Luận văn thạc sĩ xã hội

Nhằm hỗ trợ cho quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên, giảng viên khối ngành Xã hội, eLib chia sẻ đến bạn chuyên mục Luận văn Thạc sĩ Xã hội với các đề tài luận văn về văn học, xã hội, tâm lý, báo chí và truyền thông....hay nhất, hi vọng sẽ là tư liệu tham khảo hữu ích phục vụ cho mục đích nghiên cứu, làm việc của bạn. Mời các bạn cùng tham khảo.

1. Luận văn là gì?

Luận văn là khái niệm tương đương với khóa luận tốt nghiệp ở một số trường đại học, đây cũng có thể được gọi là chuyên đề. Tuy nhiên, chúng ta vẫn thường thấy quen thuộc với cách gọi luận văn hoặc luận văn tốt nghiệp.

Luận văn là công trình nghiên cứu dưới hình thức một văn bản về một chủ đề bất kì nào đó được giao phó nghiên cứu hoặc dựa trên lựa chọn yêu thích của người làm luận văn. Luận văn thường được làm vào những năm khóa ở đại học hoặc sau đại học, để trình bày những kết quả nghiên cứu được của sinh viên về chủ đề đã chọn. Luận văn thường được áp dụng cho sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp và những người đang thi lấy bằng Thạc sĩ.

Luận văn Thạc sĩ là một công trình nghiên cứu của một học viên cao học, có những đóng góp về mặt lý luận và thực tiễn trong lĩnh vực nghiên cứu hoặc nghĩ ra một giải pháp có giá trị trong việc phát triển và nâng cao tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu, giải quyết sáng tạo các vấn đề của ngành khoa học hay thực tiễn kinh tế - xã hội.

2. Mục tiêu của luận văn

Luận văn thạc sĩ phải xác định được sự thiếu hụt về kiến thức lý thuyết và thực tiễn của chủ đề nghiên cứu cũng như xây dựng được câu hỏi nghiên cứu để từ đó xác định tài liệu tham khảo phù hợp. Những điều cần lưu ý về một luận văn:

Luận văn thạc sĩ không phải là một báo cáo nghiên cứu đề tài, đề tài nghiên cứu tập trung vào giải quyết một vấn đề cụ thể và thường tập trung vào một vấn đề thực tiễn nào đó.

Luận văn không phản ánh kinh nghiệm cá nhân hoặc ý kiến cá nhân vì đặc tính cơ bản của một luận văn là không có định kiến (value free) và mang tính khách quan. 

Luận văn không phải là giáo trình vì mục đích của giáo trình là muốn chuyển tải tri thức đến cho người học theo cách hiệu quả nhất, còn mục đích của luận văn là xác định và giải quyết một vấn đề cụ thể.

Luận văn phải tập trung vào vấn đề phù hợp. Tính phù hợp được thể hiện ở chỗ phải chứng minh được vấn đề nghiên cứu của luận văn chưa được các nghiên cứu trước đó đưa ra câu trả lời xác đáng, chưa đủ hoặc chưa thể hiện được sự quan trọng. 

Từ kết quả nghiên cứu, luận văn phải đưa ra những bình luận mang tính kiến nghị giải pháp cho thực tiễn hoặc đóng góp cho lý thuyết mà luận văn sử dụng làm khung phân tích. Vì vậy kết quả nghiên cứu trong luận văn có thể lấy từ các nghiên cứu thực nghiệm định lượng, từ các nghiên cứu giải thích hoặc tổng quan số liệu thứ cấp từ các nghiên cứu trước.

3. Quy trình viết luận văn Thạc sĩ

Bước 1: Đặt mục tiêu cho bài luận và chọn đề tài

Đây là điều quan trọng nhất khi chọn chủ đề của một bài luận văn. Bạn phải đặt ra được mục tiêu của bài luận kèm theo phương pháp thực hiện những mục tiêu này.

Nói rằng chọn đề tài luận văn thạc sĩ là một nhiệm vụ mang tính định hướng thật chẳng hề sai chút nào. Tại sao?

Lựa chọn đề tài được xem là khâu quan trọng nhất của quá trình làm luận văn thạc sĩ vì nó quyết định đến chủ đề, nội dung bạn sẽ chinh phục trong bài luận của mình. Tốt nhất hãy lựa chọn một chủ đề gần gũi mà bạn hứng thú để vừa có nhiều nguồn tài liệu tham khảo vừa tiện lợi trong nghiên cứu, đánh giá.

Trong nhiều trường hợp, những đề tài luận văn thạc sĩ mới lạ sẽ là điểm cộng cho bài nghiên cứu của bạn. Nhưng mặt trái của khi chọn đề tài quá lạ lẫm, quá mới cũng có thể gây cho bạn khó khăn trong việc tìm tài liệu, dẫn chứng tham khảo.

Bước 2: Lên đề cương nghiên cứu cho bài luận

Các giảng viên đều rất quan tâm đến đề cương nghiên cứu bài luận của bạn.

Bản đề cương này cần phải rõ ràng, chi tiết. Đề cương càng chi tiết thì bạn sẽ càng hiểu bạn đang làm gì, bạn làm đến đâu và bạn sẽ kiểm soát được thời gian của mình tốt hơn.

Bước 3: Phương pháp luận

Một trong những nội dung quan trọng nhất trong bài luận văn mà các giảng viên quan tâm đến chính là phương pháp luận trong bản đề xuất luận văn của bạn.

Phương pháp luận của một bài luận văn nói lên bài luận của bạn làm thế nào để đạt được các mục tiêu đề ra cho bài luận.

Bước 4: Sự giúp đỡ và hướng dẫn của các giảng viên

Trong quá trình làm bài luận, bạn cần lên kế hoạch gặp gỡ các giảng viên để xem lại tiến trình làm bài của mình. Bởi vì vào mùa hè, các giảng viên rất bận và họ dành khá nhiều thời gian đi du lịch cùng gia đình. Bạn sẽ phải liên lạc với họ qua thư, điện thọai… để biết được những khoảng thời gian trống của họ.

Bạn cần lên lịch luôn với họ để thảo luận và được góp ý trong quá trình làm bài luận của mình.

Bản thân tôi đã lên lịch gặp giáo sư của mình mỗi tuần một lần. Gặp gỡ giáo viên thường xuyên sẽ cho bạn cơ hội để giải đáp các câu hỏi trong quá trình làm các phần như: tài liệu tham khảo, thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu…

Theo kinh nghiệm viết luận văn thạc sĩ, để các buổi gặp gỡ có hiệu quả, bạn cần chuẩn bị trước mọi thứ để xem xét và thảo luận vì bạn không có thời gian nhiều để nói chuyện và đặt câu hỏi.

Bước 5: Thu thập dữ liệu cho bài luận

Khi đã chọn được đề tài cho bài luận rồi, bạn nên bắt đầu tìm nguồn thu thập dữ liệu. Nhưng bạn cần lưu ý, dữ liệu trên các trang web của Việt Nam không đầy đủ hoặc nếu có cũng không cập nhật.

Hơn nữa, những con số trên trang web không được xác thực và đảm bảo tính chính xác.

Bước 6: Bố cục của bài luận

Đây là phần rất quan trọng mà không thể bỏ qua.

Tất cả các trường đại học đều đặt ra nguyên tắc chung trong phong cách trình bày bài luận kể cả từ cách trích dẫn các văn bản hoặc tiểu sử tác giả. Vì vậy, bạn nên tránh không để bị trừ điểm do những lỗi không đúng kiểu.

Tóm lại, trong bài luận của bạn, phần giới thiệu và kết luận càng ngắn gọn và súc tích càng tốt. Do đó, việc tham khảo từ các giảng viên và bạn bè là rất cần thiết.

4. Cấu trúc của một luận văn Thạc sĩ

Tên đề tài phải ngắn gọn nhưng phải phản ánh được nội dung chính của luận văn. Cụ thể tên luận văn phải trả lời được câu hỏi luận văn nghiên cứu cái gì, nghiên cứu ai, ở đâu và lúc nào.

Tóm tắt luận văn: Tóm tắt luận văn không được dài quá một trang giấy A4 nhưng phải nêu được vắn tắt vấn đề nghiên cứu, những kết quả chính, kết luận và đóng góp của luận văn.

Lời cám ơn: Gửi lời cảm ơn đến những cá nhân và tổ chức có đóng góp cho đề tài

Lời cam đoan: Tác giả luận văn cần có lời cam đoan danh dự về công trình khoa học này của mình. Cam đoan về nguồn tài liệu sử dụng trong luận văn không vi phạm bản quyền và đồng ý cho trường ĐHKHXH và NV và khoa Xã hội học dùng luận văn làm tài liệu tham khảo.

Mục lục luận văn, mục lục bảng biểu và đồ thị nếu trong luận văn có bảng biểu và đồ thị. Luận văn phải được trình bày rõ ràng, mạch lạc, không được tẩy xóa. Luận văn có đánh số trang, số bảng biểu, hình vẽ, đồ thị. 

5. Các phần chính của một luận văn

Phần mở đầu này nêu ngắn gọn về vấn đề nghiên cứu, những thông tin đã biết và chưa biết về vấn đề nghiên cứu để từ đó nêu lên được tính cấp thiết của đề tài cũng như lý do vì sao nghiên cứu vấn đề đó và cuối cùng nêu mục tiêu của luận văn hướng đến là gì, nghiên cứu này cho ai (thường là tài liệu tham khảo cho học viên cao học và những người nghiên cứu liên quan đến vấn đề nghiên cứu của luận văn). 

5.1 Phần mở đầu

  • Lý do chọn đề tài

  • Tổng quan tài liệu

  • Mục tiêu nghiên cứu

  • Nội dung nghiên cứu

  • Đối tượng và khách thể nghiên cứu

  • Phạm vi nghiên cứu

  • Phương pháp nghiên cứu

  • Phương pháp xử lý dữ liệu 

  • Ý nghĩa lý luận và ý nghĩa thực tiễn

  • Hạn chế trong quá trình thực hiện luận văn

5.2 Cơ sở lý luận và phương pháp luận

  • Cách tiếp cận chính trong nghiên cứu

  • Mô hình phân tích

  • Giả thuyết nghiên cứu

  • Khái niệm liên quan đến đề tài

  • Kết cấu của luận văn

5.3 Tiêu đề của phần này thể hiện nội dung chính nên thường là tên của đề tài 

Chương 1: Tổng quan về địa bàn nghiên cứu. Mô tả về mẫu nghiên cứu

Chương 2: Câu hỏi nghiên cứu 1 hoặc mục tiêu 1

Chương 3: Câu hỏi nghiên cứu 2 hoặc mục tiêu 2 

Phần này tập trung phân tích số liệu kết hợp trình bày bảng biểu và đồ thị nhằm lý giải các kết quả cũng như tính hiệu lực và độ tin cậy của các kết quả này. Cuối mỗi chương nên có phần tóm tắt lại kết quả làm cơ sở để viết phần kết luận. Phần: Kết luận và kiến nghị Phần kết luận tổng hợp vắn tắt các kết quả nghiên cứu dựa vào mục tiêu hoặc giả thuyết nghiên cứu. Bình luận về kết quả nghiên cứu dựa vào phần kết luận của tổng quan tài liệu hoặc tổng quan lý thuyết. Làm rõ tầm quan trọng cũng như đóng góp của luận văn (lý luận hay thực tiễn). Phân tích tác động của chính sách đối với kết quả nghiên cứu để từ đó đề xuất những kiến nghị.

5.4 Cách thức soạn thảo văn bản

Luận văn luận án sử dụng chữ Times New Roman, cỡ chữ 13 của hệ soạn thảo Winword; mật độ chữ bình thường, không được nén hoặc kéo giãn khoảng cách giữa các chữ; giãn dòng đặt ở chế độ 1,5 lines; lề trên 3,5 cm; lề dưới 3 cm; lề trái 3,5 cm; lề phải 2 cm. Số trang được đánh ở giữa, phía trên đầu mỗi trang giấy. Nếu có bảng biểu, hình vẽ trình bày theo chiều ngang khổ giấy thì đầu bảng là lề bên trái của trang, nhưng nên hạn chế trình bày theo cách này. Luận văn được in trên một mặt giấy trắng khổ A4 (210x297mm), dày không quá 200 trang, không kể phụ lục.

5.5 Hướng dẫn xếp danh mục tài liệu tham khảo

Tài liệu tham khảo được xếp riêng theo từng ngôn ngữ ( Việt, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Nhật…) các tài liệu bằng tiếng nước ngoài phải giữ nguyên văn, không phiên âm, không dịch (kể cả tái liệu bằng tiếng Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc,…)

Đối với những tài liệu bằng ngôn ngữ còn ít người biết (Malayu, Sancrit….) có thể thêm phần dịch tiếng Việt đi kèm theo mỗi tài liệu.

Tài liệu tham khảo xếp theo thứ tự ABC họ tên tác giả luận án thoe thông lệ từng nước:

Tác giả là người nước ngoài xếp theo thứ tự ABC theo họ

Tác giả là người Việt Nam: xếp theo thứ tự ABC theo tên nhưng vẫn giữ nguyên thứ tự thông thường của người Việt Nam, không đảo tên lên trước họ

6. Hướng dẫn viết một luận văn

6.1 Lựa chọn và đặt tên đề tài luận văn

Đề tài luận văn có thể do Khoa, Bộ môn, các thầy, cô giáo gợi ý hay do bản thân sinh viên đề xuất nhưng không được trùng lặp với các đề tài đã được nghiên cứu trước đó. Tốt hơn cả là sinh viên tự tìm hiểu, suy nghĩ và đề xuất vấn đề nghiên cứu trên cơ sở ý thích, năng lực, sở trường, mối quan hệ … hay những ý tưởng đã hình thành trước đó của mình.

Những ý tưởng nghiên cứu thường được hình thành khi: nghe giảng trên lớp; đọc sách báo; trao đổi, tranh luận với các nhà khoa học, đồng nghiệp; thực tập, thực tế tại các cơ quan, công ty; suy nghĩ ngược lại những quan điểm thông thường; nhận dạng những vướng mắc trong hoạt động thực tế; nghe thấy sự kêu ca phàn nàn của những người khác;...

Trên cơ sở những ý tưởng nghiên cứu, sinh viên sẽ tiến hành lựa chọn và đặt tên cho đề tài. Để đảm bảo cho chất lượng luận văn, đề tài phải:

Có ý nghĩa khoa học: bổ sung cho lý thuyết của bộ môn khoa học; xây dựng cơ sở lý thuyết mới hoặc làm rõ một số vấn đề lý thuyết đang tồn tại … ; những phát triển mới nhất về vấn đề nghiên cứu …

Có giá trị thực tiễn: giải quyết các vấn đề, khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, quản lý … ; xây dựng luận cứ cho các chương trình phát triển kinh tế-xã hội của ngành, của địa phương …;

Có tính khả thi: có đủ điều kiện cho việc hoàn thành đề tài, như: cơ sở thông tin, tư liệu; phương tiện thiết bị thí nghiệm, nếu cần; có người hướng dẫn khoa học và các cộng tác viên khác; có đủ thời gian…;

Phù hợp với sở thích, sở trường của người nghiên cứu

6.2 Xây dựng đề cương và kế hoạch nghiên cứu

Xây dựng đề cương: Trên cơ sở tên đề tài đã được thông qua, sinh viên xác định đối tượng, mục tiêu, phạm vi nghiên cứu và lập đề cương nghiên cứu. Đề cương nghiên cứu cũng chính là bố cục của luận văn, bao gồm các chương, mục phản ánh đối tượng và phạm vi nghiên cứu từ đầu đến cuối một cách logic. Nguyên tắc phải tuân thủ khi xây dựng đề cương là: tên các chương phải phù hợp với (thể hiện) tên đề tài; tên các mục lớn trong chương phải phù hợp với tên chương; tên các mục nhỏ phải phù hợp với tên các mục lớn … Đối với một luận văn khoa học, đề cương nghiên cứu, ngoài phần mở đầu và kết luận, thường gồm 3 (ba) chương.

  • Chương 1: Thường đề cập đến những vấn đề lý luận chung, như:  khái niệm, vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu; Nhu cầu về sản phẩm, tiềm năng sản xuất, xuất khẩu … (nếu nghiên cứu về vấn đề xuất khẩu); Khái quát hoá các lý thuyết, học thuyết có liên quan đến vấn đề nghiên cứu (đối với khoá luận tốt nghiệp hay luận văn thạc sỹ)...

  • Chương 2: Thường dành để phân tích tình hình, thực trạng của vấn đề nghiên cứu, nguyên nhân của những yếu kém, khuyết điểm … 

  • Chương 3: Nêu lên quan điểm, phương hướng, mục tiêu hay dự báo tình hình phát triển và đề xuất các giải pháp, phương pháp giải quyết vấn đề. 

Xây dựng kế hoạch nghiên cứu: Cùng với đề cương, sinh viên phải xây dựng kế hoạch nghiên cứu , chỉ rõ nội dung công việc và thời gian hoàn thành.

6.3. Trình đề cương cho người hướng dẫn để xin ý kiến

Sinh viên gặp người hướng dẫn khoa học với đề cương đã được chuẩn bị sẵn để xin ý kiến. Người hướng dẫn có thể góp ý để chỉnh sửa, bổ sung cho đề cương nhằm đảm bảo tính chuẩn xác của tên đề tài, sự đúng đắn và đầy đủ của nội dung nghiên cứu, tính hợp lý và logic của bố cục, tính cập nhật của các thông tin khoa học có liên quan … Trên cơ sở đó sinh viên, học viên sửa chữa, hoàn thiện đề cương.

6.4 Sưu tầm, lưu trữ tài liệu, lập danh mục tư liệu, làm thí nghiệm

Nguồn tài liệu liên quan đến đề tài nghiên cứu có thể tìm thấy tại thư viện, hiệu sách, trên tạp chí chuyên ngành, báo cáo, thông tin khoa học, báo chí, qua internet, các cơ quan, công ty, thông qua bạn bè, người quen … Trong quá trình thu thập tài liệu phải ghi chép, lưu trữ cẩn thận, đặc biệt là nguồn của các tài liệu, bài viết có liên quan, như: tên tác giả, tên tạp chí hay báo đã đăng tải, số, ngày tháng, phát hành, năm xuất bản… để lập thành Danh mục tư liệu và sau này đưa vào Danh mục tài liệu tham khảo.

6.5 Viết luận văn khoa học

Sau khi có tương đối đầy đủ tư liệu, trên cơ sở đề cương chi tiết đã được thông qua, có thể bắt đầu viết luận văn. Việc này tốt nhất nên thực hiện trên máy vi tính, theo phông chữ thông thường Vn- Times, khổ chữ 13 hoặc 14, có thể bắt đầu từ Lời nói đầu hay từ chương 1.

Nội dung của luận văn:

Luận văn, dù sắp xếp chương mục như thế nào, cũng phải có những bộ phận và nội dung cơ bản  theo thứ tự : bìa chính, bìa phụ, mục lục, lời nói đầu, các chương, kết luận, tài liệu tham khảo, phụ lục, nếu có.

 a. Bìa chính và bìa phụ: có nội dung hoàn toàn giống nhau và được viết theo thứ tự (từ trên xuống): Tên trường; tên Khoa, bộ môn; Tên luận văn khoa học (Khoá luận tốt nghiệp, Thu hoạch thực tập tốt nghiệp …); Tên đề tài; Tên người viết và người hướng dẫn khoa học (góc phải); Nơi thực hiện, năm … Bìa chính là tờ bìa cứng ngoài cùng có màu khác nhau theo quy định (KLTN của ĐH Ngoại thương: bìa đỏ, chữ vàng). Bìa phụ là trang đầu tiên của luận văn.

b. Mục lục: Mục lục gồm khoảng 02 trang tiếp ngay sau bìa phụ, ghi rõ tên các chương, mục với vị trí trang tương ứng, giúp người đọc có thể xem nhanh những nội dung chính của luận văn và mở đọc những mục cần thiết. Không nên ghi mục lục quá chi tiết để khỏi chiếm nhiều trang mà chỉ nên ghi đến một mục nhỏ sau một mục lớn là đủ.

c. Lời nói đầu: Đối với hầu hết các loại luận văn, lời nói đầu thường chỉ gói gọn trong 1-2 trang, nói rõ lý do chọn đề tài, mục đích, mục tiêu của việc nghiên cứu; phương pháp nghiên cứu; Đối tượng và phạm vi nghiên cứu; tên các chương và dự kiến kết quả đạt được, cùng với lời cám ơn những người đã giúp đỡ mình trong quá trình làm luận văn. Riêng đối với luận văn thạc sỹ và luận án tiến sỹ, lời nói đầu thường được viết dưới dạng các mục, như: Tính cấp thiết của đề tài; Mục đích và mục tiêu nghiên cứu; Tình hình nghiên cứu; Đối tượng và phạm vi nghiên cứu ; Phương pháp nghiên cứu; Những đóp góp mới của luận án; Kết cấu của luận án.

d. Viết các chương: Như đã nói ở trên, luận văn thông thường được kết cấu thành ba chương với số trang của các chương gần bằng nhau để đảm bảo tính cân đối của luận văn. Nội dung của các chương cần có các tiêu đề, mục lớn, mục nhỏ đầy đủ, rõ ràng, tránh sử dụng quá nhiều dấu ký hiệu: #, *, -, + … trong luận văn. Cuối mỗi chương nên có kết luận từ 7 - 10 dòng về các vấn đề đã đề cập trong chương đó bằng các cụm từ, như: Tóm lại, Nhìn chung,…  Qua phân tích trên có thể rút ra kết luận …

e. Kết luận của luận văn: Phần kết luận của luận văn phải để ở một trang riêng, tổng hợp tất cả các kết luận rút ra được từ việc nghiên cứu đề tài cùng với một vài giải pháp chủ yếu nhất, những khuyến nghị, dự báo xu hướng phát triển, với độ dài từ 1-2 trang. Đây là những điều khảng định hay kết luận cụ thể về các vấn đề chủ yếu được đề cập trong cả ba chương của luận văn mà tác giả rút ra được sau khi nghiên cứu, được đánh số thứ tự 1, 2, 3 … hay gạch đầu dòng (-) mà không kèm bất kỳ một lời bình luận nào. Ví dụ: Sau khi nghiên cứu  đề tài, có thể rút ra một số kết luận sau đây: … Những kết luận này là phần rất quan trọng của luận văn, cùng với các giải pháp, kiến nghị đề xuất, đây chính là kết quả nghiên cứu của tác giả. 

f- Tài liệu tham khảo: Tài liệu tham khảo bao gồm tất cả các tác phẩm kinh điển, giáo trình, sách tham khảo, luật lệ, nghị quyết, thông tư, báo cáo, các bài báo… bằng các thứ tiếng khác nhau mà tác giả đã tham khảo khi nghiên cứu và có dẫn chiếu trong luận văn.

7. Một số đề tài luận văn xã hội hay

  • Báo chí trực tuyến ở Việt Nam: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn

  • Ngôn ngữ của người dẫn chương trình truyền hình: Dựa trên tư liệu các chương trình giao lưu, gặp gỡ truyền hình

  • Ảnh hưởng của chủ nghĩa thực dụng đối với lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay

  • Ảnh hưởng của thế giới quan Hồi giáo trong đời sống xã hội ngày nay

  • Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở tỉnh Tiền Giang

  • Bảo tồn và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer tỉnh An Giang trong quá trình hội nhập

  • Bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống ở tỉnh An Giang hiện nay 

  • Biện chứng giữa các vấn đề dân tộc và vấn đề giai cấp ở Việt Nam

  • Sự thay đổi sinh kế của phụ nữ huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình đô thị hóa (nghiên cứu trường hợp xã Xuân Thới Đông)

  • Tác động của quá trình đô thị hóa đến tổ chức không gian cư trú hộ gia đình tại khu vực phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh

  • Ảnh hưởng của ca dao trong tác phẩm của một số nhà thơ Việt Nam hiện đại

  • Ảnh hưởng của văn hóa bác học trong ca dao dân ca Việt Nam

  • Cái hài trong truyện ngắn Việt Nam từ 1986 đến nay 

  • Ảnh hưởng của tư tưởng thiền lão trong lý luận, phê bình văn học cổ điển Việt Nam

  • Lý thuyết cải biên học: Từ tác phẩm văn học đến tác phẩm điện ảnh - trường hợp Kurosawa Akira 

  • Thể loại ngụ ngôn qua sáng tác của L.N. Tolsoty

  • Biện pháp quản lý công tác chủ nhiệm lớp của hiệu trưởng trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 11, thành phố Hồ Chí Minh

  • Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý tại đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh

  • Quản lý công tác khảo sát ý kiến phản hồi của sinh viên đối với hoạt động đào tạo tại một số trường Đại học

  • Cải cách thích ứng ở Anh vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX

  • Châu Phi trong chính sách an ninh năng lượng của Trung Quốc

  • Sự điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Myanmar dưới thời tổng thống Barack Obama

  • ..............

Trên đây là một số thông tin về luận văn Thạc sĩ, bố cục của luận văn Thạc sĩ xã hội, hướng dẫn hình thức trình bày luận văn Thạc sĩ và một số đề tài luận văn Thạc sĩ khoa học. Bên cạnh đó, bạn có thể tham khảo thêm các luận văn khoa học khác tại eLib.vn, hi vọng đây sẽ là tư liệu hữu ích hỗ trợ bạn trong quá trình học tập của mình. Chúc các bạn thành công!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM