Nam

Nội dung câu chuyện:

Cây cỏ nước Nam

Nguyễn Bá Tĩnh, tức Tuệ Tĩnh, là một danh y đời Trần. Một lần, ông dẫn các học trò đi ngược vùng Phả Lại để lên núi Nam Tào, Bắc Đẩu, hai ngọn núi cao uy nghi sừng sững đối mặt với một vùng sông nước hiểm trở. Dọc hai bên đường lên núi là những bụi sâm nam lá xòe như những bàn tay, những bụi cây đinh lăng lá xanh mướt, những bụi cam thảo nam leo vướng vít cả mặt đường.

Dừng chân bên sườn núi, ông trầm ngâm nói với học trò:

- Ta đưa các con đến đây để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.

Vài học trò xì xào:

- Chắc hẳn là điều gì cao siêu lắm nên thầy mới phải nung nấu lâu như thế.

Nguyễn Bá Tĩnh lắc đầu:

- Điều ta sắp nói với các con không cao như núi Thái Sơn, cũng chẳng xa như biển Bắc Hải mà ở gần trong tầm tay, ở ngay dưới chân các con đó.

Tất cả học trò đều im lặng, duy có người trưởng tràng kính cẩn hỏi:

- Thưa thầy, điều thầy định nói với chúng con có phải là cây cỏ dưới chân…

- Phải, ta muốn nói về ngọn cây và sợi cỏ mà hằng ngày các con vẫn giẫm lên… Chúng chính là một đội quân hùng mạnh góp vào với các đạo hùng binh của các bậc thánh nhân như Hưng Đạo Vương đánh tan giặc Nguyên xâm lược.

Rồi ông từ tốn kể:

- Ngày ấy, giặc nguyên nhòm ngó nước ta. Vua quan nhà Trần lo việc phòng giữ bờ cõi rất cẩn thận. Bên cạnh việc luyện tập dân bình, triều đình còn cắt cử người đôn đốc rèn vũ khí, chuẩn bị voi ngựa, lương thực, thuốc men,… Song, từ lâu nhà Nguyên đã cấm chở thuốc men, vật dụng xuống bán cho người Nam. Khi giáp trận tất có người bị thương và đau ốm lấy gì cứu chữa? Không chậm trễ, các thái y đã tỏa đi khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh của dân gian bằng cây cỏ bình thường.Từ đó, vườn thuốc được lập ở khắp nơi. Núi Nam Tào và Bắc Đẩu chính là hai ngọn dược sơn của các vua Trần xưa. Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho những đạo binh thêm hùng hậu, bền bỉ, khỏe mạnh, can trường trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù mạnh hơn mình hàng chục lần, đông hơn mình hàng trăm lần…

Kể đến đây, Nguyễn Bá Tĩnh chậm rãi nói thêm:

- Ta càng nghĩ càng thêm quý từng ngọn cây, từng sợi cỏ của non sông gấm vóc tổ tiên để lại. Ta định nối gót người xưa để từ nay về sau dân ta có thể dùng thuốc nam chữa cho người Nam. Ta nói để các con biết ý nguyện của ta.

Theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến bây giờ, hàng trăm vị thuốc đã được lấy từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc đã được tổng hợp từ phương thuốc dân gian để trị bệnh cứu người.

Hướng dẫn giải:

Các em chủ động nghe thầy cô kể chuyện: Cây cỏ nước nam

Câu 5. Dựa vào các tranh và lời thuyết minh dưới tranh, mỗi em hãy kể lại một đoạn của câu chuyện.

- Tranh 1: Danh y Tuệ Tĩnh dẫn học trò lên núi để nói về điều ông đã nung nấu từ lâu

- Tranh 2: Ngày ấy, giặc Nguyên nhòm ngó nước ta. Nhà Trần phải lo phòng giữ bờ cõi.

- Tranh 3: Nhà Nguyên từ lâu cấm chở thuốc men, vật dụng sang bán cho người Nam ta…

- Tranh 4: Các thái y của ta toả đi khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh trong dân gian

- Tranh 5: Cây cỏ nước Nam đã góp phần làm cho các đạo binh của ta thêm hùng hậu…

- Tranh 6: Tuệ Tĩnh nói với học trò về ý nguyện nối gót người xưa của mình.

Hướng dẫn giải:

- Tranh 1:

+ Ông Nguyễn Tuệ Tĩnh, tức danh y Tuệ Tĩnh, từng đỗ tiến sĩ đệ nhị bảng nhưng không ra làm quan mà ở nhà theo đuổi nghề y. Một hôm, ông dẫn các học trò lên hai ngọn núi Nam Tào và Bắc Đẩu. Dọc đường lên núi là những bụi sâm nam, đinh lăng và cam thảo, ông chỉ vào những bụi cây ấy và nói:

+ Ta đưa các con đến đây để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.

+ Hoá ra điều mà Tuệ Tĩnh vốn nung nấu bao lâu chính là về những cây cỏ ngay dưới chân của mình và học trò.

- Tranh 2:

+ Rồi ông kể lại cho các học trò của mình nghe câu chuyện ngày xưa: Hồi ấy, giặc Nguyên (còn gọi là giặc Thát) đem quân xâm lược nước ta. Vua quan nhà Trần lo luyện tập võ nghệ chuẩn bị kháng chiến bảo vệ giang sơn bờ cõi của mình

- Tranh 3:

+ Một điều làm cho vua quan nhà Trần hết sức lo lắng. Đó là việc nhà Nguyên cấm chở thuốc men vật dụng xuống bán cho người Nam.

- Tranh 4:

Có Để có thuốc chữa bệnh cho binh lính bị thương và đau ốm, vua sai các Thái y tỏa di khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh của dân gian bằng cây cỏ bình thường. Từ đó vườn thuốc được lập ở khắp nơi. Núi Nam Tào và Bắc Đẩu là hai ngọn núi dược sơn của các vua Trần xưa. Nhờ chủ trương ấy mà nơi nơi đều có những vườn thuốc Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến

- Tranh 5:

+ Những vườn thuốc ấy đã giúp ích rất nhiều trong việc chữa trị cho binh lính khi bị thương hoặc đau yếu

- Tranh 6:

+ Kể đến đó, danh y dừng lại một lúc rồi chậm rãi nói: - Ta càng nghĩ, càng thêm quí yêu từng ngọn cây đọt cỏ mà tổ tiên ta để lại. Ta định nối gót người xưa để từ nay về sau dân ta có thể dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam ta. Đó chính là ý nguyện của ta mà hôm nay ta dẫn các con lên hai ngọn núi này.

+ Theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến bây giờ, hàng trăm vị thuốc đã được lấy từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc đã được tổng hợp từ phương thuốc dân gian để trị bệnh cứu người.

Câu 6.

Kể tóm tắt câu chuyện Cây cỏ nước Nam

Hướng dẫn giải:

Ông Nguyễn Tuệ Tĩnh, tức danh y Tuệ Tĩnh, từng đỗ tiến sĩ đệ nhị bảng nhưng không ra làm quan mà ở nhà theo đuổi nghề y. Một hôm, ông dẫn các học trò lên hai ngọn núi Nam Tào và Bắc Đẩu. Dọc đường lên núi là những bụi sâm nam, đinh lăng và cam thảo, ông chỉ vào những bụi cây ấy và nói:

- Ta đưa các con đến đây để nói cho các con biết rõ điều mà ta suy nghĩ nung nấu từ mấy chục năm nay.

Hoá ra điều mà Tuệ Tĩnh vốn nung nấu bao lâu chính là về những cây cỏ ngay dưới chân của mình và học trò.

Rồi ông kể lại cho các học trò của mình nghe câu chuyện ngày xưa: Hồi ấy, giặc Nguyên (còn gọi là giặc Thát) đem quân xâm lược nước ta. Vua quan nhà Trần lo luyện tập võ nghệ chuẩn bị kháng chiến bảo vệ giang sơn bờ cõi của mình.

Một điều làm cho vua quan nhà Trần hết sức lo lắng. Đó là việc nhà Nguyên cấm chở thuốc men vật dụng xuống bán cho người Nam.

Có Để có thuốc chữa bệnh cho binh lính bị thương và đau ốm, vua sai các Thái y tỏa di khắp mọi miền quê học cách chữa bệnh của dân gian bằng cây cỏ bình thường. Từ đó vườn thuốc được lập ở khắp nơi. Núi Nam Tào và Bắc Đẩu là hai ngọn núi dược sơn của các vua Trần xưa. Nhờ chủ trương ấy mà nơi nơi đều có những vườn thuốc Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến

Những vườn thuốc ấy đã giúp ích rất nhiều trong việc chữa trị cho binh lính khi bị thương hoặc đau yếu

Kể đến đó, danh y dừng lại một lúc rồi chậm rãi nói: - Ta càng nghĩ, càng thêm quí yêu từng ngọn cây đọt cỏ mà tổ tiên ta để lại. Ta định nối gót người xưa để từ nay về sau dân ta có thể dùng thuốc Nam để chữa bệnh cho người Nam ta. Đó chính là ý nguyện của ta mà hôm nay ta dẫn các con lên hai ngọn núi này.

Theo con đường của danh y Tuệ Tĩnh, cho đến bây giờ, hàng trăm vị thuốc đã được lấy từ cây cỏ nước Nam, hàng nghìn phương thuốc đã được tổng hợp từ phương thuốc dân gian để trị bệnh cứu người.

Câu 7.

a) Thi kể chuyện trước lớp (kể tóm tắt)

Đại diện các nhóm kể tóm tắt câu chuyện trước lớp

b) Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện

- Câu chuyện ca ngợi điều gì ở danh y Nguyễn Bá Tĩnh?

- Câu chuyện nhắc nhở chúng ta điều gì?

Hướng dẫn giải:

b. 

Ý nghĩa câu chuyện:

- Câu chuyện ca ngợi danh y Tuệ Tĩnh có tài và đức to lớn một thầy thuốc nổi tiếng, yêu nước thương dân, tâm huyết với nghề.

- Nhắc nhở chúng ta về giá trị to lớn của cây cỏ nước Nam, thiên nhiên luôn đem đến cho con người những điều tốt đẹp. Cây cỏ nước Nam mang lại cho chúng ta bao điều quý giá, chúng ta nên giữ gìn và phát triển chúng.

3. Hoạt động ứng dụng

Hỏi người thân về một số cây thuốc nam và công dụng của chúng

Hướng dẫn giải:

- Cây nha đam chứa nhiều vitamin A, B, C, E, chất chống oxy hóa và các chất chống viêm giúp phòng và hạn chế viêm khớp. Nhiều thông tin cho rằng có thể dùng cây nha đam chữa bệnh khớp, thực tế việc dùng nha đam (chủ yếu dưới hình thức bôi ngoài da, tác động vào vùng sưng viêm) chỉ có công dụng nhất thời kháng viêm giảm đau, không thể chữa dứt điểm bệnh.

- Lá lốt: Chữa đau nhức xương khớp, bệnh phụ khoa, chữa đổ mồ hôi nhiều ở tay chân, bệnh tổ đỉa ở bàn tay, đau răng, viêm xoang...

- Tỏi điều trị các bệnh cảm lạnh.

- Mầm tỏi giúp phòng chống bệnh ung thư.

- Cây đinh lăng: thông huyết mạch, bồi bổ khí huyết, lá có vị đắng, tính mát có tác dụng giải độc thức ăn, chống dị ứng, chữa ho ra máu, kiết lỵ…

- Cây diệp hạ châu hỗ trợ điều trị các bệnh về gan. 

- Bạc hà: chữa trị cảm cúm và các vết côn trùng cắn, giúp lợi tiêu hóa, chữa chứng đầy hơi, thấp khớp, nấc cục, thông cổ, trị viêm xoang nhẹ…

- Thì là: bổ thận, mạnh tỳ, tiêu trướng, trị đau bụng, mụn nhọt sưng tấy, mất ngủ và đau răng.

4. Tổng kết

Qua bài học này các em cần nắm một số nội dung chính sau:

- Nắm được nội dung cơ bản bài Tập đọc: "Tiếng đàn ba - la - lai - ca trên sông Đà".

- Hiểu biết thêm về câu chuyện "Cây cỏ nước Nam"

- Vận dụng giải những bài tập SGK.

Ngày:10/11/2020 Chia sẻ bởi:

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM