Tiếng Việt lớp 5 bài 25B: Không quên cội nguồn
Nội dung bài học dưới đây nhằm giúp các em hiểu hơn về cửa sông - đây là nơi giao lưu giữa đất liền, núi non với biển cả. Đồng thời, bài học này còn giúp các em rèn luyện kĩ năng kể chuyện. Mời các em cùng tham khảo nhé!
Mục lục nội dung
1. Hoạt động cơ bản
1.1. Giải câu 1 trang 79 SGK VNEN Tiếng Việt lớp 5
Câu hỏi: Quan sát bức tranh và trả lời câu hỏi bên dưới:
a. Bức tranh vẽ cảnh gì? Mỗi em nói một câu về vẻ đẹp của cảnh trong tranh.
b. Em hiểu cửa sông nghĩa là gì?
Hướng dẫn giải:
a. Nhận xét bức tranh:
- Bức tranh vẽ cảnh thiên nhiên sông nước và hoạt động của con người ở vùng cửa sông.
- Một vài câu nói về vẻ đẹp của cảnh trong tranh:
+ Dòng sông hiền hoà và êm đềm.
+ Thuyền bè tấp nập bên bờ.
+ Con người bận rộn với những hoạt động của riêng mình.
b. Cửa sông là nơi sông chảy ra biển, hồ hoặc một dòng sông khác.
1.2. Văn bản "Cửa sông"
Cửa sông
(Trích)
Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ.
Nơi những dòng sông cần mẫn
Gửi lại phù sa bãi bồi
Để nước ngọt ùa ra biển
Sau cuộc hành trình xa xôi.
Nơi biển tìm về với đất
Bằng con sóng nhớ bạc đầu
Chất muối hòa trong vị ngọt
Thành vũng nước lợ nông sâu.
Nơi cá đối vào đẻ trứng
Nơi tôm rảo đến búng càng
Cần câu uốn cong lưỡi sóng
Thuyền ai lấp lóa đêm trăng.
Nơi con tàu chào mặt đất
Còi ngân lên khúc giã từ
Cửa sông tiễn người ra biển
Mây trắng lành như phong thư.
Dù giáp mặt cùng biển rộng
Cửa sông chẳng dứt cội nguồn
Lá xanh mỗi lần trôi xuống
Bỗng… nhớ một vùng núi non
QUANG HUY
1.3. Nội dung chính của văn bản
Văn bản "Cửa sông" mang đến cho người đọc những kiến thức về cửa sông - một nơi rất quan trọng của đất nước. Chúng ta có thể hiểu cửa sông là một nơi rất đặc biệt vì có nước từ biển hòa cùng nước sông tạo thành vùng nước lợ, cho tôm cá phong phú, cuộc sống ấm no. Cửa sông là nơi giao lưu giữa đất liền, núi non với biển cả.
1.4. Giải thích các cụm từ khó trong bài
- Cửa sông: Nơi sông chảy ra biển, hồ hoặc một dòng sông khác.
- Bãi bồi: khoảng đất bồi ven sông, ven biển.
- Nước ngọt: nước không bị nhiễm mặn.
- Sóng bạc đầu: sóng lớn, ngọn sóng có bọt tung trắng xóa.
- Nước lợ: Nước pha trộn giữa nước ngọt và nước mặt thường có ở vùng cửa sông giáp biển.
- Tôm rảo: Một loài tôm sống ở vùng nước lợ, thân nhỏ và dài.
1.5. Thảo luận và trả lời các câu hỏi
Câu 1: Trong khổ thơ đầu, tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi sông chảy ra biển? Cách giới thiệu ấy có gì hay?
Hướng dẫn giải:
Để nói về nơi sông chảy ra biển, tác giả đã dùng những từ: cửa, không then khóa, không khép lại, mở ra:
Là cửa nhưng không then khóa
Cũng không khép lại bao giờ
Mênh mông một vùng sóng nước
Mở ra bao nỗi đợi chờ
Trong khổ thơ đầu tác giả đã giới thiệu về cửa sông vô cùng đặc biệt, thu hút được người đọc, cụ thể là cách giới thiệu ấy đã được tác giả đã khéo léo sử dụng biện pháp chơi chữ. Mượn cái tên “cửa sông” để chơi chữ. Cửa sông cũng là một cái cửa nhưng lại không giống những cái cửa bình thường khác. Cái cửa đó không có then cũng chẳng có khóa. Lại chẳng khép lại bao giờ, giữa mênh mông muôn trùng sóng nước mở ra bao nhiêu nỗi niềm riêng.
Câu 2: Dựa vào nội dung bài thơ, hãy nói tiếp để hoàn thành câu.
- Cửa sông là nơi những dòng sông cần mẫn …
- Nơi nước ngọt ... Nơi biển ….
- Nơi nước ngọt của những con sông và nước mặn của biển cả … Nơi cá tôm …
- Nơi những chiếc thuyền câu …
- Nơi những con tàu …
- Nơi tiễn …
Hướng dẫn giải:
- Cửa sông là nơi những dòng sông cần mẫn gửi phù sa bồi đắp bãi bờ.
- Nơi nước ngọt chảy vào biển rộng. Nơi biển tìm về với đất.
- Nơi nước ngọt của những con sông và nước mặn của biển cả hoà vào nhau thành vùng nước lợ. Nơi cá tôm hội tụ.
- Nơi những chiếc thuyền câu lấp loá đêm trăng.
- Nơi những con tàu kéo càu giã từ mặt đất.
- Nơi tiễn đưa người ra khơi.
Câu 3: Phép nhân hoá ở khổ thơ cuối giúp tác giả nói lên điều gì về “tấm lòng” của cửa sông đối với cội nguồn?
Hướng dẫn giải:
- Phép nhân hóa ở cuối bài cho thấy “Tấm lòng” của cửa sông không quên cội nguồn.
- Câu thơ cuối bài sử dụng biện pháp nhân hóa, sử dụng những hành động của con người để gán cho các sự vật trong bài: giáp mặt, chẳng dứt, nhớ.
2. Hoạt động thực hành
Câu 1: Chọn và viết bài văn miêu tả theo một trong những đề bài dưới đây:
- Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.
- Tả một đồ vật hoặc món quà có ý nghĩa sâu sắc với em.
Hướng dẫn giải:
- Bài tham khảo số 1:
Mỗi lần đọc tới bài thơ này là em lại nhớ tới chiếc đồng hồ báo thức của mình. Đây là món quà mà bố tặng cho em nhân dịp sinh nhật vừa rồi. Kể từ đó đến nay nó vẫn luôn là món đồ mà em vô cùng yêu thích.
Chiếc đồng hồ có hình tròn, dáng nhỏ nhắn, xinh xắn. Đặt trên bàn học của em thì vừa xinh. Bao quanh chiếc đồng hồ là một màu xanh mát mắt và láng bóng. Mỗi lúc học tập căng thẳng và mệt mỏi em thường nhìn vào chiếc đồng hồ để càm thấy được thư giãn và thoải mái hơn rất nhiều.
Chiếc đồng hồ gồm có bốn bộ phận: Tay cầm và chân, vỏ ngoài, mặt đồng hồ và bộ phận máy móc bên trong. Mặt đồng hồ được che bởi một tấm kính trong. Điều này khiến cho các bộ phận bên trong được bảo quản, giữ được độ bền lại không bị dính bụi. Bên trong là hệ thống các kim và các con số. Bao gồm 4 kim. Kim ngắn chỉ giờ, kim dài chỉ phút hai kim này đều có màu đen. Kim giây dài hơn hai kim kia và có màu đỏ bắt mắt. Ngoài ra còn có một cái kim báo thức màu vàng, ngắn hơn một chút. Các con số có màu đen,nhỏ nhắn, xinh xắn, dễ nhìn với 12 con số. Kim giây của đồng hồ chạy miệt mài ngày đêm, tích tắc đêm ngày nghe rất vui tai. Kim phút và kim giờ cũng chậm dãi nhích theo.
Mặt đồng hồ được bao phủ bởi lớp vỏ ngoài màu xanh lam láng bóng. Ở trên đầu còn có hai chiếc chuông màu xanh nhỏ nhắn , xinh xắn. Ở giữa hai chiếc chuông là chốt báo thức. Đường nét bên ngoài bao quanh khiến cho chiếc đồng hồ trông mềm mại hơn rất nhiều. Phía trên cùng là tay cầm của đồng hồ. Đó là một vòng tròn nhỏ được uốn cong hình cánh cung, vô cùng thuận tiện để có thể xách đi mọi nơi. Phía cuối có hai chiếc chân nhỏ, ngăn ngắn xinh xinh chìa ra hai bên giữ cho đồng hồ có thể đứng được một cách vững chắc.
Để chiếc đồng hồ có thể hoạt động được thì bên trong có chứa một bộ phận máy móc. Các nút điều khiển được nhô lên, rất tiện lợi và dễ sử dụng. Bao gồm hai vòng tròn và một chốt báo thức. Hai vòng tròn một cái là để chỉnh thời gian, một cái là để chỉnh giờ báo thức còn chốt báo thức thì để tắt hoặc mở báo thức dùng khi có như cầu. Đồng hồ được chạy bằng pin. Đây chính là nguồn năng lượng dồi dào để đồng hồ có thể chạy tích tắc đêm ngày mà không biết mệt mỏi.
Mọi bộ phận của chiếc đồng hồ đều vô cùng quan trọng, chúng góp sức để tạo nên một chiếc đồng hồ miệt mài báo thời gian là vật dụng vô cùng hữu ích cho con người. Đồng hồ chạy tích tắc luôn nhắc nhở em làm mọi thứ phải theo kế hoạch, từ ngày có nó em đã không còn để tình trạng đi học muộn xảy ra nữa. Mỗi lần nghĩ đến nó em lại càng tự nhủ phải biết quý trọng thời gian và không được lãng phí, để thời gian trôi qua một cách vô ích.
Em rất thích chiếc đồng hồ này. Không chỉ bởi vì đó là món quà mà bố tặng cho em mà còn bởi vì nó là đồ vật vô cùng ý nghĩa. Em luôn trân trọng món quà mà bố tặng cũng như biết rằng phải trân trọng thời gian. Em sẽ giữ gìn nó cẩn thận để nó được bền, đẹp và tuổi thọ cao.
Sưu tầm
- Bài tham khảo số 2:
Năm nay em đã lên lớp Năm. Do em phải học bài và làm nhiều bài tập về nhà, bố mẹ đã sắp xếp cho em một góc học tập ngăn nắp, thoáng mát. Đặc biệt hơn cả là cái bàn học xinh xắn đặt kề cửa sổ nhìn ra vườn cây xanh rợp bóng.
Bàn được làm bằng gỗ tạp, chưa phải là gỗ tốt nhưng nhờ được đánh véc-ni nên rất bóng loáng, cùng màu nâu sẫm như ghế và giá sách. Bàn có kích thước nhỏ sinh vừa đủ cho một học sinh lớp 4 như em ngồi cân đối trong chiếc bàn.
Mặt bàn hình chữ nhật, bề dài đúng một sải tay em, bề rộng vừa đủ ba gang, hơi xuôi về phía em đặt ghế, tạo tư thế thoải mái khi em ngồi viết. Độ bóng của véc-ni càng làm nổi rõ những đường vân gỗ rất đẹp. Mép bàn phía trước có một đường rảnh dài, lõm xuống giúp em đựng bút, thước, tẩy... khỏi bị lăn xuống theo độ dốc của bàn. Bên dưới mặt bàn là một ngăn hộc khá rộng, em có thể kéo ra đóng vào dễ dàng khi nắm vào cái tay cầm bằng sắt. Trong ngăn hộc này, em đựng dụng cụ học môn kĩ thuật, bộ đò dùng học toán, nhiều hộp phấn viết bảng trắng lẫn màu, thậm chí có cả mớ dây thun tết hình con rết, nắm sỏi tròn để chơi ô quan... Bốn chân bàn là những thanh gỗ vuông to và cứng cáp, các góc mép được bào nhẵn. Ba thanh gỗ dẹp hơn đóng thành hình chữ H ở chân bàn phía gần mặt đất giữ cho các chân bàn được vững vàng chắc chắn hơn.
Mỗi khi học xong em thường thu dọn sách vở và các thứ trên mặt bàn cho gọn ghẽ rồi lau bàn bằng khăn vải mềm. Không bao giờ em lơ đễnh hay cố ý viết, vẽ bậy lên mặt bàn. Vì vậy mà dùng đã nửa năm bàn vẫn còn mới.
Em yêu quý cái bàn này lắm bởi ngày nào nó cũng cùng em học tập miệt mài. Áp má lên mặt bàn, em nghe mát rượi như có ngọn gió nào thổi từ khu rừng xa xưa nơi cây gỗ này sinh sống. Em tưởng như nghe được lời gió thì thầm nhắc nhở: "Cô chủ ơi, gắng học lên! Chúng tôi tin tưởng nhiều ở cô đấy nhé!".
Sưu tầm
Câu 2: Nghe thầy cô kể câu chuyện Vì muôn dân.
Vì muôn dân
1. Năm 1235, khi Trần Quốc Tuấn mới 5, 6 tuổi, cha ông là Trần Liễu có chuyện tị hiềm với vua Trần Thái Tông. Năm 1251, Trần Liễu lâm bệnh nặng, trước khi mất có trăng trối: “Con hãy vì cha mà lấy thiên hạ. Nếu không, nơi chín suối, cha không thể nhắm mắt!”. Biết cha không quên hận cũ, thương cha, Quốc Tuấn đành gật đầu để cha yên lòng, nhưng ông không cho đó là điều phải và luôn tìm cách hòa giải mối hiềm khích trong gia tộc.
2. Cuối năm 1284, nhà Nguyên lại kéo hàng chục vạn quân sang xâm chiếm nước ta.Thế giặc mạnh như chẻ tre. Vua Trần Nhân Tông (cháu Trần Thái Tông) cho vời Hưng Đạo về kinh. Vừa từ Vạn Kiếp về tới Thăng Long, đậu thuyền ở bến Đông, ông sai mời Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải (con vua Trần Thái Tông) đến cùng bàn kế đánh giặc. Biết Quang Khải ngại tắm, ông sai nấu sẵn nước thơm và xin được tắm giùm. Ông tự tay cởi áo cho Quang Khải, dội nước thơm cho Quang Khải và thân mật đùa:
- Hôm nay, thật mau mắn, tôi được tắm hầu Thái sư.
Quang Khải cũng kìm nỗi xúc động, đùa lại:
- Tôi mới thật có may mắn vì được Quốc công Tiết chế tắm cho.
Trước tấm lòng chân tình của cả hai người, mối hiềm khích giữa hai bên được cởi bỏ.
3. Hôm sau, hai người vào cung. Vua đã chờ sẵn để bàn việc nước.
Nhà vua băn khoăn:
- Lần trước, giặc Nguyên đã bị ta đánh bại. Nhưng lần này, chúng đông và mạnh hơn trước bội phần. Các khanh xem có kế gì để giữ yên xã tắc?
Hưng Đạo trình bày kĩ mọi việc, từ trấn giữ biên thùy, cắt cử các tướng..., đoạn ông nhấn mạnh:
- Nên triệu gấp các bô lão về kinh để cùng luận bàn. Có sức mạnh nào bằng sức của trăm họ! Anh em hòa thuận, trên dưới một lòng thì giặc kia mạnh mấy cũng phải tan!
Vua y lời.
Một sáng đầu xuân năm 1285, bộ lão từ mọi miền đất nước tụ hội về điện Diên Hồng. Vua quan nhà Trần tề tựu đông đủ. Vua ướm hỏi:
- Nhà Nguyên sai sứ giả mang thư sang, xin mượn đường để đánh Chăm-pa. Ý các khanh thế nào?
Hưng Đạo tâu:
- Cho giặc mượn đường là mất nước!
Cả điện đồng thanh:
- Không cho giặc mượn đường!
Vua hỏi tiếp:
- Ta nên hòa hay nên đánh?
Điện Diên Hồng như rung lên bởi những tiếng hô của muôn người:
- Nên đánh!
- Sát Thát!
4. Nhờ trên dưới đồng lòng, vua tôi hòa thuận… quân dân ta đã đánh tan giặc Nguyên, giữ vững độc lập dân tộc.
Hướng dẫn giải:
Khi nghe kể chuyện các em cần lưu ý:
- Ghi lại một số nội dung quan trọng.
- Nhớ những chỗ cần nhấn mạnh.
Câu 3: Dựa vào tranh vẽ dưới đây, em hãy kể lại từng đoạn câu chuyện.
Hướng dẫn giải:
- Tranh 1: Câu chuyện kể về lời của người cha dành cho đứa con của mình trước lúc lâm chung, cụ thể là cha của Trần Quốc Tuấn trước khi qua đời dặn con phải giành lại ngôi vua Trần Quốc Tuấn không cho điều đó là phải nhưng thương cha nên gật đầu.
- Tranh 2: Năm 1284, giặc Nguyên lại sang xâm lược nước ta.
- Tranh 3: Trần Quốc Tuấn mời Trần Quang Khải xuống thuyền của mình ở bến Đông để cùng bàn kế đánh giặc.
- Tranh 4: Trần Quốc Tuấn tự tay dội nước tắm cho Trần Quang Khải, khéo léo cởi bỏ mâu thuẫn gia tộc.
- Tranh 5: Theo lời Trần Quốc Tuấn, vua mở hội nghị Diên Hồng triệu tập các bô lão từ mọi miền đất nước. Vua tôi đồng lòng quyết tâm diệt giặc.
- Tranh 6: Cả nước đoàn kết một lòng nên giặc Nguyên đã bị đánh bại.
Câu 4: Trao đổi về ý nghĩa câu chuyện.
Hướng dẫn giải:
Câu chuyện "Vì muôn dân" mang đến cho người đọc những ý nghĩa vô cùng sâu sắc. Cụ thể truyện đã ca ngợi Trần Hưng Đạo đã vì đại nghĩa mà xóa bỏ hiềm khích cá nhân với Trần Quang Khải để tạo nên khối đoàn kết chống giặc, thấy được đoàn kết là một truyền thống đã được hun đúc từ lâu đời của dân tộc ta.
3. Hoạt động ứng dụng
Câu hỏi: Đọc thuộc lòng cho người thân nghe 4 khổ thơ cuối hoặc cả bài Cửa sông.
Hướng dẫn giải:
Khi đọc các em cần lưu ý:
- Phát âm chuẩn.
- Giọng biểu cảm và vui tươi.
- Ngắt, nghỉ phù hợp.
4. Tổng kết
Sau khi học xong bài này, các em cần nắm một số nội dung chính như sau:
- Nắm được nội dung và ý nghĩa của văn bản "Cửa sông".
- Rèn luyện kĩ năng tập đọc một văn bản.
- Biết cách kể một câu chuyện đã nghe hoặc đã đọc.
Tham khảo thêm
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 25A: Cảnh đẹp đất nước
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 25C: Chúng mình cùng sáng tạo
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26A: Nhớ ơn thầy cô
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26B: Hội làng
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 26C: Liên kết câu bằng từ ngữ thay thế
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 27A: Nét đẹp xưa và nay
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 27B: Đất nước mùa thu
- doc Tiếng Việt lớp 5 bài 27C: Liên kết câu bằng từ ngữ nối